CHÍNH PHỦ CẦN TẬP TRUNG RÀ SOÁT XỬ LÝ TÀI SẢN CÔNG SAU SẮP XẾP LẠI ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH

20/12/2023

Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã là chủ trương đúng đắn, nhưng hiện vẫn còn khoảng 10%, tương đương khoảng gần 1.000 tài sản công vẫn chưa được xử lý, đang là vấn đề được đại biểu Quốc hội đặt ra. Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ tập trung rà soát xử lý theo Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

KẾT QUẢ NỔI BẬT TRONG GÓP PHẦN TRIỂN KHAI THỰC HIỆN SẮP XẾP LẠI ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP HUYỆN, CẤP XÃ

Nghị quyết Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa ra giải pháp để tránh lãng phí tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính

Kết quả giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021" cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn này cũng còn có một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó, vẫn còn nhiều trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức ở các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp chưa được bố trí, sử dụng hiệu quả.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn này cũng còn có một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó, vẫn còn nhiều trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức ở các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp chưa được bố trí, sử dụng hiệu quả (Ảnh minh hoạ)

Từ đó, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 595/NQ-UBTVQH15 về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Theo đó, Uỷ ban thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ khẩn trương rà soát danh sách các trụ sở của cơ quan, tổ chức ở các đơn vị hành chính đã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019 - 2021 mà đến nay vẫn chưa được bố trí sắp xếp, sử dụng hoặc thanh lý để xử lý theo hướng:

Đối với các trụ sở có khả năng chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng thì khẩn trương làm thủ tục bàn giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu; lập kế hoạch, dự toán, cấp bổ sung kinh phí phục vụ việc cải tạo, chuyển đổi công năng, nâng cấp cơ sở vật chất đáp ứng mục đích sử dụng mới

Đối với các trụ sở vượt quá tiêu chuẩn, định mức sử dụng của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng nhưng không thể bán đấu giá thì phải báo cáo và được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với các trụ sở do địa phương quản lý hoặc Bộ, ngành chủ quản đối với trụ sở của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp; được xem xét cấp bổ sung kinh phí duy trì trụ sở theo khả năng cân đối của ngành, địa phương;

Tổ chức bán đấu giá các trụ sở dôi dư, không sử dụng để bổ sung kinh phí cho địa phương. Chính phủ chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn việc thực hiện thủ tục thanh lý, bán đấu giá tài sản, quyền sử dụng đất tại các trụ sở công thuộc diện này, bảo đảm đơn giản thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, tránh gây lãng phí, giảm giá trị do hư hỏng, tài sản xuống cấp.

Các địa phương chủ động cân đối, bố trí nguồn ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng phục vụ hoạt động của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp phù hợp với quy hoạch của địa phương;

Ưu tiên nguồn lực, có chính sách ưu đãi, hỗ trợ hợp lý, đặc thù cho các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp để có điều kiện ổn định tổ chức, hoạt động của bộ máy chính quyền cơ sở, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức dôi dư, đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Không cắt giảm ngay, đồng loạt các chính sách ưu tiên, ưu đãi, hỗ trợ đặc thù áp dụng đối với người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở đơn vị hành chính sau khi sắp xếp mà có quy định về lộ trình chuyển tiếp, cắt giảm phù hợp để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người thụ hưởng chính sách, nhất là ở các địa phương thuộc khu vực miền núi, vùng cao, xã đặc biệt khó khăn.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai, đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội

Khó sắp xếp tài sản công sau sáp nhập đơn vị hành chính do thiếu quy định pháp luật

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, vấn đề này vẫn chưa được xử lý. Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, khi giải trình, trả lời câu hỏi của đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai, đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội khi đề nghị Bộ trưởng Tài chính nêu rõ nguyên nhân và hướng xử lý sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, nhiều trụ sở “bỏ trống” gây lãng phí.Trong khi, còn nhiều cơ quan từ Trung ương đến địa phương đang phải sử dụng chung nơi làm việc, nhiều trụ sở chật chội, xuống cấp, không đảm bảo điều kiện làm việc của cán bộ, công chức.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận đến nay, tài sản công trực thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh, khi sắp xếp các huyện và xã thuộc quyền quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh. Hiện nay xử lý khoảng 90% tài sản công, còn khoảng 10% nữa, tương đương khoảng gần 1.000 tài sản công vẫn chưa được xử lý; trong đó có khoảng 500 tài sản công đang còn bỏ không, gây sự lãng phí. Điều đó cho thấy, trong quá trình sử dụng tài sản công vẫn còn có sự lãng phí, trong đó có trụ sở bỏ không sau khi sắp xếp đơn vị hành chính.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trách nhiệm trong quản lý tài sản công được phân định rõ theo từng cấp, ngành. Như tài sản công thuộc cấp Trung ương do Chính phủ quản lý, cơ quan tham mưu là Bộ Tài chính. Tuy nhiên, đa số tài sản công sau sắp xếp thuộc phạm vi quản lý cuả UBND tỉnh. Với số này, hiện đã xử lý được 90% tài sản công, còn 10% tương đương gần 1.000 tài sản công chưa được xử lý, trong đó khoảng 500 tài sản công “bỏ không, tạo nên sự lãng phí”.

