XÁC ĐỊNH RÕ TRÁCH NHIỆM BỘ, NGÀNH TRONG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG QUỐC GIA THEO NGHỊ QUYẾT 55 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ

24/07/2023

Dịp này, Đoàn giám sát chuyên đề của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” đang tích cực làm việc với các bộ, ngành, các tập đoàn và địa phương nhằm đánh giá thực trạng và đưa ra giải pháp cho chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo. Với nhiều vấn đề đặt ra trong thực tiễn vừa qua, có thể nói chuyên đề giám sát rất đúng, trúng tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc trước mắt.

ĐOÀN CÔNG TÁC SỐ 3, ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA UBTVQH VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG THẢO LUẬN VỀ KẾ HOẠCH LÀM VIỆC TẠI ĐỊA PHƯƠNG

Kết quả tích cực của ngành năng lượng giai đoạn 2016 – 2021 tạo tiền đề quan trọng để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 55-NQ/TW

Đoàn giám sát đánh giá giai đoạn 2016-2021 ngành năng lượng đã bám sát chủ trương, chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước và có bước phát triển nhanh chóng tương đối đồng bộ trong tất cả các ngành, các lĩnh vực, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Những kết quả đạt được của ngành năng lượng trong giai đoạn 2016-2021 là tiền đề quan trọng để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Đoàn giám sát Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khảo sát thực địa tại một số dự án điện gió tại các địa phương

Giai đoạn 2016 – 2021, ngành năng lượng nói chung và ngành điện lực nói riêng đã có những bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực; bám sát định hướng và đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ bản đảm bảo được an ninh năng lượng quốc gia. Ngành điện đã đảm bảo tốt cân đối điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, an ninh quốc phòng và sinh hoạt của người dân. Chỉ số tiếp cận điện năng Việt Nam có bước tiến vượt bậc, từ vị trí 156/189 quốc gia vùng lãnh thổ (năm 2013) vươn lên vị trí 27/190 và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN vào năm 2019.

Thị trường điện cạnh tranh tích cực được triển khai, đáp ứng lộ trình quy định của Chính phủ, qua đó, tạo môi trường cạnh tranh công bằng trong đầu tư phát triển nguồn điện, phân phối điện, đảm bảo việc định giá khâu mua bán buôn điện theo cơ chế thị trường, phản ánh đúng các biến động chi phí đầu vào cũng như quy luật cung - cầu.

Năm 2020, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu cả năm ước đạt gần 237,561 tỷ kWh, tăng 3,43% so với năm 2019. Tính chung cả giai đoạn 2016 -2020, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu ước đạt 1.049,3 tỷ kWh, tăng trưởng trung bình trong cả giai đoạn là 8%. Chương trình phát triển lưới điện thông minh được triển khai rộng rãi đã giúp nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện ngày càng tốt hơn, tỷ lệ điện năng tổn thất do truyền tải và phân phối giảm từ 7,94% năm 2015 xuống còn xấp xỉ 6,5% năm 2020. Hạ tầng cung cấp điện được đầu tư khá đồng bộ, đáp ứng nhu cầu điện tăng nhanh, nhiều công trình lớn (trên 1.000 MW) được hoàn thành như Mông Dương 1 công suất 1.000MW (năm 2016); Duyên Hải 1 công suất 1.200MW (năm 2016); Duyên Hải 3 công suất 1.200MW (năm 2017); Vĩnh Tân 4 công suất 1.200 MW (năm 2017).  Đồng thời, đưa điện lưới ra các đảo Phủ Quốc, Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cô Tô, Vân Đồn… Tính đến hết năm 2020, tổng công suất của hệ thống điện quốc gia đạt 54.677 MW, tăng 1,32 lần so với năm 2016. 

Năng lượng tái tạo được quan tâm phát triển, tạo đột phá trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo tồn tài nguyên năng lượng, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường và biến đổi khí hậu trong sản xuất điện. Trong giai đoạn 2016 - 2021, Việt Nam đạt được bước phát triển đột phá về năng lượng tái tạo. Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời của Chính phủ đã tạo động lực mạnh mẽ, thu hút các nhà đầu tư tham gia sản xuất điện mặt trời. Tới cuối năm 2020, tổng công suất các nguồn điện từ năng lượng tái tạo của Việt Nam đã đạt khoảng 6.000 MW, trong đó có khoảng 6.364 MWp điện mặt trời (tương ứng khoảng 5.290 MW), khoảng 500 MW điện gió và 325 MW công suất điện sinh khối; tổng công suất của điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối đã chiếm xấp xỉ 10% tổng công suất đặt của hệ thống điện; sản lượng điện năng cung cấp từ các nguồn năng lượng tái tạo đã tăng dần từ mức không đáng kể là 320 triệu kWh, chiếm khoảng 0,41% toàn hệ thống năm 2016 lên khoảng 8 tỷ kWh, chiếm 2,53% toàn hệ thống vào năm 2020.

