GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG: LÀM RÕ TÁC ĐỘNG CỦA SỰ CHUYỂN DỊCH NĂNG LƯỢNG ĐỐI VỚI NGÀNH THAN VÀ DẦU KHÍ.
PVN đặt mục tiêu thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng, đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Trong khuôn khổ hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết 41- NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 của Bộ Chính trị, Quyết định số 1748/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 (Quyết định 1748) và Quyết định số 1749/QĐ-TTg ngày 14/10/2015 vể Chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035, Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã Xây dựng Chương trình hành động số 68-CTr/ĐU ngày 02/8/2016, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam lần thứ II nhiệm kỳ 2015-2020, lần thứ III nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ công tác hàng năm để triển khai thực hiện Nghị quyết số 41.
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với các Tập đoàn trong lĩnh vực năng lượng.
PVN phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng trình Bộ Công thương, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035; Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035; Kế hoạch 5 năm 2016- 2020 của Tập đoàn để cụ thể hóa các mục tiêu trong giai đoạn đầu của Chiến lược; Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Xây dựng kế hoạch 5 năm 2021- 2025 của Tập đoàn trình Chính phủ…
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các nhiệm vụ chính trị, hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng, PVN đã và đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, cụ thể như chưa có quy định của pháp luật trong việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt cước phí vận chuyển khí qua các hạ tầng khí.
Thời gian vừa qua, sự phát triển bùng nổ của các loại hình năng lượng tái tạo đã và đang ảnh hưởng mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của PVN nói riêng, và nguồn thu ngân sách của Nhà nước nói chung.
Theo quy định tại Nghị định 91/2018/NĐ-CP ngày 26/6/2018 của Chính phủ, các dự án do PV Power thực hiện rất khó để đạt được cấp bảo lãnh Chính phủ. Trong khi đó, các khoản vay cho dự án điện thường có giá trị lớn, thời gian vay dài, không có bảo lãnh Chính phủ thì điều kiện thẩm định của các ngân hàng là vô cùng chặt chẽ, trong đó việc thẩm định hiệu quả dự án là một trong những yếu tố trọng yếu để quyết định việc cho vay. Việc đánh giá hiệu quả dự án phụ thuộc vào sản lượng hợp đồng Qc được giao của nhà máy điện.
Tuy nhiên, hiện tại lại chưa có chính sách quy định về cam kết sản lượng điện hợp đồng (Qc) dài hạn - đây là một điểm khó khăn, bất cập cho công tác thu xếp, vay vốn cho dự án. Chưa có sự nhất quán trong quy định về xác định dự toán gói thầu EPC đối với dự án triển khai đấu thầu EPC ngay sau khi thiết kế cơ sở được phê duyệt và thiết kế FEED được sẽ thực hiện trong giai đoạn EPC…
Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình bày báo cáo tại buổi làm việc với Đoàn giám sát.
Về việc thực hiện quy hoạch và đánh giá tiềm năng, khả năng khai thác các nguồn năng lượng đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước giai đoạn 2016-2021 và giai đoạn 2021-2030, PVN đã đặt ra mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái.
Thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng góp phần quan trọng đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Phát triển ngành công nghiệp năng lượng độc lập tự chủ; hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới, hướng tới trở thành một trung tâm công nghiệp năng lượng sạch và xuất khẩu năng lượng tái tạo của khu vực
Về việc cung ứng, dự trữ xăng, dầu góp phần bảo đảm bình ổn giá xăng dầu và an ninh năng lượng quốc gia, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc PVN cho biết, hiện tại PVN đang vận hành thương mại Nhà máy lọc dầu Dung Quất, tham gia quản lý vận hành Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Hàng năm cung cấp trên 13,5 triệu tấn xăng dầu các loại đáp ứng khoảng 75% nhu cầu xăng dầu trong nước; 2,5-2,8 triệu sản phẩm hóa dầu, đáp ứng 25-30% nhu cầu phân bón trong nước.
Hệ thống phân phối của PVOIL không ngừng phát triển, khẳng định vị thế của một Đơn vị kinh doanh xăng dầu hàng đầu Việt Nam, đặc biệt đã phát triển được 705 cửa hàng xăng dầu trong tổng số gần 2.200 cửa hàng xăng dầu toàn hệ thống phân phối. Sản lượng tiêu thụ xăng dầu toàn hệ thống tăng trưởng từ 15% đến 43%.
