ĐẠI BIỂU KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP TIẾP TỤC ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ CỦA QUỐC HỘI, ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

25/12/2023

Năm 2023, hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục đổi mới cả về phương thức, nội dung và quy trình tổ chức thực hiện. Kết quả đạt được qua giám sát chuyên đề cho thấy, việc lựa chọn, quyết định các nội dung giam sát đã bám sát thực tiễn, “đúng”, “trúng” những vấn đề “nóng”, bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước.

NGHỊ QUYẾT 90/2023/QH15 CỦA QUỐC HỘI VỀ CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI NĂM 2024

Giám sát chuyên đề ngày càng đi vào thực chất, phát hiện kịp thời các vướng mắc trong thực tế.

Năm 2023, dù còn nhiều khó khăn và với khối lượng công việc rất lớn, nhưng Quốc hội đã nỗ lực cố gắng hoàn thành với chất lượng cao, nhất là các hoạt động giám sát ngày càng đổi mới, chất lượng, hiệu quả thể hiện qua các báo cáo giám sát chuyên đề, các hoạt động chất vấn tại kỳ họp, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người do Quốc hội bầu và phê chuẩn được cử tri, Nhân dân đánh giá rất cao. Từ kết quả đạt được cho thấy việc lựa chọn, quyết định  các nội dung giam sát, chất vấn đã bám sát thực tiễn, “đúng”, “trúng” những vấn đề “nóng”, bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước.

Theo ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, hoạt động giám sát chuyên đề ngày càng đi vào thực chất, phát hiện kịp thời các vướng mắc trong thực tế.

Trong đó, hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tổ chức bài bản, khoa học và chặt chẽ, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao. Các Đoàn giám sát đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi tiến hành giám sát, có sự đổi mới mạnh mẽ về cách thức tổ chức giám sát như: Phối hợp chặt chẽ với Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội ở các địa phương và các cơ quan có liên quan khác; khai thác tối đa thông tin, dữ liệu từ kết quả Kiểm tra, Thanh tra, Kiểm toán, ý kiến phản biện, kiến nghị giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể về các nội dung liên quan đến chuyên đề giám sát; Tổ chức hoạt động của Đoàn giám sát một cách khoa học, phát huy tối đa công sức, trí tuệ của các thành viên Đoàn giám sát; tăng cường huy động sự tham gia của đội ngũ chuyên gia, cán bộ, công chức của các cơ quan chuyên môn trong quá trình giám sát. Nhờ đó, hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội đã có hiệu quả thiết thực, hỗ trợ tích cực cho hoạt động lập pháp của Quốc hội và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đánh giá, năm 2023, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều chuyển biến phức tạp, kinh tế xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai Chương trình giám sát năm 2023 với rất nhiều đổi mới, nổi bật trong đó là hoạt động giám sát Chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong thời gian qua đổi mới cả về phương thức, nội dung và quy trình tổ chức thực hiện. Giám sát Chuyên đề của Quốc hội tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả, rõ nét với những chuyên đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của Nhân dân, bao gồm 02 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội, 02 chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các chuyên đề giám sát khác.

Theo đại biểu Trần Văn Sáu, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, những kết quả đạt được trong hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 cho thấy việc lựa chọn, quyết định các nội dung giam sát, chất vấn đã bám sát thực tiễn, “đúng”, “trúng” những vấn đề “nóng”, bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước.

Đại biểu Trần Văn Sáu cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp giám sát cải cách hành chính lĩnh vực đầu tư và quản lý đất đai tại UBND TP. Cao Lãnh.

Nêu thực tế tại địa phương, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cho biết, thực hiện kế hoạch giám sát do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao tại địa phương, với quan điểm của các ĐBQH trong Đoàn đều thống nhất không “giám sát chay”, mà vừa kết hợp giám sát qua báo cáo, vừa giám sát thực tế tại địa phương, cơ sở. Qua triển khai giám sát từ đầu nhiệm kỳ đến nay cho thấy, nhiều nội dung thông qua giám sát trực tiếp đã phát hiện các vướng mắc bất cập về cơ chế, chính sách, làm rõ nội dung cần giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả giám sát của Đoàn ĐBQH tại địa phương.

