Nhiều doanh nghiệp gặp khó với quy định về phòng cháy, chữa cháy
Theo ghi nhận, hàng loạt doanh nghiệp “kêu trời” vì những tiêu chuẩn, quy định mới về phòng cháy chữa cháy (PCCC) của Nghị định 136 không chỉ gây khó khăn, tốn kém mà còn kìm hãm sự phát triển, kinh doanh của họ. Đại diện nhiều Hiệp hội Doanh nghiệp cho biết việc gặp khó với quy định phòng cháy chữa cháy mới khiến các doanh nghiệp không có giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy nên không đủ cơ sở pháp lý, hồ sơ để xây dựng. Điều này nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đang rất bức xúc, mệt mỏi vì vướng các quy định phòng cháy chữa cháy, trong đó phổ biến nhất quy định về diện tích, xây dựng cầu thang thoát hiểm, vật liệu xây dựng và sơn chống cháy...
Nhiều doanh nghiệp gặp khó với quy định về phòng cháy, chữa cháy (Ảnh minh hoạ)
Ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch công đoàn Công ty cơ khí Tân Thanh (TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết, các doanh nghiệp muốn sản xuất đều chấp hành đúng luật pháp, tuy nhiên những quy định mới của PCCC gây nhiều khó khăn cho DN, nhất là về tài chính. Đơn vị này muốn xây một nhà xưởng khoảng 2.000m2 chỉ quây tôn cao khoảng 10m, nền xi-măng nếu như trước đây chỉ khoảng 1,2 tỷ đồng thì bây giờ phải xây bể nước 400m3, có hộp với dụng cụ chữa cháy; điện ba pha; điện dự phòng, máy nổ… với chi phí lên tới 3 tỷ đồng.
Đại diện cho hơn 200 DN logistics, ông Nguyễn Chí Đức - đại diện Hiệp hội Logistics TPHCM chia sẻ kinh doanh kho cảng được cơ quan PCCC yêu cầu đưa đầu phun nước chữa cháy vào từng hàng kệ trong kho. “Cả kho rộng 4.000 m2, mỗi hàng kệ khoảng 3-4 tầng, các đơn vị tư vấn đều báo giá khoảng 1,5 triệu đồng/m2, tính ra là 6 tỷ đồng. Nếu theo yêu cầu này, công ty tôi từ Nam ra Bắc có hơn 100.000 m2 diện tích kho kệ thì con số phải lên đến hàng trăm tỷ đồng. Nếu chi phí đầu tư cho PCCC quá cao, cuối cùng vẫn được tính vào giá thành dịch vụ, tức các DN sản xuất kinh doanh khác phải gánh cùng. Trong khi đó, từ trước đến nay chi phí logistics ở Việt Nam vốn đã được đánh giá ở mức cao so với các nước khác, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Sức khỏe DN logistics rất thấp, giờ dành thêm chi phí đầu tư PCCC rất cao khiến nhiều DN trong ngành khó lòng đáp ứng.
Ông Kiều Huỳnh Sơn - Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí điện TPHCM, Giám đốc Công ty TNHH cơ khí chế tạo máy Thép Việt cũng cho rằng, với ngành cơ khí điện, nguy cơ cháy nổ cực kỳ thấp, thấp hơn nhiều so với các ngành hàng khác, nên không thể đánh đồng về các tiêu chuẩn khi kiểm tra nhà xưởng. Ông Kiều Thanh Đức cho hay, Sức khỏe doanh nghiệp đã đến ngưỡng chịu đựng vì chi phí đầu tư tăng gấp đôi, không còn sinh lợi nữa.
