HÀ NỘI THÔNG QUA QUY HOẠCH THỦ ĐÔ HÀ NỘI THỜI KỲ 2021-2030

29/03/2024

Ngày 29/3, HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI đã tổ chức Kỳ họp thứ 15 (Kỳ họp chuyên đề), xem xét một số nội dung quan trọng, trong đó đáng chú ý, đa số các đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội đã nhất trí thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

HÀ NỘI NÂNG CAO NĂNG LỰC, BẢO ĐẢM AN TOÀN PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ ĐẾN NĂM 2025

TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TRONG CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Tham dự có Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành Uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh và lãnh đạo văn phòng Quốc hội, Ban Công tác Đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 313/QĐ-TTg ngày 07/3/2022. UBND TP đã giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội là cơ quan lập Quy hoạch tổ chức triển khai lập Quy hoạch Thủ đô theo quy định của pháp luật về quy hoạch tại Quyết định số 1138/QĐ-UBND ngày 4/4/2022.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải báo cáo HĐND về quá trình Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Theo đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành các Kế hoạch triển khai công tác lập Quy hoạch Thủ đô: Kế hoạch số 146/KH-UBND ngày 25/5/2022 và Kế hoạch số 158/KH-UBND ngày 29/5/2023 về việc triển khai công tác lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch số 246/KH- UBND ngày 12/10/2023 triển khai công tác lấy ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Cùng với đó UBND TP đã chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch xây dựng Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô, báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Cùng với đó đã chủ trì và chỉ đạo tổ chức hơn 100 cuộc hội thảo, hội nghị, làm việc triển khai công tác lập quy hoạch Thủ đô tiếp thu nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, các đơn vị đồng hành trên địa bàn, cộng đồng dân cư gợi ý đối với các nội dung lập Quy hoạch Thủ đô nói riêng, phát triển Thủ đô nói chung.

Thẩm tra báo cáo về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ban Đô thị HĐND Thành phố nhấn mạnh, việc UBND TP trình thông qua Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là đúng quy định, làm cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyêt. Ban Đô thị cơ bản thống nhất nội dung Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tiếp tục làm rõ hơn vị thế, vai trò rất quan trọng trong vùng Thủ đô cũng như cả nước, đánh giá kỹ hơn việc thực hiện chức năng vùng của TP Hà Nội; làm rõ vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình phát triển của Thủ đô Hà Nội đối với vùng Đồng bằng sông Hồng cùng cả nước để hoàn thiện trình Thủ tướng.

Các đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội họp quyết nghị các vấn đề quan trọng của thành phố Hà Nội

Ban Đô thị Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị làm rõ các tồn tại, hạn chế để thấy rõ nguyên nhân gốc rễ của điểm nghẽn, nút thắt, từ đó có giải pháp hiệu quả, giải quyết phù hợp. Đặc biệt là việc thiếu thể chế phát triển Thủ đô toàn diện, đồng bộ; hạ tầng còn thiếu đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng giao thông công cộng chậm phát triển, nhất là đường sắt đô thị; hạ tầng thu gom, xử lý rác thải, xử lý nước thải còn thiếu và yếu; ô nhiễm môi trường…

Ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cũng nhất trí cao với Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời bày tỏ tin tưởng vào sự phát triển của TP sau khi quy hoạch được thông qua. Theo các đại biểu, cần chú trọng vào quy hoạch giao thông vận tải để xứng đáng với quy mô TP 100 triệu dân, lấy sông Hồng làm trung tâm của quy hoạch; quy hoạch đường bộ theo hướng ô bàn cờ; xử lý tốt nước thải để làm sống lại các dòng sông. Chú trọng phát triển đường sắt đô thị. Sau khi có Luật Thủ đô (sửa đổi), Thành phố cần có cơ chế đặc thù về vốn và huy động vốn để làm đường sắt đô thị; việc đầu tư nguồn lực và tổ chức thực hiện cũng cần được quan tâm, tránh gây ra sự chậm trễ.

Muốn làm được điều đó, các đại biểu cũng cho rằng, Thành phố cần tập trung giải pháp hoàn thiện về mặt thể chế, mối quan hệ phân cấp phân quyền và bố trí nguồn lực phải đồng bộ, nhất quán.

Sau khi thảo luận, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Nghị quyết được thông qua, HĐND TP giao UBND TP tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ban Đô thị HĐND TP và ý kiến của đại biểu để hoàn thiện nội dung của Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trình cấp có thẩm quyền báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 - tháng 5/2024 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật. Giao Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các tổ đại biểu, đại biểu HĐND TP và đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TP giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Theo bản quy hoạch này, Hà Nội sẽ xác định rõ 5 vùng đô thị Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có mục tiêu tổng quát trong Quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, Hà Nội là thành phố “Văn hiến, Văn minh, Hiện đại”, xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới; trung tâm đi đầu đối với nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ mới; trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc; trung tâm kinh tế tài chính lớn, cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của đất nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực, dựa trên mô hình phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ; thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu, hàng đầu cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, ngang tầm khu vực và quốc tế...

