BỘ TRƯỞNG LÊ THÀNH LONG: BỘ TƯ PHÁP SẼ KIỂM TRA VĂN BẢN KHI CÓ DẤU HIỆU TRÁI PHÁP LUẬT

16/08/2023

Quy định về thẩm quyền, trách nhiệm trong kiểm tra văn bản chưa thực sự rõ ràng, hợp lý; tình trạng kiểm tra, ban hành văn bản hướng dẫn chuyên ngành chưa đúng theo thể thức Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; hoặc chưa đúng theo quy định của pháp luật... Vì vậy, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội đã chất vấn trách nhiệm của Bộ Tư pháp về vấn đề này.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 15/8: CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN NHÓM VẤN ĐỀ THUỘC LĨNH VỰC BỘ TƯ PHÁP

Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 154/2020/NĐ-CP), Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có trách nhiệm, thẩm quyền: Tự kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành; kiểm tra và kiến nghị xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật do bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành về nội dung liên quan đến ngành, lĩnh vực do mình phụ trách; kiến nghị khắc phục hậu quả do văn bản gây ra (nếu có) và xem xét trách nhiệm đối với cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật. Nếu cơ quan, người ban hành văn bản trái pháp luật không xử lý hoặc xử lý không đúng quy định thì có quyền đề nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý hoặc báo cáo Thủ tướng để đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bãi bỏ văn bản đó (đối với văn bản do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành).

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực tư pháp tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Cùng với nhiệm vụ tương tự như các Bộ trưởng khác, Bộ trưởng Bộ Tư pháp còn được giao giúp Thủ tướng Chính phủ kiểm tra và kiến nghị xử lý văn bản trái pháp luật của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; nội dung quy định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ trong thông tư liên tịch với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước; văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền kiểm tra của các cơ quan này khi có phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Việc kiểm tra văn bản được thực hiện khi văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật. Nội dung kiểm tra gồm: Thẩm quyền ban hành văn bản; tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản; căn cứ ban hành; thể thức, kỹ thuật trình bày; trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản.  

Đại biểu Quốc hội chất vấn trách nhiệm kiểm tra văn bản dưới luật của Bộ Tư pháp.

Tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một trong 3 nhóm vấn đề chất vấn lĩnh vực tư pháp được đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long là thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định nhận định, thực tiễn hiện nay chất lượng của văn bản quy phạm pháp luật dưới luật, trong đó có một phần thuộc trách nhiệm kiểm tra của Bộ Tư pháp, vấn đề về tính khả thi và hiệu quả đang là bất cập lớn. Tính pháp lý, tức hợp hiến, hợp pháp, hậu kiểm của chúng ta tương đối tốt. Hàng loạt các vấn đề liên quan đến đăng kiểm, liên quan đến sách giáo khoa hay phòng cháy, chữa cháy trong thời gian vừa qua chủ yếu liên quan đến tính hợp lý, khả thi.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

Đại biểu cho rằng, trong Nghị định 154 năm 2020 của Chính phủ cũng đã giao cho các cơ quan kiểm tra văn bản, trong đó Bộ Tư pháp là đầu mối. Khi hậu kiểm văn bản có thể kiến nghị về tính khả thi, hiệu quả của văn bản quy phạm pháp luật. Đây là vấn đề rất mới nhưng rất khó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ trưởng đã và sẽ thực hiện giải pháp gì để thực hiện nhiệm vụ này.

Đại biểu Trịnh Minh Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long cho biết, trong báo cáo của Bộ Tư pháp gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã nêu: quy định về thẩm quyền, trách nhiệm trong kiểm tra văn bản chưa thực sự rõ ràng, hợp lý. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân, giải pháp gì để nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, góp phần hoàn thiện và tránh tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật trong hệ thống pháp luật nước ta.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nêu tình trạng kiểm tra, ban hành văn bản hướng dẫn chuyên ngành chưa đúng theo thể thức Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; hoặc chưa đúng theo quy định của pháp luật. Còn những văn bản chồng chéo giữa các ngành, gây khó khăn cho tổ chức thực hiện. Đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp, với chức năng thẩm định, kiểm tra văn bản, Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên.

Hoàn thiện các quy định về thẩm quyền, trách nhiệm kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.