Trước những phản ánh của DN, nhiều chuyên gia thừa nhận, những quy chuẩn về PCCC ban hành quá nhanh, vội vàng, thời gian quá ngắn. Chỉ trong 3 năm từ 2020-2022, mỗi năm đều ban hành một quy chuẩn gây nhiều khó khăn cho cơ quan PCCC, đơn vị tư vấn và cả DN. Đơn cử, tại TPHCM có 117.000 các cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy. Trong đó, các cơ sở được phân cấp theo quy mô để tiện cho việc quản lý. Cấp một là các cơ sở do công an quản lý, cấp hai là các cơ sở thuộc UBND xã, phường quản lý. Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất việc thực hiện quy chuẩn PCCC còn chưa bảo đảm an toàn. Mới đây, công văn 1091 của Cục Phòng cháy chữa cháy được xem như “phao cứu sinh”, tháo gỡ nhiều khó khăn cho DN. Tuy nhiên, đại diện các hiệp hội DN vẫn chưa yên tâm vì đây chỉ là văn bản hướng dẫn nội bộ của ngành PCCC, có tác dụng “chữa cháy” tạm thời.
Doanh nghiệp kiến nghị xem xét các quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy ( ảnh minh hoạ)
Do đó, nhiều Hiệp hội Doanh nghiệp đưa ra kiến nghị bộ ngành có thẩm quyền xem xét các quy chuẩn phòng cháy chữa cháy khả thi, phù hợp hơn với sức chịu đựng của nền kinh tế, hoặc có phân kỳ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Ngoài ra, hướng dẫn trong văn bản 1091 của Cục Cảnh sát PCCC dù đã tháo gỡ nhiều khó khăn cho DN nhưng vẫn cần luật hóa thành thông tư. “DN đang rất khó khăn và đang tìm mọi cách để xoay xở, tồn tại, các doanh nghiệp mong rằng gỡ được cái khó nào thì mừng cái đó. Làm sao để công tác PCCC an toàn, hiệu quả, giúp người lao động và DN có thể hiểu rõ những quy định mới về PCCC, nhưng cũng giúp các DN hoạt động thuận lợi hơn trong bối cảnh hiện nay
Trước tình trạng này, vừa qua, Ban Dân nguyện của Quốc hội cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giải pháp phân loại mức độ rủi ro về PCCC; tháo gỡ các bất cập trong quy định về PCCC để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các văn bản liên quan theo hướng phân loại mức độ rủi ro về PCCC đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh; giảm tối đa các chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.
Ông Lê Quốc Hùng Thứ trưởng Bộ Công an
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết Bộ Công an sẽ tiếp thu các ý kiến trên và cho rằng, cần nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh trong trường hợp có điều kiện về an ninh, trật tự thì cần tuân thủ, chấp hành nghiêm quy định PCCC. Bộ Công án cho rằng, nếu hạ mức các tiêu chuẩn về PCCC thì hậu quả liên quan là rất lớn, liên quan đến tính mạng và tài sản của người dân. Trong trường hợp cụ thể, Bộ Công an sẽ tiếp thu để nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền có thể thay đổi, điều chỉnh, bổ sung theo từng trường hợp.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh thực hiện chuyên đề giám sát “việc thực hiện Nghị quyết số 99/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2020-2022"
Từ những vướng mắc trên, cho thấy, việc Ủy ban Quốc phòng và An ninh Thực hiện chuyên đề giám sát “việc thực hiện Nghị quyết số 99/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2020-2022 là rất kịp thời. Chuyên đề giám sát được thực hiện trên quy mô rộng làm việc với Chính phủ, 12 Bộ, 4 tập đoàn lớn của Việt Nam và một số địa phương
Đến nay, ghi nhận của đoàn giám sát tại một số địa phương như Hải Phòng, Nghệ An, Khánh Hoà cho thấy vấn đề quan trọng trong công tác PCCC là phải tăng cường tính tự giác trong chấp hành, tuân thủ quy định PCCC. Người đứng đầu các cơ sở trọng điểm về chính trị, văn hóa, xã hội và các hộ kinh doanh cá thể phải thường xuyên có ý thức tổ chức kiểm tra việc đảm bảo quy định PCCC; phối hợp tốt trong việc thẩm định, rà soát và bổ sung kịp thời các yêu cầu PCCC để phòng ngừa.