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội xác định cấu trúc không gian phát triển của Thủ đô Hà Nội gồm: 5 không gian phát triển, 5 hành lang và vành đai kinh tế, 5 trục động lực, 5 vùng kinh tế - xã hội, 5 vùng đô thị. Cùng với TP Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội đóng vai trò là cực tăng trưởng của đất nước, có vị trí trọng yếu trong tam giác động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) và tứ giác phát triển khu vực miền Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa). Quy hoạch Thủ đô đã đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển. Trong đó nhấn mạnh đến vấn đề bảo vệ môi trường, giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa - lịch sử Thủ đô; xử lý ô nhiễm môi trường các sông Nhuệ, Đáy, Lừ, Sét... để bảo đảm nguồn nước tưới an toàn cho nông nghiệp, tạo không gian xanh cho phát triển đô thị.

Cùng với đó, tập trung cải tạo những khu chung cư cũ; xóa bỏ tình trạng nhà tự xây không theo quy hoạch, không đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn. Bảo tồn, chỉnh trang, cải tạo khu phố cổ, khu có kiến trúc kiểu Pháp nhằm khai thác, phát huy giá trị văn hóa - lịch sử của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Khai thác không gian ngầm trong phát triển giao thông và dịch vụ đô thị.

Quy hoạch Thủ đô gồm 5 vùng kinh tế - xã hội là: vùng trung tâm, vùng phía Bắc sông Hồng, vùng phía Nam Thủ đô, vùng phía Tây Nam Thủ đô, vùng phía Tây Bắc Thủ đô; 5 vùng đô thị: đô thị trung tâm, thành phố phía Tây, vùng đô thị Sơn Tây - Ba Vì, thành phố phía Bắc, đô thị phía Nam.

Cũng tạị kỳ họp lần này, Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội cũng đã thông qua Nghị quyết bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục của Thành phố năm học 2023-2024; Quy định về mức phân bổ kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy định mức chi bảo đảm công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hê thống hoá văn bản quy định pháp luật trên địa bàn thành phố Hà Nội, thông qua quy định mức học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm học 2023-2024 thay thế Nghị định số 03/2023/NQ- HĐND ngày 4/7/2023 của hội đồng nhân dân thành phố; Ban hành danh mục các khoản thu, mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu bế mạc kỳ họp chuyên đề thứ 15

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị, sau kỳ họp, UBND Thành phố, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tập trung tổ chức triển khai khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đảm bảo các nghị quyết của HĐND Thành phố đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực, trong đó lưu ý về quy hoạch Thủ đô, trên cơ sở báo cáo thẩm tra của Ban Đô thị HĐND, ý kiến phát biểu của các vị đại biểu và nội dung Nghị quyết đã được HĐND Thành phố thông qua, đề nghị UBND Thành phố khẩn trương tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện nội dung Quy hoạch để Ban Thường vụ Thành uỷ báo cáo với Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ báo cáo với Quốc hội đảm bảo chất lượng, tiến độ và đảm bảo các quy định.

Thứ hai, về Kế hoạch đầu tư công của Thành phố, HĐND Thành phố xem xét, quyết nghị điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2024 và cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 cấp thành phố; phê duyệt chủ trương, điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án quan trọng về các lĩnh vực giáo dục đào tạo, văn hoá, thoát nước, xử lý nước thải, giao thông, hạ tầng kỹ thuật tái định cư… Do vậy,  Hội đồng nhân dân Thành phố đề nghị UBND Thành phố tập trung chỉ đạo, tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát, kịp thời giải quyết, tháo gỡ vướng mắc. Đồng thời, chỉ đạo rà soát, thống kê phân loại rõ số lượng dự án đã phê duyệt chủ trương, đã phê duyệt dự án, khởi công; đánh giá tiến độ thực hiện của từng dự án; xác định cụ thể nguyên nhân chậm triển khai trong từng khâu và đề xuất các giải pháp cụ thể. Đối với các dự án không có khả năng triển khai, kiên quyết cắt giảm để bố trí nguồn lực cho các dự án có tính khả thi cao, dự án trọng điểm, dự án cấp bách, giải quyết vấn đề dân sinh bức xúc như: ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường; kế hoạch đầu tư các lĩnh vực và việc xây dựng nông thôn mới cũng như đồng bào dân tộc thiểu số; đường sắt đô thị; công viên, vườn hoa, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; các chương trình cấp nước sạch, xử lý rác thải, nước thải, thoát nước, bảo vệ môi trường.

Hải Yến

Các bài viết khác