KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ LÃI SUẤT CÒN THẤP, CHƯA ĐẠT NHƯ KỲ VỌNG

29/03/2024

“Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 còn thấp, chưa đạt như kỳ vọng…” là một trong những tồn tại, hạn chế được đại diện Ngân hàng Nhà nước nêu rõ tại cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội với các bộ, ngành về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển KT- XH.

CHÍNH SÁCH VỀ HỖ TRỢ CHO ĐƠN VỊ VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG NGÀNH Y TẾ CHƯA QUAN TÂM TỚI ĐẶC THÙ CỦA NGÀNH

Tại số Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quốc hội đã quyết nghị: 05 quan điểm, 03 mục tiêu, chỉ tiêu, các chính sách tài khóa, tiền tệ và chính sách khác để hỗ trợ thực hiện Chương trình, phương án huy động nguồn lực, các cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án đầu tư thuộc Chương trình. Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) nhằm triển khai, cụ thể hóa các quyết sách tại Nghị quyết số 43/2022/QH15. Nghị quyết 11 quy định 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, phương án huy động và bố trí nguồn lực thực hiện từng nhiệm vụ, đồng thời đã xác định nhiệm vụ thực hiện theo lộ trình, thời hạn cụ thể.

Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội làm việc với các bộ, ngành về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15

Theo Phó Thống đốc Thường trực, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp được Quốc hội và Chính phủ giao, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình phục hồi và phát triển KTXH giai đoạn 2022-2023, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Nghị quyết 11 (ban hành kèm theo Quyết định số 422/QĐ-NHNN ngày 18/3/2022), trong đó đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp với thời gian cụ thể nhằm khẩn trương, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ được giao đối với ngành Ngân hàng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã xây dựng trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn để sớm triển khai thực hiện, nhất là những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.

Bám sát Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp điều hành chính sách tiền tệ theo nội dung Nghị quyết 43, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Các giải pháp hỗ trợ thanh khoản, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, giảm lãi suất cho vay có kết quả rõ ràng, phát huy hiệu quả tích cực góp phần duy trì khả năng hoạt động và phục hồi sau đại dịch của doanh nghiệp và nền kinh tế. Ngoài ra, các chính sách khác về tiền tệ, tín dụng đã kịp thời hỗ trợ gánh nặng về tài chính cho các đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh trong những giai đoạn khó khăn nhất.

Phó Thống đốc Thường trực, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thống đốc Thường trực, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Cụ thể:

Kết quả hỗ trợ lãi suất còn thấp, chưa đạt như kỳ vọng

Về chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh: Thực tế triển khai cho thấy, chưa có một chương trình nào được triển khai khẩn trương, quyết liệt như chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 43 và Nghị định 31/2022/NĐ-CP. Tuy nhiên, kết quả hỗ trợ lãi suất còn thấp, chưa đạt như kỳ vọng; đến cuối tháng 11/2023, số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình đạt gần 1.099 tỷ đồng cho 2.249 khách hàng. Căn cứ thực tế triển khai, NHNN đã kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thông qua 10 Tờ trình  báo cáo đầy đủ các khó khăn, vướng mắc đồng thời có các kiến nghị, đề xuất cụ thể đối với Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương để thúc đẩy triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất.

Về các chương trình tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH): Tại các địa phương, công tác rà soát, phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách còn gặp khó khăn; công tác bố trí quỹ đất, phê duyệt dự án tại các địa phương cũng còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến người dân phải tìm mua đất ngoài thị trường, phát sinh nhiều vướng mắc về giấy tờ pháp lý và giá cả thị trường cao so với số tiền được hỗ trợ.

Đối với chính sách đầu tư phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, đầu tư vùng dược liệu quý, đa số địa phương chưa ban hành quy định về mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, chưa hình thành dự án cụ thể, chưa phê duyệt danh sách dự án thụ hưởng ưu đãi tín dụng. Tại các địa phương cũng phản ánh khó khăn trong việc tìm kiếm doanh nghiệp chủ trì chuỗi liên kết do địa bàn thực hiện của chính sách là vùng dân tộc thiểu số và miền núi, chủ yếu là các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ. Đối với các dự án dược liệu mới ở công tác lập kế hoạch, khảo sát đánh giá điều kiện thổ nhưỡng, chưa làm thủ tục mời, lựa chọn chủ trì liên kết.

Ngoài ra, về nguồn vốn thực hiện chương trình: Tại Nghị định số 28/2022/NĐ-CP quy định nguồn vốn cho vay của NHCSXH chia thành 2 giai đoạn: (i) Giai đoạn 2022-2023: Số tiền 9.000 tỷ đồng từ nguồn vốn phát hành trái phiếu của NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; (ii) Giai đoạn 2024-2025: Trên cơ sở báo cáo của NHCSXH, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí. Như vậy, nguồn vốn thực hiện Nghị định số 28/2022/NĐ-CP trong giai đoạn 2024-2025 chưa được xác định cụ thể, trong khi đó Chương trình phục hồi và phát triển KTXH chỉ triển khai đến hết năm 2023.