Đoàn giám sát khảo sát thực địa tại Chợ Vinh, tỉnh Nghệ An
Công tác phòng cháy chữa cháy được dù được thực hiện nghiêm túc, nhưng nhiều nơi, cơ sở vật chất và nhân lực không đủ đáp ứng
Ghi nhận của đoàn giám sát tại chợ Vinh và sân bay Vinh, dù tuân thủ quy định của pháp luật về trang bị đẩy đủ trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, niêm yết nội quy, tiêu lệnh PCCC, biển cấm, biển báo, sơ đồ, biển chỉ dẫn về phòng cháy trong toàn bộ khu vực, nhưng Chợ Vinh là nơi kinh doanh truyền thống của hơn 1.400 hộ kinh doanh, cùng với gần 2.000 hộ kinh doanh khu vực xung quanh, và hiện đã xuống cấp, chưa được đầu tư sử chữa. Diện tích các gian hàng nhỏ hẹp không đảm bảo theo quy chuẩn về PCCC, tiềm ẩn nguy cơ về cháy nổ. Trong khi đó, hiện không có văn bản pháp lý cho phép sử dụng nguồn ngân sách đầu tư công cho chợ dân sinh, việc thu hút xã hội hóa gặp nhiều khó khăn.
Trước khó khăn trên, địa phương kiến nghị Đoàn giám sát có ý kiến để sớm sửa đổi Nghị định 02/2003 về phát triển và quản lý chợ đã 20 năm nay quá lạc hậu, để góp phần bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy tại chợ Vinh nói riêng và các chợ trên địa bàn nói chung.
Đoàn giám sát tham dự buổi thực địa chữa chát tại Cảng cá Hòn Rớ, thành phố Nha Trang, Khánh Hoà
Một ghi nhận khác tại Cảng cá Hòn Rớ, thành phố Nha Trang, Khánh Hoà, một đơn vị trực thuộc Trung tâm Quản lý khai thác các công trình thủy sản Khánh Hòa, có nhiệm vụ quản lý, khai thác hệ thống các công trình thủy sản gồm: cảng cá, chợ cá, khu vực mặt nước cảng gắn liền với cảng cá, các công trình thủy sản được UBND tỉnh Khánh Hòa giao và cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề cá. Cảng cá Hòn Rớ được xây dựng trên diện tích khoảng 2,16 ha, gồm các hạng mục, như: Khu vực cầu cảng dài 420m; khu vực tập kết ngư cụ; khu vực vệ sinh thùng, hộp đựng cá; khu nhà phân loại A, B, C và nhà làm việc 2 tầng; nhà làm việc Ban Quản lý 2 tầng; kho chứa, trạm cấp phát - kinh doanh xăng dầu; nhà bán ngư lưới cụ 1 tầng; xưởng nước đá và các hạng mục phụ trợ khác. Xác định nhiệm vụ của đơn vị, Ban Quản lý cảng luôn tuân thủ, hàng năm xây dựng kế hoạch tuyên truyền và tổ chức tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho ngư dân khai thác. Tuy nhiên, Quản lý một Cảng cá lớn nhưng lực lượng đội phòng cháy, chữa cháy còn tương đối mỏng có 14 nhân viên, mỗi ca trực 7 người, làm việc 24/24h, vừa thực hiện công tác chuyên môn và thường trực chữa cháy. Ngoài ra, khi có sự cố xảy ra, Cảng huy động nhân viên văn phòng, công nhân bốc xếp, làm nước đá và các lao động tại chỗ làm việc tại các cơ sở phục vụ công tác chữa cháy. Vì vậy, lãnh đạo Cảng cá Hòn Rớ cũng thừa nhận, vì lực lượng phòng cháy, chữa cháy còn mỏng, thiếu kỹ năng nghiệp vụ chuyên sâu nên cần hỗ trợ hoặc cấp miễn phí trang thiết bị hàng hải, cứu sinh, cứu hỏa, hệ thống thông tin liên lạc cho tàu thuyền; Hỗ trợ nguồn kinh phí trong công tác đào tạo, tập huấn, tổ chức diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, kết hợp nhiều lực lượng, phương tiện tham gia tại Cảng cá để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ công nhân viên tại Cảng cá.