Các hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh thời gian qua luôn nhận được sự tham gia tích cực của các vị ĐBQH trong Đoàn, bao gồm cả ĐBQH hoạt động chuyên trách ở địa phương, ĐBQH hoạt động chuyên trách ở Trung ương và các ĐBQH hoạt động kiêm nhiệm. Điều này thể hiện tính nghiêm túc, trách nhiệm của ĐBQH trước cử tri, nhân dân và đối với các hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh tại địa phương; nâng cao chất lượng nghiên cứu hồ sơ, phản biện, nhận định, đánh giá giám sát; đồng thời, các cơ quan chịu sự giám sát cũng nghiêm túc, trách nhiệm hơn trong việc chuẩn bị báo cáo, cung cấp tài liệu, bố trí thành phần làm việc và các điều kiện cần thiết khác để Đoàn giám sát làm việc đạt kết quả.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh cho biết, 04 chuyên đề giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024 là các nội dung rất quan trọng, thiết thực để hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật có liên quan; được cử tri và Nhân dân rất quan tâm.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh

Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh xác định trách nhiệm bám sát và tham gia triển khai thật tốt, tổ chức giám sát đầy đủ, nghiêm túc, đúng quy định pháp luật các nội dung theo chỉ đạo, yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn Giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua đó cung cấp thông tin thực tiễn từ địa phương, góp phần giúp nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh sẽ nghiêm túc chuẩn bị chu đáo, xây dựng Kế hoạch cụ thể tổ chức triển khai các chuyên đề giám sát theo phân công; Tổ chức các cuộc giám sát, làm việc trực tiếp với các cơ quan, tổ chức và các địa phương trên địa bàn Thành phố. Qua đó, trực tiếp nắm bắt tình hình tại địa phương, cơ sở; xem xét, đánh giá, làm rõ các nội dung cụ thể liên quan đến chuyên đề giám sát và ghi nhận các kiến nghị của các cơ quan, tổ chức hữu quan; báo cáo kết quả giám sát đúng tiến độ được phân công nêu trong Kế hoạch giám sát của các Đoàn Giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có kiến nghị cụ thể với các cơ quan hữu quan.

Vẫn còn một số vướng mắc khiến hoạt động giám sát chưa đạt kết quả như mong muốn.

Bên cạnh kết quả đạt được, một số đại biểu cho rằng, nội dung giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có phạm vi vừa rộng vừa có tính chuyên môn sâu, khối lượng công việc lớn, trong khi việc huy động chuyên gia ở các lĩnh vực ngành tham gia Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố còn hạn chế bởi chưa có cơ chế mời các chuyên gia tham gia giám sát. Thực tế hiện nay, các thành viên có chuyên môn chuyên ngành sâu được mời tham Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố chủ yếu là lãnh đạo, cán bộ chuyên môn các sở ban ngành, tổ chức của tỉnh. Họ tham gia với hai vai, vừa là đại diện thành viên Đoàn giám sát, vừa đại diện cơ quan chịu sự giám sát. Với tình trạng này không tránh khỏi những ý kiến tham gia đánh giá giám sát sẽ không hết, không dám nói thẳng, nói thật về những vướng mắc bất cập, tồn tại trong triển khai chính sách, pháp luật ở các cơ quan, đơn vị, địa phương, dẫn đến chất lượng tham gia giám sát chưa cao.

Một số đại biểu nêu thực tế, chất lượng công tác tham mưu, chuẩn bị cho triển khai giám sát đều ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng triển khai giám sát của Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố. Song tình trạng hiện nay là: Trong khi ĐBQH chuyên trách ở địa phương chỉ có 1 – 2 người, khối lượng công việc nhiều; đội ngũ tham mưu giúp việc ít về số lượng và kiến thức, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn còn nhiều hạn chế nên ảnh hưởng đến chất lượng tham mưu, cũng như hiệu quả hoạt động giám sát.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh.

Vẫn còn tình trạng nhiều cơ quan đơn vị, địa phương được giám sát gửi báo cáo chậm, thiếu nội dung, số liệu báo cáo theo yêu cầu phục vụ giám sát; thậm chí chưa nghiêm túc trong việc chuẩn bị báo cáo phục vụ giám sát. Điều này gây ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng giám sát nhưng chưa có cơ chế xử lý đủ mạnh.