Nhưng, Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận, việc định giá bán tài sản công gặp khó, cũng khó tìm cơ quan định giá. Thị trường cũng trầm lắng nên việc bán, chuyển nhượng khó khăn.Ngoài ra, muốn chuyển mục đích tài sản công thì phải phê duyệt lại mục đích sử dụng đất, và điều chỉnh quy hoạch và loạt thủ tục khác. Từ giữa tháng 9, Bộ Tài chính đã hướng dẫn, đôn đốc và sẽ làm việc với các đơn vị để đưa số tài sản này vào hoạt động, hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Tạo, đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng 

Cũng chất vấn vấn đề này, tại kỳ họp thứ 6, đại biểu Nguyễn Tạo, đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cũng bày tỏ nhưng băn khoăn về tình trạng lãng phí, tiêu cực trong quản lý và sử dụng tài sản công. Tuy nhiên việc điều chỉnh cơ chế, chính sách, pháp luật làm quá chậm.

Bày tỏ tiếp thu ý kiến của đại biểu Nguyễn Tạo để đẩy mạnh đôn đốc, thanh tra, kiểm tra với công tác quản lý lãng phí trong sử dụng tài sản công, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, quản lý tài sản công là của nhiều ngành, nhiều cấp. Trách nhiệm thuộc về người trực tiếp quản lý tài sản công. Bộ Tài chính có vai trò hướng dẫn các văn bản pháp luật liên quan đến công tác quản lý, định mức kinh tế kỹ thuật.

Tuy nhiên, thực tế có nhiều lý do dẫn đến việc xử lý tài sản công sau sắp xếp gặp khó. Đó là khi chuyển các tài sản công này cho các cơ quan, đơn vị, thì nhiều cơ quan, đơn vị ở các địa bàn khác nhau không có nhu cầu. Ngoài ra, khi muốn chuyển tài sản công, muốn định giá để bán tài sản công này cũng khó để tìm được các cơ quan định giá và trong điều kiện trầm lắng cũng khó bán được tài sản công này. Trong khi đó, chuyển tài sản này sang mục đích khác để định giá thì những trụ sở này phải được phê duyệt lại về quy hoạch sử dụng đất và phải chuyển mục đích sử dụng đất. Như vậy, sẽ phải điều chỉnh lại quy hoạch và phải làm một loạt các thủ tục khác. Vì vậy, đến nay vấn đề này vẫn khó giải quyết.

Cũng vì khó nên, địa phương còn ngại ngần khi thanh lý, bán đấu giá trụ sở. Có thể do có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, nhưng cũng có thể vì chưa có đầy đủ văn bản hướng dẫn để địa phương đủ tự tin làm mà không sợ sai, không sợ gánh trách nhiệm.

Theo Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, căn cứ phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập danh sách và dự kiến phương án xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương thuộc phạm vi quản lý kèm theo đề án. Các bộ, cơ quan trung ương có đơn vị trực thuộc trên địa bàn đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp lập danh sách và dự kiến phương án sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công thuộc phạm vi quản lý, trường hợp không có nhu cầu sử dụng thì chuyển giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có trụ sở để thực hiện sắp xếp, quản lý, sử dụng theo nhu cầu của địa phương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có công điện về việc rà soát việc xử lý tài sản, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức ở các đơn vị hành chính đã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019 - 2021 và phương án thực hiện cho giai đoạn 2023 - 2030

Trong thời hạn 3 năm kể từ ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành phải hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, đơn vị tại đơn vị hành chính sau sắp xếp. Chính quyền địa phương các cấp chủ động cân đối, bố trí nguồn ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng phục vụ hoạt động của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương.

Để thúc đẩy tiến độ thực hiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có công điện về việc rà soát việc xử lý tài sản, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức ở các đơn vị hành chính đã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019 - 2021 và phương án thực hiện cho giai đoạn 2023 - 2030. Theo đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành liên quan và các địa phương. Tin rằng với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, trong thời gian tới, sẽ không còn xảy ra tình trạng trụ sở sau sắp xếp bị bỏ không, gây lãng phí.

Hải Yến

Các bài viết khác