Đoàn giám sát khảo sát tại Cảng cá Hòn Rớ, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà
Qua khảo sát thực tế tại các địa phương, Đoàn giám sát ghi nhận việc luôn coi trọng công tác phòng cháy chữa cháy và chủ động triển khai cụ thể chính sách pháp luật theo Nghị quyết 99 của Quốc hội phù hợp với tình hình từng địa phương. Đoàn giám sát cho rằng, đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, địa phương nào coi đây là nhiệm vụ quan trọng nên đã quán triệt đến các cấp, các ngành và Nhân dân toàn thành phố thực hiện nghiêm công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thì sẽ huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào việc thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Hiệu quả phòng cháy, chữa cháy là thực hiện tốt phòng còn hơn chống, ngoài bổ sung quy định của pháp luật, việc thường xuyên tu bổ nâng cấp cơ sở vật chất về phòng, cháy chữa cháy rất cần được quan tâm đúng mức.
Đoàn giám sát làm việc với Lãnh đạo Thành phố Hải Phòng
Luật phòng cháy, chữa cháy chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn
Thành phố Hải Phòng, với đặc thù là thành phố trực thuộc trung ương, Hải Phòng rất chú trọng công tác phòng cháy, chữa cháy thực hiện Nghị quyết 99/2019/QH14 của Quốc hội và các chỉ đạo có liên quan, từ năm 2020 đến nay. Hải Phòng đã ban hành 01 Nghị quyết và trực tiếp ban hành 35 văn bản chỉ đạo về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố; Công an thành phố, Ủy ban nhân dân cấp huyện tăng cường ứng dụng App “Báo cháy 114” và Zalo phục vụ tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Hiện tại đã có 62.618 lượt cài đặt. Toàn thành phố Hải Phòng có đội dân phòng với 1.761 đội. Lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở có 20.145 đội. Lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành có 21 đội với 265 đội viên. Tính đến hết ngày 30/6/2023, Hải Phòng đã xây dựng được 947 mô hình tổ liên gia an PCCC, 1.926 điểm chữa cháy công cộng, 165 thôn đạt tiêu chí an toàn về PCCC, 09 chợ kiểu mẫu đạt chuẩn về PCCC, 01 khu chung cư, 232 tổ dân phố, 01 nhà tập thể an toàn PCCC. Trên địa bàn thành phố có tổng số 2.575 trụ nước chữa cháy, trong đó 116 trụ đang hư hỏng.
Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành Nghị quyết số 27/2017/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 về xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn thành phố Hải Phòng được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực; Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 13/3/2018 về việc thực hiện Nghị quyết số 27/2017 của Hội đồng nhân dân thành phố. Trong giai đoạn giám sát, đã tổ chức kiểm tra 41 chuyên đề, 29 cuộc kiểm tra liên ngành về an toàn phòng cháy, chữa cháy. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực hiện hơn 39.000 lượt kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy cơ sở. Toàn thành phố có 2.189 cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, trong đó có 572 cơ sở chưa mua.
Tuy nhiên, tại Hải Phòng Hiện còn 194 cơ sở thuộc Điều 63a Luật phòng cháy, chữa cháy còn tồn tại không đảm bảo yêu cầu phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực. Việc triển khai thực hiện các giải pháp khắc phục những tồn tại, thiết sót không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy của các cơ sở còn chậm.
Đoàn giám sát khảo sát thực địa về công tác phòng cháy chữa cháy tại Thành phố Hải Phòng
Thành phố Hải Phòng cũng kiến nghị cần rà soát chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy để kịp thời sửa đổi, bổ sung, đẩy mạnh cải cách, cắt giảm mạnh thủ tục hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy. Đối với các loại hình cơ sở đã đưa vào sử dụng trước Luật phòng cháy, chữa cháy có hiệu lực đến thời điểm hiện tại đã xuống cấp, kết cấu, cơ sở vật chất không đáp ứng được việc áp dụng các quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn mới; một số công trình cũ nằm trong diện quy hoạch, giải tỏa … xem xét có cơ chế phù hợp để vẫn đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy mà không ảnh hưởng đến an ninh xã hội. Đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, trong đó, bổ sung chính sách bảo hiểm cháy, nổ toàn dân vào Luật; bổ sung quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân phải chịu trách nhiệm về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi quản lý.
