QUẢN LÝ GIÁ ĐIỆN THEO CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG: QUÁN TRIỆT TINH THẦN NGHỊ QUYẾT SỐ 55-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ

31/07/2023

Để tăng tính minh bạch, góp phần giải bài toán giá điện theo nguyên tắc thị trường trong thời gian tới, TS. Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế cho rằng cần quán triệt nghiêm túc tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI: THÁO GỠ KỊP THỜI NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC ĐỐI VỚI CHÍNH SÁCH GIÁ ĐIỆN, THỊ TRƯỜNG ĐIỆN VIỆT NAM

Trong khuôn khổ hoạt động giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”, bên cạnh tổ chức làm việc với các bộ, ngành, địa phương, tổng hợp báo cáo của Hội đồng Nhân dân, Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố về lĩnh vực này, việc tổng hợp ý kiến chuyên gia, nhà khoa học nhằm đánh giá khách quan, trung thực, đầy đủ và toàn diện việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021 được Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm triển khai thực hiện.

Quan tâm, đóng góp ý kiến trong công tác quản lý giá điện theo cơ chế thị thường, TS. Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế nhấn mạnh: Để tăng tính minh bạch, góp phần giải bài toán giá điện theo nguyên tắc thị trường trong thời gian tới, cần quán triệt nghiêm túc tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

TS. Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế.

TS. Nguyễn Minh Phong nhận định, qua thực tiễn phát triển và quản lý ngành điện ở nước ta, có thể thấy một số thành tựu nổi bật của ngành điện, đó là sự tăng trưởng ổn định của nguồn cung và chất lượng dịch vụ, ngày càng cải thiện về  năng lực ứng dụng công nghệ số và lợi nhuận. Thực tiễn ghi nhận những nỗ lực không ngừng và không thể phủ định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong việc mang tới cho các khách hàng sử dụng điện chất lượng và dịch vụ ngày càng tốt hơn, trong khi lợi nhuận sau thuế tăng liên tục trong 7 năm liền (2015-2021).

Hiện nay, EVN đang cung cấp điện trực tiếp tới trên 29 triệu khách hàng trên cả nước, với 99,98 % xã/phường/thị trấn có điện và 11 huyện đảo đã được EVN cung cấp điện trực tiếp qua điện lưới Quốc gia hoặc các nguồn năng lượng tái tạo tại chỗ như điện mặt trời, điện gió. Kết quả thực hiện đánh giá độc lập cho thấy, mức độ hài lòng của khách hàng bình quân toàn EVN đã tăng dần qua theo thời gian. Việt Nam đứng vững nhiều năm liền ở vị trí thứ 27/190 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới về chỉ số tiếp cận điện năng trong xếp hạng quốc tế của WB theo các tiêu chí: thủ tục, thời gian và chi phí để kết nối với lưới điện, độ tin cậy cung cấp điện và tính minh bạch của giá điện. Hiện 100% các dịch vụ cung cấp điện năng của EVN đều được thực hiện trực tuyến tương đương với dịch vụ công cấp độ 4.

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, Việt Nam hiện chưa có thị trường điện cạnh tranh, giá điện mang tính áp đặt cao, giá điện bán lẻ chỉ có tăng một chiều, chưa tương xứng với chất lượng, bất chấp sự đa dạng của nguồn cung và trồi sụt chi phí đầu vào khác nhau.

Trước đó, tháng 5/2023, trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội, EVN giải trình rõ lý do bị thua lỗ năm 2022: Giá thành khâu phát điện chiếm tỷ trọng 83,6%; các khâu truyền tải, phân phối - bán lẻ và phụ trợ chỉ chiếm tỷ trọng 16,4%. Với vai trò là người mua duy nhất, để đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, EVN cho biết đã phải mua 80% sản lượng điện năng còn lại từ các nhà máy điện độc lập theo các hợp đồng mua bán điện. Bởi vậy, EVN đứng ra chịu toàn bộ khoản lỗ sản xuất kinh doanh năm 2022 thay cho các khách hàng sử dụng điện.

TS. Nguyễn Minh Phong cũng nêu thực tế về tình trạng thiếu điện đã xảy ra trong khi tổng cung điện có khả năng khai thác thực tế lớn hơn tổng cầu điện thực tế  và lãng phí thừa điện từ một số nhà sản xuất điện tư nhân và điện tái tạo xã hội hoá do không ký được hợp đồng bán điện với EVN.