Chuyển dịch năng lượng: Thách thức và cơ hội đối với PVN
Tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về năng lượng đều khẳng định chuyển đổi năng lượng là xu thế tất yếu. Trong đó, tại COP26, Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Chính phủ Việt Nam để thể hiện sự quyết tâm rất cao trong vấn đề dịch chuyển các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, hướng đến giảm phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu.
Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc PVN nhấn mạnh, xu hướng dịch chuyển năng lượng và mục tiêu, quyết sách của quốc gia đã có ảnh hưởng sâu sắc đến hiện tại cũng như tương lai của PVN. Những thách thức có thể thấy rõ là sự cạnh tranh giữa phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu xăng dầu truyền thống với nhiên liệu sinh học/sạc điện/pin; Sự cạnh tranh giữa nhiên liệu xăng dầu được sản xuất trong nước và xăng dầu nhập khẩu; Sản lượng tiêu thụ nhiên liệu giảm dẫn đến biến động giá dầu thô;) Yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm lọc dầu; Các nhà máy điện của PVN phải cạnh tranh với năng lượng tái tạo; Nhu cầu đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy Đạm khi các nguồn khí mới có giá thành cao; Nhu cầu sử dụng tiết kiệm và năng lượng hiệu quả ở các đơn vị của PVN; Áp lực từ yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính đối với các nhà máy/cơ sở tiêu thụ năng lượng của PVN…
Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức đặt ra, cũng xuất hiện những cơ hội để mở rộng chuỗi giá trị các sản phẩm dầu khí của PVN. Đó là tăng tỷ trọng khí trong các hoạt động thăm dò, khai thác, sản xuất điện và chế biến hóa dầu hóa chất; Phát triển điện khí; Phát triển năng lượng tái tạo và tích hợp vào hoạt động sản xuất và kinh doanh của PVN; Phát triển các trạm sạc/pin nhiên liệu, tận dụng lợi thế của cơ sở hạ tầng sẵn có tại các cửa hàng xăng dầu, liên kết các đơn vị sản xuất điện trong ngành để tích hợp vào chuỗi giá trị dầu khí; Phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo, dịch vụ kỹ thuật năng lượng; Phát triển công nghệ thu hồi, lưu trữ carbon CCS/CCUS…
PVN đặt mục tiêu thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng góp phần quan trọng đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Ngoài ra, đại diện lãnh đạo PVN cũng báo cáo với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những tác động của quá trình phát triển năng lượng đến môi trường sinh thái, đạ dang sinh học, phát thải khí nhà kính, tham gia xây dựng quy hoạch không gian biển, phát triển dự án năng lượng ngoài khơi, dự aá thăm dò khai thác dầu khí.
Kiến nghị rà soát, sửa đổi một số luật để đảm bảo thống nhất với Luật Dầu khí năm 2022.
Để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã khẳng định, việc Quốc hội thông qua Luật Dầu khí năm 2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023 là hàng lang pháp lý quan trọng để ngành dầu khí nói chung và PVN phát triển ổn định, bền vững.
Lãnh đạo PVN cũng kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Điểm 1, Điều 34 Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69/2014/QH13 ngày 26/11/2014) theo hướng; “trích tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế để lại doanh nghiệp sử dụng vào mục đích đầu tư phát triển ngành, nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp” (với mức 50% lợi nhuận sau thuế để lại, PVN mới có thể đảm bảo nguồn vốn đầu tư phát triển).
Kiến nghị Quốc hội sớm sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng quy định phân bón thuộc diện chịu thuế VAT để tạo sự công bằng, không phân biệt đối xử giữa các mặt hàng cùng sản xuất trong nước; giữa doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước với nhập khẩu nhằm hỗ trợ, nâng tầm năng lực sản xuất của doanh nghiệp trong nước.
Rà soát, xem xét tổng thể các luật như: Luật Đầu tư 2020, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69), Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, … tạo điều kiện để phát triển chuỗi liên kết và để đảm bảo tính khả thi, đồng bộ với thực hiện Luật Dầu khí năm 2022 đã có hiệu lực từ ngày 01/7/2023.