Khó khăn trong đánh giá việc đáp ứng quy định “có khả năng phục hồi”

Phân tích nguyên nhân của những tồn tại này, Phó Thống đốc Thường trực, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết: 

Về chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh: Các nguyên nhân đã được nhận diện qua quá trình triển khai thực tế và cũng được các địa phương, doanh nghiệp thừa nhận như:

Trong số các ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất, chỉ có khoảng 13% khách hàng đáp ứng điều kiện thụ hưởng chính sách, trong đó 67% khách hàng phản hồi không có nhu cầu được hỗ trợ lãi suất. Khách hàng đủ điều kiện nhưng từ chối nhận hỗ trợ lãi suất, chủ yếu là do tâm lý e ngại thanh tra, kiểm tra của khách hàng (nhất là các doanh nghiệp), cân nhắc giữa lợi ích từ hỗ trợ lãi suất 2% và chi phí bỏ ra khi nhận hỗ trợ lãi suất;...

Ngân hàng thương mại và khách hàng khó khăn trong đánh giá việc đáp ứng quy định “có khả năng phục hồi” tại Nghị quyết 43 và khoản 4 Điều 3 Nghị định 31/2022/NĐ-CP.

Nhiều hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vay vốn tại các Ngân hàng thương mại, tuy nhiên không có đăng ký hộ kinh doanh theo quy định nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ (như Agribank có khoảng 50% dư nợ khách hàng là hộ sản xuất, kinh doanh không có đăng ký kinh doanh).

Một số nguyên nhân khác như: khách hàng xuất khẩu lựa chọn vay USD để tận dụng lợi thế về lãi suất và nguồn thu bằng ngoại tệ sẽ không thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất; khó khăn trong bóc tách chi phí vay vốn đa ngành nghề; khách hàng có dư nợ hiện hữu thuộc ngành được hỗ trợ lãi suất nhưng lại đang quá hạn nên tạm thời chưa được xem xét hỗ trợ lãi suất theo quy định…

Ngoài ra, trong thời gian đầu triển khai chính sách (năm 2022), tình hình KTXH nói chung và tình hình hoạt động kinh doanh của các đối tượng, ngành, nghề được hỗ trợ lãi suất nói riêng đã có nhiều biến chuyển so với thời điểm ban hành Nghị quyết 43 và Nghị định 31 (theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2022: tăng trưởng kinh tế năm 2022 phục hồi nhanh, trong đó cả 3 khu vực đều phục hồi, phát triển tốt, thu ngân sách nhà nước vượt 27,76% dự toán, xuất khẩu tăng 10,6%...), nhiều doanh nghiệp trong giai đoạn này đã trở lại hoạt động bình thường sau dịch nên nhu cầu hỗ trợ có thể thay đổi so với thời điểm ban hành chính sách.

Về các chương trình tín dụng chính sách thông qua NHCSXH: Đây là Chương trình MTQG mới lần đầu triển khai, công tác ban hành văn bản hướng dẫn để thực hiện Nghị định đến tháng 9/2022 mới hoàn thành, các địa phương cần nhiều thời gian rà soát, phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng nên việc giải ngân chương trình còn chậm.

Bên cạnh đó, nhu cầu vay vốn của người dân để làm nhà ở, đất ở, đất sản xuất đã có sự thay đổi nhiều so với số liệu thống kê từ năm 2019 (thời điểm xây dựng Chương trình MTQG), dẫn đến việc các địa phương phải rà soát, điều chỉnh lại nhu cầu hỗ trợ. Mặt khác, qua khảo sát thực tế của Ngân hàng nhà nước tại một số địa phương (An Giang, Trà Vinh, Kon Tum) người dân chủ yếu mong muốn thụ hưởng hỗ trợ trực tiếp bằng tiền để làm nhà, mua đất, không muốn vay vốn ngân hàng.

Giải quyết triệt để những điểm nghẽn chính sách, nâng cao hiệu quả và phạm vi các chính sách hỗ trợ

Từ thực tiễn kết quả triển khai, cũng như nhận diện nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên,  Phó Thống đốc Thường trực, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú đưa ra đề xuất:

Thứ nhất, các bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin thường xuyên trên cơ sở chủ trương, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để quyết tâm giải quyết triệt để nhưng điểm nghẽn chính sách, nâng cao hiệu quả và phạm vi của các chính sách hỗ trợ. 

Thứ hai, đối với thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình MTQG quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP:

Đề nghị Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc (cơ quan chủ quản chương trình MTQG) tham mưu, báo cáo Chính phủ xem xét, bố trí nguồn vốn cho NHCSXH triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP cho giai đoạn 2024-2025, để nguồn vốn tín dụng chính sách được thông suốt, đảm bảo tính khả thi của chính sách được ban hành và người dân, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước.

Đề nghị các địa phương khẩn trương ban hành quy định về mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý (đến nay vẫn chưa phát sinh dư nợ) và dự án chuỗi giá trị, triển khai lập và phê duyệt dự án, danh sách đối tượng thụ hưởng làm cơ sở để NHCSXH cho vay.

Đồng thời, đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo các đơn vị có liên quan, tổ chức chính trị - xã hội địa phương phối hợp với NHCSXH trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội; dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo, các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn, hỗ trợ cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho NHCSXH hoạt động ổn định, bền vững theo Chỉ thị 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Quyết định 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ./.

Lê Anh

Các bài viết khác