Để tăng tính minh bạch, góp phần giải bài toán giá điện theo nguyên tắc thị trường trong thời gian tới, TS. Nguyễn Minh Phong đề xuất ba nhóm giải pháp quan trọng.

Thứ nhất, sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho quá trình sản xuất, truyền tải, tiêu thụ điện theo cơ chế giá cạnh tranh thị trường đầy đủ và lành mạnh. TS. Nguyễn Minh Phong, cần quán triệt nghiêm túc tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW  ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó: Nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng/điện đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đa dạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng/điện.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế điều hành giá điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu chính trị - kinh tế - xã hội của Nhà nước và mục tiêu sản xuất kinh doanh, tự chủ tài chính của các doanh nghiệp ngành điện.

Tiếp tục thực hiện minh bạch giá điện; Xoá bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định; không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền; Nhà nước điều tiết hợp lý thông qua các công cụ thị trường (thuế, phí, các quỹ…) và chính sách an sinh xã hội phù hợp. Hoàn thiện khung pháp lý, khuyến khích và đẩy mạnh triển khai mô hình các công ty dịch vụ năng lượng.

Rà soát, điều chỉnh các quy định về kiểm soát và điều phối thị trường điện lực; Sửa đổi, hoàn thiện các luật chuyên ngành về dầu khí, điện lực, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các luật khác liên quan đến ngành năng lượng để làm cơ sở thực hiện hiệu quả hơn cơ chế thị trường. 

TS. Nguyễn Minh Phong kiến nghị 3 nhóm giải pháp thực hiện quản lý giá điện theo nguyên tắc thị trường

Thứ hai, đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư và nguồn cung cấp điện bền vững. Nâng cao chất lượng công tác xây dựng các chiến lược, quy hoạch phát triển năng lượng, đặc biệt trong phân ngành điện, bảo đảm tính ổn định, đồng bộ và linh hoạt, gắn kết với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và một số ngành khác; Có cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia. Tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch; công khai quy hoạch, danh mục các dự án đầu tư.

Khẩn trương xây dựng và thực thi các cơ chế, chính sách khuyến khích nâng cao tỉ lệ nội địa hoá trong ngành năng lượng; bảo đảm thực hiện tốt các yêu cầu, chỉ tiêu cụ thể về tỉ lệ nội địa hoá đối với các nhà máy điện nói riêng và dự án năng lượng nói chung.

Tăng cường kiểm toán năng lượng; khuyến khích đầu tư và sử dụng các công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại, hệ thống lưới điện thông minh, hiệu quả, có khả năng kết nối khu vực.

Rà soát, điều chỉnh và bổ sung những nội dung liên quan đến ngành năng lượng/điện trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam, Chiến lược biển Việt Nam và các chiến lược khác có liên quan.

Sửa đổi Luật Điện lực để hoàn thiện chính sách về đầu tư, quy hoạch, điều hành giá điện, phát triển thị trường điện cạnh tranh, xử lý các vướng mắc, thể chế hóa cơ chế phát triển, tạo đột phá khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo; tách bạch vai trò quản lý nhà nước với sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đẩy nhanh cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành điện; cơ cấu lại toàn diện các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng/điện; rà soát, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách đặc thù cho một số dự án năng lượng quan trọng; bảo đảm đầy đủ vốn cho các doanh nghiệp năng lượng nhà nước thực hiện các mục tiêu chiến lược và nhiệm vụ gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh…

Thứ ba, tăng cường sự công khai và giám sát xã hội đối với ngành điện. TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh, cần có những quy định mới và nâng cấp những quy định cũ liên quan đến kiểm toán và công khai các chỉ tiêu kỹ thuật và chi phí hoạt  động của ngành điện;  cung cấp rộng rãi thông tin và khuyến khích phản biện khoa học và phản biện xã hội về cung-cầu, thuận lợi -khó khăn, các kế  hoạch và dự án phát triển  trong ngành điện để “dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra”; đồng thời tăng cường sự giám sát, kiểm tra chủ động của Nhà nước và các tổ chức xã hội, báo chí, xử lý kịp thời và nghiêm khác các sai phạm của bất kỳ cá nhân và tổ chức nào.

Tổ chức thi tuyển công khai những phương án và cá nhân ứng cử vào các vị trí nhân sự cao cấp trong quản lý và phát triển ngành điện, tạo cơ hội cho tìm kiếm và khai thác nhân tài, nâng cao trách nhiệm, năng lực cá nhân và cộng đồng, loại bỏ những cản trở chủ quan…

Lan Hương