Trả lời những vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, thực hiện thẩm quyền kiểm tra theo quy định, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV đến nay (từ tháng 7 năm 2021 đến nay), Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành, địa phương đã tăng cường kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật bằng nhiều phương thức khác nhau (thường xuyên, chuyên đề, địa bàn, liên ngành). Qua kiểm tra đã kịp thời phát hiện các văn bản có sai sót, vi phạm quy định về thể thức, nội dung, thẩm quyền; đồng thời kết hợp với các giải pháp tăng cường theo dõi, đôn đốc các chủ thể kịp thời xử lý văn bản theo kết luận kiểm tra nên đã giúp tăng cao số lượng văn bản được xử lý so với giai đoạn trước, góp phần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định: Bộ Tư pháp không “automatic” kiểm tra tất cả các văn bản theo thẩm quyền, mà do các bộ, các ngành tự kiểm tra. Bộ Tư pháp chỉ vào cuộc với thẩm quyền của mình hoặc giúp Thủ tướng Chính phủ, giúp Chính phủ kiểm tra và kiến nghị xử lý văn bản trái pháp luật của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ

“Chúng tôi chỉ vào cuộc khi văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, văn bản có dấu hiệu được phát hiện từ nhiều nguồn, có thể gửi văn bản cho chúng tôi, có thể từ các phương tiện báo chí, truyền thông, từ các kiến nghị của doanh nghiệp. Các nguồn này rất nhiều và văn bản cũng rất nhiều cho nên chúng tôi chỉ vào cuộc khi có các dấu hiệu như vậy”.

Nhiệm vụ kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp là so với văn bản có trái về nội dung, có trái về thẩm quyền và một số nội dung liên quan đến kỹ thuật soạn thảo văn bản, câu từ… Qua thực tiễn kiểm tra cho thấy, đa phần các văn bản trái về nội dung, thực hiện chiếu theo quy định, ví dụ thông tư đối chiếu với nghị định, đối chiếu với pháp lệnh, với luật, bộ luật.

“Câu chuyện đại biểu đặt ra vậy thì hậu kiểm có đủ không? Theo tôi nghĩ rằng tiền kiểm được nữa thì tốt nhưng khả năng tiền kiểm về thông tư thì chúng ta chưa làm được. Cách đây 2 nhiệm kỳ, Chính phủ có bàn đến câu chuyện này, nhưng thấy cần phải tập trung cho các văn bản cấp cao hơn và trách nhiệm vẫn là của lực lượng pháp chế”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng cho biết, công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền tại một số cơ quan cấp bộ và cấp tỉnh chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời, thường xuyên; chất lượng tự kiểm tra và kiểm tra theo thẩm quyền còn hạn chế; vẫn còn một số trường hợp văn bản chậm được xử lý theo quy định.

 Nguyên nhân của một số tồn tại, hạn chế nêu trên là do các bộ, cơ quan ngang bộ chưa chủ động trong việc thực hiện kiểm tra văn bản thuộc thẩm quyền của mình; năng lực, trình độ và số lượng công chức làm công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thiếu ổn định, chưa tương xứng với tầm quan trọng, tính chất khó khăn, phức tạp của các công tác này; quy định về thẩm quyền, trách nhiệm trong kiểm tra văn bản chưa thực sự rõ ràng, hợp lý.

Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, Bộ Tư pháp tiếp tục quán triệt định hướng, yêu cầu của Đảng, Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện, tổ chức thi hành pháp luật và thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật và các chỉ thị, kết luận của Thủ tướng Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và thi hành pháp luật.

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về thẩm quyền, trách nhiệm kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan ngang bộ tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc đầu tư, củng cố, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác kiểm tra, rà soát văn bản. Tăng cường hoạt động kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp trong công tác kiểm tra, xử lý văn bản.

Tăng cường công tác tự kiểm tra văn bản của các Bộ, ngành, địa phương, xác định rõ đây là một trong những nhiệm vụ cần được quan tâm trong tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật của các Bộ, ngành, địa phương.

Bộ Tư pháp cũng kiến nghị tăng cường cơ chế giám sát của Quốc hội, cơ chế phản biện xã hội đối với công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thực hiện việc kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan đến việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật theo quy định.

Lan Hương

Các bài viết khác