Việc quy hoạch nguồn năng lượng tái tạo được thực hiện tổng thể toàn quốc và đồng bộ giữa nguồn và lưới điện, trong quy hoạch xác định quy mô công suất và tiến độ vào vận hành của từng dự án. Vấn đề quá tải lưới điện cơ bản được giải quyết, khi năm 2020 đã hoàn thành đưa vào vận hành các công trình lưới điện trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận (như TBA 220 kV Phan Rí, TBA 220 kV Ninh Phước, mạch 2 đường dây 110 kV Tháp Chàm - Tuy Phong - Phan Rí, ...), đặc biệt là trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và các đường dây 500 kV, 220 kV đấu nối sẽ đảm bảo giải tỏa công suất các dự án điện năng lượng tái tạo.

Ngành Dầu khí tiếp tục đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Công tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí trên biển Đông đã góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc. Với việc tiếp tục khai thác mỏ hiện hữu, phát triển các mỏ dầu khí mới, hoàn thành công tác xây dựng, vận hành ổn định các công trình vận chuyển và chế biến dầu khí, ngành dầu khí đã hoàn thành chuỗi giá trị từ khâu tìm kiếm, thăm dò và khai thác, chế biến dầu khí và dịch vụ dầu khí chất lượng cao. Tính chung cả giai đoạn, gia tăng trữ lượng dầu khí 5 năm 2016 - 2020 ước đạt 56,26 - 61,26 triệu tấn quy dầu, trung bình đạt 11,2 - 12,4 triệu tấn quy dầu/năm, bằng 100% kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 (10 - 30 triệu tấn quy dầu/năm).  Tổng sản lượng khai thác dầu khí 5 năm 2016 - 2020 ước đạt 120,87 triệu tấn quy dầu, bằng 100% so với kế hoạch 5 năm.

Ngành Than cũng đã cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát là xây dựng, trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đồng bộ từ khâu thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; cơ bản hoàn thành các mục tiêu quy hoạch, kế hoạch đề ra. Than sản xuất trong nước chủ yếu được cân đối cho các ngành kinh tế trong nước (đặc biệt là cung cấp đủ than cho sản xuất điện) để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; ngoài ra, còn dành một phần hợp lý để xuất khẩu nhằm giúp ngành Than khai thác được các nguồn tín dụng dài hạn nước ngoài, có thêm nguồn ngoại tệ để phục vụ nhập khẩu vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất. Tính chung cả giai đoạn 2016 - 2020: Sản xuất than sạch tăng từ 38,7 triệu tấn vào năm 2016 lên khoảng 48,17 triệu tấn vào năm 2020; tiêu thụ than sản xuất trong nước tăng từ 41,1 triệu tấn vào năm 2016 lên trên 47,2 triệu tấn vào năm 2020. Những kết quả tích cực đạt được của ngành năng lượng trong giai đoạn 2016 – 2021 là tiền đề, động lực hết sức quan trọng để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội làm việc với 2 Tập đoàn Dầu khí và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam 

Việc ban hành văn bản hướng dẫn chậm, gây nhiều khó khăn cho thực hiện dự án năng lượng.

Ghi nhận của Đoàn giám sát qua cuộc làm việc với Tập đoàn Dầu khí và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Đại diện 2 tập đoàn có cùng chung nhận định nguyên nhân do một số Luật, văn bản hướng dẫn thi hành Luật chưa được ban hành kịp thời, một số nội dung không phù hợp thực tiễn nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Ngoài ra, một số văn bản thay đổi trong thời gian ngắn, thiếu tính dự báo, làm cho việc triển khai thực hiện bị động, lúng túng.

Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phát biểu tại buổi làm việc

Đối với tập đoàn Dầu khí Việt Nam, hiện Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035; Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035; Kế hoạch 5 năm 2016- 2020 của Tập đoàn để cụ thể hóa các mục tiêu trong giai đoạn đầu của Chiến lược; Điều lệ tổ chức và hoạt động của PVN; Xây dựng kế hoạch 5 năm 2021- 2025 của Tập đoàn trình Chính phủ…Theo báo cáo của PVN, trong quá trình triển khai các nhiệm vụ chính trị, hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng, PVN đã và đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như: Hiện chưa có quy định của pháp luật trong việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt cước phí vận chuyển khí qua các hạ tầng khí.

Đối với chuỗi dự án khí tự nhiên trong nước, hiện chưa có quy định pháp lý, hướng dẫn cụ thể liên quan đến việc bao tiêu một phần hoặc toàn bộ lượng khí khai thác ở thượng nguồn của các nhà máy điện, ảnh hưởng đến hiệu quả và tiến độ của cả chuỗi dự án. Sự phát triển bùng nổ của các loại hình năng lượng tái tạo đã và đang ảnh hưởng mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của PVN nói riêng, và nguồn thu ngân sách của Nhà nước nói chung. Chưa có sự nhất quán trong quy định về xác định dự toán gói thầu EPC đối với dự án triển khai đấu thầu EPC ngay sau khi thiết kế cơ sở được phê duyệt và thiết kế FEED được sẽ thực hiện trong giai đoạn EPC…Từ đó dẫn đến việc thực hiện các quy hoạch và đánh giá tiềm năng, khả năng khai thác các nguồn năng lượng; việc cung ứng, dự trữ xăng dầu; chuyển dịch năng lượng, phát triển các nguồn năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; hợp tác đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực năng lượng; tình hình thực hiện các dự án chậm tiến độ; công tác thăm dò, khai thác dầu khí; tái cơ cấu doanh nghiệp vẫn rất chậm

Còn đối với Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), dù đã ban hành các Nghị quyết, Quyết định và các văn bản chỉ đạo kịp thời để tổ chức triển khai thực hiện, nhưng một số Luật, văn bản hướng dẫn thi hành Luật chưa được ban hành kịp thời, một số nội dung không phù hợp thực tiễn nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Ngoài ra, một số văn bản thay đổi trong thời gian ngắn, thiếu tính dự báo, làm cho việc triển khai thực hiện bị động, lúng túng. Đối với sản xuất than, sau khi Luật Quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp và các Nghị định hướng dẫn, doanh nghiệp chỉ còn được trích 3 quỹ từ lợi nhuận sau thuế. Do đó, Tập đoàn không còn các quỹ tập trung như trước đây, khiến việc thu xếp nguồn vốn thực hiện các đề án thăm dò, khảo sát, đặc biệt là tại các mỏ mới có giá trị rất lớn đều gặp khó khăn.Điều này ảnh hưởng đến chuyển dịch năng lượng, phát triển các nguồn năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; hợp tác đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực năng lượng; tái cơ cấu doanh nghiệp của TKV

Đoàn giám sát ghi nhận những đóng góp vào sự phát triển của đất nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng ở Việt Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng, thách thức lớn nhất của 2 Tập đoàn là rất lớn nên cần có sự nhất quán trong áp dụng pháp luật về dầu khí, điều này thuộc trách nhiệm của Chính phủ và Bộ Công thương trong việc ban hành văn bản hướng dẫn; đồng thời sửa đổi một số luật liên quan đến dầu khí phù hợp với thông lệ quốc tế như Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ Môi trường, có phương án xử lý đối với các dự án thua lỗ, chậm tiến độ; kế hoạch chuyển hướng sang năng lượng tái tạo trong bối cảnh nguồn năng lượng đang có nguy cơ cạn kiệt và chiến lược phát triển nhân sự chất lượng cao trong lĩnh vực dầu khí.

Ghi nhận của Đoàn giám sát tại các địa phương như Quảng Nam, Gia Lai, Bình Thuận thì việc triển khai, ban hành các văn bản cụ thể hóa các chính sách, pháp luật của Trung ương vấn chậm nên ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng; những nội dung chủ yếu về phương án phát triển điện lực được tích hợp trong Quy hoạch tỉnh; các vấn đề liên quan đến các dự án thủy điện và lưới điện; vấn đề quản lý kho xăng dầu, tình hình dự trữ xăng dầu tại địa phương và vấn đề cấp đất cho các dự án điện mặt trời tại địa phương.

Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội làm việc với tỉnh Quảng Nam

Đơn cử như tỉnh Quảng Nam, đây là một trong tỉnh có tiềm năng phát triển dự án về năng lượng và cũng là một tỉnh có sự phát triển nhanh về chuyển dịch công nghiệp nên nhu cầu năng lượng cho sản xuất rất cao. Đoàn giám sát do Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm trưởng đoàn, dù ghi nhận những thành tựu phát triển của Quảng Nam trong giai đoạn 2016-2021 từ công tác thu hút đầu tư, huy động sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, nòng cốt là các doanh nghiệp nhà nước vào đầu tư nguồn điện và lưới điện, đảm bảo cấp điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân, nhất là cấp điện cho các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, góp phần thực hiện công cuộc xây dựng Nông thôn mới.

Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, một số dự án đã triển khai xây dựng với khối lượng đầu tư xây dựng hoàn thành khá lớn, sắp đi vào hoạt động nhưng không thể điều chỉnh, bổ sung phương án đấu nối vào hệ thống điện quốc gia phù hợp với công suất và khả năng phát điện do phải chờ Quy hoạch tỉnh (thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ); quy hoạch các nguồn điện nhỏ, lưới đấu nối và truyền tải cấp điện từ 110kV trở xuống phải chờ Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt phương án điều chỉnh, bổ sung; tiến độ thực hiện một số dự án thủy điện chưa đảm bảo mục tiêu đề ra do nhiều nguyên nhân như: vướng mắc về thời gian giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mục đích sử dụng rừng nhất là rừng tự nhiên; một số dự án nguồn điện được phê duyệt trong quy hoạch có đấu nối vào lưới điện hiện trạng do ngành điện quản lý nhưng gặp khó khăn do hạ tầng lưới điện chưa đảm bảo, việc đầu tư nâng cấp không khả thi do ngành điện không chấp nhận đầu tư nâng cấp từ nguồn vốn khác; bên cạnh đó, nhiều vấn đề vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thuê đất…phải chờ hướng dẫn của bộ, ngành trung ương nên dẫn đến chậm tiến độ...

Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội làm việc với tỉnh Gia Lai

Một ghi nhận khác của đoàn giám sát khi làm việc với tỉnh Gia Lai, địa phương nằm ở vị trí trung tâm của khu vực Tây Nguyên, được thiên nhiên ưu đãi về tài nguyên, đất đai, khí hậu. Với vị trí nằm ở trung tâm của khu vực Tây Nguyên, hầu như tất cả các đường dây 500 kV từ Bắc vào Nam đều đi qua địa bàn nên Gia Lai là một tỉnh có vị trí rất quan trọng của cả nước về truyền tải điện.

Theo đó, toàn tỉnh hiện có 88 dự án năng lượng tái tạo được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch với tổng quy mô công suất 4.347,89 MW (trong đó, đã đưa vào vận hành khoảng 3.005 MW), gồm: 60 dự án thủy điện với tổng công suất gần 2.331 MW; 9 dự án điện mặt trời với tổng công suất 787 MWp; 17 dự án điện gió với tổng công suất hơn 1.242 MW; 2 nhà máy điện sinh khối từ bã mía với tổng công suất gần 130 MW; 3.248 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 480 MW. Trong giai đoạn 2016-2021, tổng sản lượng điện sản xuất từ các nhà máy thủy điện và các nhà máy năng lượng tái tạo khác khoảng 40.096 triệu kWh.

Ông Nguyễn Hữu Quế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai phát biểu tại buổi làm việc

Ông Nguyễn Hữu Quế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, việc đưa vào vận hành các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh đã khai thác được tiềm năng, phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, bảo đảm hiệu quả đầu tư, tăng kết cấu hạ tầng nông thôn, ít gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và góp phần chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, thu hút một số lượng lớn vốn đầu tư vào tỉnh (trung bình 30 tỷ/1 MW thủy điện, 25 tỷ/1 MW điện mặt trời nối lưới, 35 tỷ/1 MW điện gió, 20 tỷ/1 MW điện sinh khối).

Ngoài ra, các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh còn góp phần phát triển du lịch của địa phương, bảo đảm an ninh năng lượng, tăng sản lượng điện hằng năm cho lưới điện quốc gia (hiện đóng góp khoảng gần 8 tỷ kWh/năm) nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải điện của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung (bình quân tăng 15%/năm).

