BÌNH THUẬN: GIÁM SÁT VIỆC XÂY DỰNG, BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT TẠI SỞ Y TẾ, SỞ TÀI CHÍNH
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Bình Thuận cho biết: Thực hiện chính sách, pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật từ ngày 01/01/2019 đến ngày 30/6/2023, Sở GD&ĐT đã xây dựng và ban hành kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; đồng thời quán triệt và đẩy mạnh triển khai các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật tại cơ quan Sở và các đơn vị trong ngành thông quan nhiều hình thức đa dạng, phong phú và phù hợp với từng nhóm đối tượng. Nội dung tuyên truyền được lồng ghép trong các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn; lồng ghép qua các cuộc họp; đăng tải trên trang thông tin điện tử cơ quan, đơn vị; bổ sung các tài liệu cho tủ sách pháp luật tại cơ quan.
Triển khai cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học sinh tham gia các cuộc thi trực tuyến, viết bài tìm hiểu về pháp luật... Nhờ thực hiện tốt công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, đến nay nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về vị trí, vai trò, ý nghĩa của các văn bản quy phạm pháp luật và ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành pháp luật được nâng lên.
Toàn cảnh buổi giám sát của đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận
Cùng với đó, Sở GD&ĐT thường xuyên chỉ đạo các Phòng chuyên môn nghiệp vụ và tương đương của Sở tuân thủ nghiêm các quy định trong công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của mình trong việc tham mưu soạn thảo, ban hành, thực thi các văn bản quy phạm pháp luật... Từ năm 2019 đến năm 2023, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các Quyết định và trình HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết về lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Các Nghị quyết của HĐND tỉnh đảm bảo các chế độ, chính sách cho ngành vừa phù hợp với tình hình, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, bảo đảm hợp hiến, hợp pháp, bảo đảm tính kế thừa trong quá trình xây dựng chính sách, thống nhất với hệ thống pháp luật.
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách, pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn gặp một số khó khăn như: hiện Sở GD&ĐT không có cán bộ chuyên ngành phụ trách về công tác pháp chế; công tác kiểm tra, rà soát những văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo để tham mưu kịp thời còn hạn chế…
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông đánh giá cao những kết quả Sở GD&ĐT đã thực hiện trong thời gian qua. Thời gian tới, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị Sở GD&ĐT cần quan tâm triển khai kịp thời những chính sách của trung ương về lĩnh vực ngành giáo dục và đào tạo đảm bảo tính khả thi, đi vào cuộc sống. Cùng với đó, rà soát hệ thống hoá các văn bản để bãi bỏ những văn bản hết hiệu lực pháp luật hoặc tham mưu ban hành mới các văn bản về chế độ chính sách thuộc ngành quản lý; xây dựng thể chế địa phương đảm bảo tính kịp thời, khả thi…