ĐOÀN ĐBQH TỈNH BÌNH THUẬN GIÁM SÁT HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

26/02/2024

Sáng 26/2, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận triển khai giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 – 2023” tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH BÌNH THUẬN: ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG, XỨNG ĐÁNG VỚI NIỀM TIN, KỲ VỌNG CỦA NHÂN DÂN

Đoàn giám sát do ông Nguyễn Hữu Thông – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận làm trưởng đoàn. Tham dự còn có lãnh đạo các ban thuộc Hội đồng nhân dân tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở VHTT&DL, sở, ngành liên quan…

Giám đốc Sở VHTT&DL Bùi Thế Nhân báo cáo tại buổi làm việc

Báo cáo với Đoàn giám sát, Giám đốc Sở VHTT&DL Bùi Thế Nhân cho biết: Thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 – 2023, đến nay Sở VHTT&DL có 7 đơn vị, giảm 4 đơn vị trực thuộc, biên chế hiện có là 148 người, giảm 29 người. Sở đang thực hiện quản lý chặt chẽ biên chế trên cơ sở phân loại tổ chức, xác định vị trí việc làm một cách khoa học, phù hợp với thực tế. Việc thực hiện tinh giản biên chế đảm bảo đúng nguyên tắc và trình tự các bước. Ở cấp huyện hoàn thành việc thí điểm hợp nhất Đài Truyền thanh Truyền hình huyện và Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện.

Bên cạnh đó, thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy biên chế và tài chính kết hợp cải cách hành chính, quy trình xử lý công việc từng bước được chuẩn hóa, phân định rõ trách nhiệm từng bộ phận, cá nhân nên chất lượng, hiệu quả công việc được nâng lên, thời gian giải quyết công việc rút ngắn…

Tại buổi giám sát, lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở và sở, ngành liên quan làm rõ thêm những kết quả, cũng như khó khăn hiện nay do nguồn thu từ hoạt động của các đơn vị không ổn định làm ảnh hưởng đến khả năng tăng mức độ tự chủ của các đơn vị. Trong quy định hiện bộc lộ những vướng mắc như các lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp lại phụ thuộc vào các trường đào tạo, do đó không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để tham gia thi, xét tuyển viên chức và điều kiện đủ trong công tác bổ nhiệm cán bộ trong ngành. Ngoài ra, nguồn thu sự nghiệp của các đơn vị giảm, làm ảnh hưởng đến khả năng tăng mức độ tự chủ của đơn vị...

Giám đốc Sở VHTT&DL cũng đề xuất các kiến nghị cần được quan tâm, như cần có lộ trình tăng dần mức độ tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp và phải tùy theo đặc điểm tình hình của các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện nhiệm vụ chính trị mà có mức giao chỉ tiêu chứ không thể cào bằng và tăng chỉ tiêu giao thu năm sau cao hơn năm trước từ 7 - 10%. Đồng thời, có cơ chế phù hợp để các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên linh hoạt trong vấn đề chi trả lương từ các nguồn kinh phí…

Ông  Nguyễn Hữu Thông – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đánh giá tại buổi giám sát

Sau khi lắng nghe ý kiến từ các đơn vị và ngành liên quan, ông Nguyễn Hữu Thông – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Sở VHTT&DL trong việc thực hiện chính sách pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023. Trong quá trình thực hiện đã kịp thời xử lý những vướng mắc, khó khăn và đánh giá rút kinh nghiệm qua từng bước. Đồng thời đề nghị đơn vị tiếp tục nâng cao chất lượng bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian tới. Đối với những nội dung được đề xuất đoàn ĐBQH tỉnh sẽ ghi nhận, tổng hợp làm việc với UBND tỉnh trước khi trình lên Quốc hội trong thời gian tới.

(Theo Báo điện tử Bình Thuận)