Ông Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai phát biểu tại buổi làm việc

Nhưng, bên cạnh kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế cũng đang kìm hãm sự tăng trưởng, hạn chế thu hút đầu tư trong phát triển năng lượng. Trong đó, những vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng các dự án điện gió là vấn đề được đề cập nhiều tại buổi làm việc, bởi vấn đề này đến nay vẫn chưa thể giải quyết, xử lý, nhất là đối với việc bồi thường, hỗ trợ diện tích đất và tài sản gắn liền với đất nằm trong hành lang an toàn của cột tháp gió.

Ông Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai đề nghị các bộ, ngành, trung ương có những văn bản hướng dẫn cụ thể về các chính sách hỗ trợ, đền bù, giải phóng mặt bằng xảy ra chủ yếu ở các dự án điện gió, để địa phương có cơ sở triển khai, tạo điều kiện để các dự án này được hoạt động. Đối với các dự án điện gió chưa đưa vào vận hành, để thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị cần có sự phối hợp tốt hơn giữa EVN, doanh nghiệp với chính quyền địa phương. Ngoài ra, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, cán bộ và nhân dân chưa hình dung ra được mức độ, tác động, quy mô của các trụ điện gió, nên sau đó mới phát sinh những vướng mắc liên quan đến mặt bằng, tiếng ồn.  

Ngoài ra, hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về năng lượng liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau chưa được ban hành đồng bộ, đầy đủ và kịp thời theo thực tế triển khai, nên các địa phương còn vướng mắc, khó khăn triển khai thực hiện, như: chưa có các quy định, hướng dẫn về thực hiện đấu thầu, đấu giá mua điện các dự án điện mặt trời, điện gió; chưa có quy định về công tác vận hành và bảo trì, quy định về an toàn, phòng cháy, chữa cháy cho các dự án điện gió, điện mặt trời; chưa có quy định về kiểm soát chất lượng và bảo đảm xử lý môi trường đối với các tấm pin mặt trời; chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất và tài sản gắn liền với đất nằm trong hành lang an toàn của cột tháp gió. Một số kiến nghị, đề xuất khác cũng được đại diện các sở, ngành thuộc tỉnh Gia Lai kiến nghị Quốc hội chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, trong đó có quy định về hợp tác đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện truyền tải công suất các dự án điện để địa phương có cơ sở đề nghị các nhà đầu tư tham gia góp vốn triển khai thực hiện đảm bảo theo quy định. Đồng thời kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương xem xét rà soát, cập nhật tiềm năng, hiện trạng phát triển và danh mục các dự án năng lượng tái tạo đã được đề xuất quy hoạch trên địa bàn tỉnh Gia Lai vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII để triển khai đầu tư phát triển trong giai đoạn tiếp theo

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Gia Lai

Ghi nhận những kiến nghị, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường,nhấn mạnh những vướng mắc từ bộ, ngành trung ương sẽ kịp thời có giải pháp tháo gỡ, nhưng tỉnh Gia Lai cần tiếp tục đưa ra giải pháp làm tốt công tác quản lý, đảm bảo an toàn các đường truyền tải điện, an toàn cho các nhà máy điện, an toàn hồ đập thủy điện.

Đồng thời tiếp tục quan tâm cải cách thủ tục hành chính, số hóa trong quản lý nhà nước; có định hướng tuyên truyền, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công tác phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh; quan tâm hơn nữa đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tạo sinh kế cũng như đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trong vùng dự án và cần tính toán có chiến lược, kế hoạch cụ thể nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trên địa bàn để tận dụng tốt tiềm năng, thế mạnh địa phương.

Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Bộ Công thương

Xác định rõ trách nhiệm các bộ, ngành trong phát triển năng lượng

Vớinhững vướng mắc ghi nhận từ doanh nghiệp và địa phương,  Đoàn giám sát đặt vấn đề về trách nhiệm quản lý của các bộ Công thương và Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước đến đâu với một số dự án cụ thể cũng như tồn tại đã chỉ ra trong lĩnh vực phát triển năng lượng khi làm việc với Bộ Công thương. Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải đặt vấn đề về việc xây dựng cơ chế khuyến khích, thu hút vốn ngoài Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện quốc gia; thực hiện xã hội hóa tối đa trong đầu tư khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, dịch vụ về năng lượng bao gồm cả hệ thống điện truyền tải quốc gia trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh theo Nghị quyết 55, Bộ Chính trị tại sao thực hiện chậm? qua gần 4 năm, một số quy định và văn bản quy phạm pháp luật thể chế hóa chủ trương rất quan trọng này của Đảng ta chưa có và còn chậm, dẫn đến hệ thống hạ tầng năng lượng của nước ta đang rất khó khăn.

Cũng từ thực tế giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ nhận thấy, những vướng mắc trong khung pháp lý điều tiết điện lực chưa hoàn thiện, chính sách thu hút đầu tư cũng chưa hoàn thiện, khiến nhà đầu tư không yên tâm đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi làm việc

Với những vấn đề Đoàn giám sát nêu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thừa nhận, có một số dự án truyền tải, hạ tầng kho cảng… đầu tư dàn trải, chậm tiến độ, không hiệu quả, ảnh hưởng đến bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Việc chậm triển khai các dự án đầu tư theo phản ánh của các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước với Bộ Công thương và Bộ trưởng đều tập trung vào các vấn đề như: thủ tục hành chính, khó khăn về vốn, hiệu quả đầu tư, giải phóng mặt bằng, nhưng vốn không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công thương, nhưng Bộ cũng nhận trách nhiệm do chưa kịp thời thanh tra, kiểm tra, đưa ra chế tài xử lý. Khắc phục những hạn chế nêu trên, Bộ Công thương đã trình và được Chính phủ phê duyệt 4 quy hoạch về điện lực, năng lượng quốc gia, hạ tầng xăng dầu, khai thác và chế biến khoáng sản.

Với những dự án điện gió và điện mặt trời chuyển tiếp còn dang dở do cơ chế giá Fit, tại sao chậm ban hành và Đoàn giám sát đặt vấn đề về việc nếu cơ chế giá FIT không áp dụng nữ thì chuẩn bị cho sự chuyển đổi cũng như cơ chế, chính sách để thu hút, "giữ chân" nhà đầu tư trong lĩnh vực này? Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BCT ngày 3.10.2022 và Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7.1.2023 về khung giá phát điện đối với nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Bộ trưởng nêu rõ, chính sách giá FIT chỉ có thời hạn nhất định, bởi lẽ đây là chính sách khuyến khích, không thể tiếp tục kéo dài. Những dự án không được hưởng chính sách giá FIT hay đầu tư mới đều không có vướng mắc về chính sách, pháp luật. Luật Đầu tư, Luât Điện lực, Luật Đấu thầu hay một số Thông tư của Bộ Công thương đã quy định cụ thể quy trình, thủ tục thực hiện.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thừa nhận có sự chậm trong việc ban hành cơ chế chuyển tiếp giá FIT. Nguyên nhân là do trong Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg đã quy định rõ những dự án chuyển tiếp (không được hưởng giá FIT) thì phải áp dụng giá cạnh tranh. Do vậy, dù Bộ Công thương đã nhiều lần gửi văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành, nhưng chưa ra được cơ chế giá chuyển tiếp, vì chưa thống nhất phương thức đấu thầu giá mua điện năng lượng tái tạo.

Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, nếu đấu thầu giá mua điện hàng năm, thì chủ đầu tư sẽ khó yên tâm thực hiện dự án vì giá mua điện sẽ thay đổi thường xuyên. Nhưng, nếu đấu thầu mức giá áp dụng trong 20 năm sẽ tương tự như giá FIT, là một dạng giá "FIT phẩy", cũng không được, vì phi thị trường”. Vướng mắc này đã được tháo gỡ sau khi Bộ Công Thương nghiên cứu Luật Điện lực, Luật Giá và đã xây dựng văn bản hướng dẫn doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại cuộc làm việc với Bộ Công Thương

Nhấn mạnh điều này khi kết luận cuộc làm việc của Đoàn giám sát với Bộ Công thương, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng đoàn giám sát của UBTVQH đặt vấn đề về trách nhiệm của các Bộ liên quan trong việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn gây chậm tiến độ nhiều dự án? Qua đó đề nghị, Bộ Công thương cần xác định rõ trách nhiệm quản lý của Bộ với một số dự án cũng như tồn tại đã chỉ ra trong lĩnh vực phát triển năng lượng thời gian qua. Đặc biệt, phải "cắt khúc" giai đoạn Bộ Công thương chịu trách nhiệm quản lý với các doanh nghiệp, dự án có tồn tại, hạn chế và giai đoạn chuyển sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước thực hiện, để rành mạch về trách nhiệm của Bộ và các cơ quan liên quan.

Đây cũng là vấn đề dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về chuyên đề giám sát này sẽ đi vào các giải pháp, kiến nghị cụ thể, nêu rõ trách nhiệm từng đơn vị có liên quan theo mốc thời gian thực hiện.

 

Hải Yến