“Để giám sát công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện ở địa phương, liên quan đến trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều Bộ, ban, ngành Trung ương, nhưng  việc nắm thông tin, tài liệu đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương với từng chuyên đề giám sát là chưa có, khó khăn cho hoạt động giám sát của Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà kiến nghị.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, việc sử dụng kết quả giám sát chuyên đề của các cơ quan giám sát là một trong những giải pháp đã được nhắc tới nhiều lần, ở nhiều diễn đàn, góp phần nâng cao hiệu quả giám sát và tránh chồng chéo, nhưng trên thực tế chưa nhiều nơi thực hiện được và thực hiện chưa hiệu quả, chưa có quy định cụ thể nội dung này. Do đó 4 chuyên đề giám sát trong 1 năm, nếu tổ chức triển khai giám sát trực tiếp, cùng nhiều nội dung thanh tra, kiểm tra, giám sát khác của tỉnh, thực tế làm khó cho địa phương và cơ sở.  

Đại biểu Trần Văn Sáu - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, việc triển khai các hoạt động giám sát của các Đoàn đại biểu Quốc hội ở các tỉnh còn nhiều khó khăn: do số lượng đại biểu ở địa phương rất ít, kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, nên việc tổ chức các Đoàn giám sát gặp rất nhiều khó khăn; đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tham mưu, tổ chức phục vụ hoạt động giám sát chưa đủ mạnh, chưa đáp ứng yêu cầu; các điều kiện về kinh phí cũng hết sức hạn hẹp nên chưa có điều kiện để mời các chuyên gia tham gia các hoạt động giám sát.

“Cần tiếp tục nghiên cứu có kế hoạch đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực; kỹ năng chuyên môn cần thiết cho đại biểu Quốc hội và đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu phục vụ cho công tác giám sát, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đồng thời, tăng kinh phí để phục vụ cho công tác giám sát, nhất là kinh phí thuê chuyên gia tham gia các hoạt động giám sát”, đại biểu Trần Văn Sáu nêu quan điểm.

Đại biểu Ma Thị Thúy – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang

Cùng quan điểm trên, đại biểu Ma Thị Thúy – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang đã nêu một số khó khăn trong hoạt động giám sát tại địa phương của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Trong đó, phương thức giám sát chủ yếu vẫn là nghe trình bày báo cáo, hoạt động khảo sát thực tế việc thực hiện cụ thể chưa nhiều, một số cuộc giám sát mang tính chuyên môn sâu, phạm vi giám sát rộng nhưng chất lượng còn hạn chế do năng lực và kinh nghiệm của đại biểu và thành viên Đoàn Giám sát đối với lĩnh vực được giám sát chưa đáp ứng.

Công tác tái giám sát còn ít; việc thực hiện kết luận sau giám sát của một số đơn vị còn hạn chế. Sự tham gia của các ĐBQH trong Đoàn chưa đồng đều, đa số đại biểu chưa sắp xếp được công việc chuyên môn nên đôi lúc bị động trong bố trí thành phần tham gia Đoàn. Điều kiện bảo đảm cho hoạt động giám sát của Đoàn tuy đã được quan tâm nhưng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Bộ máy tham mưu giúp việc chưa thực sự hợp lý, chức năng tham mưu còn nhiều hạn chế, chưa thực sự sát thực tiễn…

Kiến nghị, đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề.

Tiếp nối thành công của hoạt động giám sát chuyên đề trong thời gian qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 90/2023/QH15 về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024. Theo đó, Quốc hội sẽ giám sát đối với 02 chuyên đề: (1) “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 (Dự án Sân bay Long Thành; dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1)”; (2) “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát đối với 02 chuyên đề: (1) Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023; (2) Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024

Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, có quy định cụ thể về hoạt động giám sát, tránh chồng chéo, có khoảng thời gian đủ để các địa phương tiến hành giám sát: với các chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có giám sát tại địa phương thì Đoàn ĐBQH các địa phương tổ chức giám sát song song với Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc tham gia cùng các Tổ giám sát của Đoàn giám sát mà trong thời gian gần đây các Đoàn giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang chỉ đạo thực hiện; có quy định cụ thể hơn về việc sử dụng các kết quả giám sát nếu có cùng nội dung liên quan.

Quy định cụ thể về việc gửi tài liệu, hồ sơ của các bộ, ngành liên quan liên quan đến chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phục vụ hoạt động giám sát tại địa phương. Quy định cụ thể về báo cáo, kết luận giám sát của các Đoàn ĐBQH khi thực hiện giám sát tại địa phương.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về hoạt động giám sát của Quốc hội và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc phối hợp cung cấp tài liệu, hồ sơ, báo cáo phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố; thực hiện nghiêm túc các kết luận của Đoàn giám sát và báo cáo kết quả về Đoàn giám sát; xử lý nghiêm đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân cố tình gây cản trở, làm chậm chễ hoặc thiếu nghiêm túc trong việc cung cấp thông tin phục vụ hoạt động giám sát và trong thực hiện các kết luận giám sát.