Đoàn giám sát làm việc với Tập đoàn dầu khí Việt Nam
Ghi nhận của Đoàn giám sát với Tập đoàn dầu khí Việt Nam, cho thấy việc PVN là đơn vị đi đầu trong triển khai nghị quyết 99, bởi đối với dầu khí thì an toàn cháy nổ là số 1, là điều kiện tiên quyết đối với sự tồn tại phát triển của Tập đoàn. Do vậy, PVN quan tâm đầu tư mua sắm các trang thiết bị chữa cháy và báo cháy hiện đại, tổ chức lực lượng PCCC chuyên trách và bán chuyên trách, huấn luyện và thường xuyên diễn tập, kiểm tra an toàn PCCC&CNCH; Chủ động xây dựng và duy trì áp dụng hệ thống quàn lý theo tiêu chuẩn quốc tế như: ISO 9001, ISO 14001, OHSAS 18001 nhằm từng bước xây dựng văn hóa an toàn nói chung và công tác PCCC&CNCH nói riêng theo kịp các nước tiên tiến; Tất cả các công trình do PVN và các đơn vị là chủ sở hữu đều được xây dựng Phương án PCCC&CNCH và được Cơ quan Cảnh sát PCCC&CNCH các địa phương phê duyệt.
Tuy nhiên, theo Tập đoàn PVN, các văn bản pháp luật về PCCC không quy định rõ công trình “cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng” ở quy mô, mức độ nào thì cần phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC; chưa quy định các công trình dầu khí trên biển, đường ống dẫn khí dưới biển có phải trình thẩm duyệt thiết kế PCCC không. Văn bản pháp luật về PCCC chưa quy định cụ thể về tần xuất kiểm tra “thường xuyên” là bao lâu nên tại các đơn vị thực hiện gặp khó khăn. Bên cạnh đó, TCVN 2622 1995 quy định trong các khu công nghiệp nếu diện tích khu đất công trình từ 150 ha trở lên thì yêu cầu lượng nước chữa cháy tính theo 02 đám cháy lớn nhất xảy ra đồng thời. Việc áp dụng điều này cho Nhà máy lọc dầu là không phù hợp và làm tăng chi phí. TCVN 5307:2009 về Kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, yêu cầu thiết kế quy định: “khoảng cách từ bể trụ đứng đặt nổ đến mép trong của chân đê bao ngăn cháy bên ngoài không nhỏ hơn một nửa đường kính của bể gần đê và không quá 15m”. Vì vậy, việc thiết kế các bể chứa có đường kính lớn hơn 30m sẽ không thể tuân thủ quy định này, trong khi đó, đối với nhà máy lọc hóa dầu, các bể chứa có đường kính lớn hơn 30m là phổ biến.
Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội phát biểu
Cùng với đó, qua cuộc làm việc với các bộ, nghành, làm rõ việc thực hiện các giải pháp 4 tại chỗ, Đoàn giám sát cũng ghi nhận việc thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội được thực hiện hiện quả, không bộ nào để xảy ra tình trạng cháy, nổ. Tuy nhiên, các bộ, ngành đều chung kiến nghị cần sửa đổi các tiêu chuẩn, quy chuẩn, cấp kinh phí trong việc xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình liên quan đến PCCC bởi cơ sở vật chất nhiều bộ đã xuống cấp và phân tán.
Trung tướng GS.TS Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh phát biểu
Rõ ràng, thực hiện pháp luật về phòng cháy, chữa cháy là nhu cầu tự thân của từng địa phương, từng đơn vị, tuy nhiên, đoàn giám sát đã ghi nhận nhiều vướng mắc do hệ thống pháp luật chưa thực sự phù hợp với nhiệm vụ, chức năng quản lý, đặc thù của từng ngành, lĩnh vực, đơn vị. Chắc chắn kết qủa giám sát lần này sẽ là cơ sở để sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật về phòng cháy chữa cháy để, tháo gỡ vướng mắc, tạo thông thoáng thúc đẩy phát triển Kinh tế xã hội nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu an toàn về phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới.