ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI KHẢO SÁT TẠI TP. HỒ CHÍ MINH

10/04/2024

Sáng 10/4, Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có các hoạt động khảo sát thực tế tại TP. Hồ Chí Minh.

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI KHẢO SÁT "ĐIỂM ĐEN" VỀ GIAO THÔNG TẠI THÀNH PHỐ BIÊN HOÀ, ĐỒNG NAI

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI KHẢO SÁT CHUYÊN ĐỀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ ĐẢM BẢO TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong phát biểu tại cuộc làm việc

Bến xe miền Đông mới là bến xe khách đầu tiên được thực hiện mới theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh. Sau khi công bố đưa vào khai thác, ngày 10.10.2020, bến xe miền Đông mới được khánh thành và bước đầu tiếp nhận 71 tuyến đường, 27 đơn vị vận tải được di dời từ bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh) sang bến xe Miền Đông mới.

Đến ngày 11.10.2022, tiếp nhận thêm 135 tuyến đường, 89 đơn vị vận tải và ngày 15.9.2023, tiếp tục tiếp nhận 10 tuyến đường từ bến xe miền Đông đi hành trình Quốc lộ 14 về các tỉnh miền Trung, miền Bắc và hành trình Quốc lộ về các tỉnh Tây Nguyên.

Tại bến xe miền Đông mới có 5 tuyến xe buýt với điểm đầu, cuối hành trình tại bến xe miền Đông mới và 4 tuyến với hành trình đi ngang bến. Bên cạnh đó, trên trục đường hàng lang đi bộ sẽ kết nối với khu vực cửa lên, xuống nhà ga bến xe Suối Tiên của tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên và kết nối với khu dịch vụ công cộng, khu thương mại dịch vụ theo thiết kế tổng thể của bến xe miền Đông mới.

Theo dự kiến đây sẽ là điểm kết nối với tuyết xe buýt nhanh (BRT) đi về thành phố mới tỉnh Bình Dương.

Quang cảnh cuộc làm việc

Thành viên Đoàn giám sát tại cuộc làm việc

Bến xe miền Đông mới được đánh giá là địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, là địa điểm được các đối tượng lợi dụng để thực hiện các hành vi mất an ninh trật tự không loại trừ khả năng khủng bố, phá hoại. Do đó, công tác phối hợp với lực lượng tại địa phương, các đội nghiệp vụ luôn được quan tâm sâu sát. Bến xe cũng đã xây dựng quy trình bảo đảm an toàn giao thông và giải quyết xe ra, vào bến và quy định về việc kiểm tra các điều kiện hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, bố trí nhân sự kiểm tra các điều kiện vận tải và phối hợp chất xếp hàng hoá phương tiện vận tải trước khi xuất bến.

Phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông tuyên truyền, nhắc nhở các doanh nghiệp vận tải hoạt động trong bến cam kết thực hiện việc chấp hành nghiêm việc bốc xếp, chở hàng hóa đúng kích thước, trọng tải thiết kế của xe, không cơi nới thành, thùng xe; thực hiện đúng các quy định về bảo đảm an toàn giao thông…

Bên cạnh những chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm trật tự hoạt động vận tải thời gian qua, đại diện Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh cho biết, vẫn còn tình trạng “xe dù, bến cóc”, xe trá hình hoạt động đón, trả khách ở các khu vực trung tâm thành phố (Quận 1, Quận 5, 10, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình...), thực hiện tổ chức đón, trả khách và giao nhận hàng hóa không đúng nơi quy định tại các bãi giữ xe, nơi đỗ xe, văn phòng, trạm tiếp nhiên liệu, dọc các tuyến đường quốc lộ… đã tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các loại hình vận tải.

Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại bến xe miền Đông mới

Việc triển khai quy hoạch giao thông chưa xem xét đến quy hoạch về tổ chức vận tải. Luồng tuyến hoạt động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh còn có sự chồng chéo, chưa được phân bổ hợp lý để phát huy hiệu quả tính kết nối các phương thức vận tải và các đầu mối giao thông được hình thành theo quy hoạch. Cụ thể, trong thời gian qua, bến xe miền Đông mới tuy được hình thành với kỳ vọng là đầu mối giao thông ở phía Đông thành phố, nhưng việc tổ chức các tuyến vận tải hành khách do các đơn vị vận tải tự đăng ký tuyến theo nhu cầu.

Đoàn giám sát khảo sát thực tế tuyến 55 (Công viên phần mềm Quang Trung - Khu công nghệ cao)

Đoàn giám sát khảo sát thực tế tuyến 55 (Công viên phần mềm Quang Trung - Khu công nghệ cao)

Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát nêu nhiều vấn đề trong công tác bảo đảm an toàn vận tải hành khách công cộng như: công tác quản lý, phối hợp giữa các đơn vị vận hành bến xe để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông cho người dân; cơ chế trợ giá xe buýt; việc thực hiện giám sát hành trình giữa các đơn vị vận tải, lái xe với các cơ quan có thẩm quyền; hoạt động của xe công nghệ xanh; vấn đề kết nối giữa xe buýt với các phương tiện khác; giải pháp phát huy tỷ lệ khai thác của bến xe miền Đông mới…

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong ghi nhận và đánh giá cao công tác bảo đảm an toàn vận tải hành khách công cộng tại bến xe miền Đông mới. Đồng thời, đề nghị các đơn vị sớm khắc phục những bất cập, hạn chế đã chỉ ra và bổ sung,  tổng hợp đầy đủ kiến nghị trong đó chú trọng những kiến nghị thực tiễn nhưng liên quan đến chính sách như: cơ chế chính sách hỗ trợ cho phương tiện giao thông công cộng, vấn đề thực hiện Luật Quy hoạch… gửi Đoàn giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

+ Sáng cùng ngày, Đoàn giám sát đã khảo sát thực tế tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Theo báo Đại biểu Nhân dân