Còn đại biểu Trần Văn Sáu – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, các chuyên đề giám sát của năm 2024 cần xác định rõ các mục tiêu trong từng chuyên đề, lựa chọn kỹ từng nội dung để tập trung xem xét, đánh giá sâu để từ đó có những kiến nghị, đề xuất thiết thực, hiệu quả để tháo gỡ được vấn đề.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Bên cạnh đó, một số kiến nghị, kết luận sau giám sát chưa được quan tâm thực hiện chu đáo, nhất là các kiến nghị của Đoàn ĐBQH, do chưa có chế tài ràng buộc. Đại biểu đề nghị cần có những quy định rõ hơn về trách nhiệm, chế tài trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát, nhất là trong giám sát chuyên đề, giám sát một số vụ việc phức tạp mà dư luận xã hội, cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm.

Với mục tiêu tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát trong năm 2024, đại biểu Ma Thị Thúy cho biết, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang sẽ tập trung bám sát vào những trọng tâm định hướng của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, uỷ ban Mặt trận tổ quốc trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan trong hoạt động giám sát.

Đại biểu cũng đề nghị phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan trong việc điều hòa, phối hợp trong hoạt động giám sát kịp thời và hiệu quả, tránh chồng chéo và trùng lắp nội dung, địa bàn giám sát. Tiếp tục rà soát, xây dựng các quy trình để từng bước chuẩn hóa hoạt động giám sát bám sát theo quy định của Luật và hướng dẫn theo Nghị quyết số 594/QH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đảm bảo bài bản, khoa học, chất lượng, hiệu quả.

Tiếp tục chú trọng theo dõi việc thực hiện các kết luận giám sát, tái giám sát, chất vấn, tái chất vấn để nâng cao hiệu lực, hiệu quả sau giám sát. Các cơ quan của Quốc hội trên cơ sở lĩnh vực phụ trách phối hợp với các địa phương thực hiện rà soát, theo dõi, đôn đốc kết quả thực hiện, các kết luận giám sát, chất vấn, giải trình đều phải được thực hiện và đôn đốc đến cùng kết quả giải quyết.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động  giám sát trên cơ sở đó xây dựng cơ sở dữ liệu để theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh, đảm bảo tính liên thông, giảm dần sự chồng chéo trùng lắp trong hoạt động giám sát.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng

Bên cạnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu hoạt dộng giám sát, để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng, cần mời các Đoàn đại biểu các tỉnh có liên quan cùng tham gia giám sát để tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Nâng cao chất lượng các kiến nghị và chế tài thực hiện các kiến nghị sau hoạt động giám sát, trong đó, kiến nghị phải bảo đảm tính đúng đắn, có cơ sở khoa học và thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, nội dung cụ thể rõ ràng, hướng tới việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật và có cơ chế bảo đảm các kiến nghị được thực hiện trên thực tế.

Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, nhất là Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân nhằm đổi mới cơ chế để tăng cường vai trò của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đối với việc giám sát lại trong trường hợp cần thiết. Đồng thời, có sự đổi mới về tổ chức bộ máy tham mưu, giúp việc; đổi mới về tài chính, cơ sở vật chất; Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có hướng dẫn Đoàn ĐBQH và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh tại các địa phương trong việc phối hợp tổ chức hoạt động giám sát, khảo sát, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc tổng hợp các kiến nghị sau giám sát của các Đoàn đại biểu Quốc hội để chuyển đến các Bộ, Ngành hữu quan xem xét giải quyết, có ý kiến trả lời cho địa phương.  Tiếp tục cải tiến phương thức tổ chức hoạt động giám sát, tăng cường vai trò và thẩm quyền giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương, nâng cao chất lượng công tác theo dõi, tổng hợp, thẩm tra, đánh giá đối với kết quả thực hiện các kiến nghị của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội nhằm đảm bảo các kiến nghị được giải quyết triệt để, kịp thời; chú trọng giám sát lại vấn đề đã kiến nghị của các cuộc giám sát trước.

Đồng thời, quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ Văn phòng trực tiếp phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội để thực hiện tốt công tác tham mưu, phục vụ đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát…

Lan Hương

Các bài viết khác