LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI): LẤY NGƯỜI BỆNH LÀM TRUNG TÂM CHO MỌI HOẠT ĐỘNG CUNG CẤP DỊCH VỤ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH
CÔNG BỐ LỆNH CỦA QUYỀN CHỦ TỊCH NƯỚC VỀ LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH
Hải phòng địa phương đi đầu trong thực hiện an sinh xã hội
Với quan điểm phát triển bền vững, những năm qua song hành cùng thành tựu kinh tế xã hội, Hải Phòng luôn dành nguồn lực để đầu tư chăm lo cho sức khỏe nhân dân. Cùng với các quyết sách của Trung ương là các nghị quyết của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố và một loạt văn bản chỉ đạo quyết liệt kịp thời, để mọi người dân mọi người dân đều được thu hưởng thành quả phát triển, không ai bị bỏ lại phía sau.
Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Lê Tiến Châu
Bí thư thành uỷ Hải Phòng Lê Tiến Châu đã nhiều lần nhấn mạnh, phát triển văn hóa con người, nâng cao đời sống của người dân, trong đó giáo dục và y tế là hai trụ cột quan trọng. Chính vì vậy, Hải Phòng luôn ưu tiên ngân sách đầu tư cho lĩnh vực y tế, đảm bảo năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2021, tổng dự toán chi sự nghiệp y tế trên 1000 tỷ. Năm 2002, tổng chi sự nghiệp cho y tế gần 1300 tỷ, tăng 17,39% so với năm 2021, chiếm 9,38% tổng chi thường xuyên ngân sách thành phố năm 2022. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và khám bệnh BHYT được thực hiện và duy trì thường xuyên. Trong 2 năm 2021, 2022, đã tiến hành 24 cuộc thanh tra, kiểm tra thuộc lĩnh vực dược, khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập đối với 403 đơn vị, xử phạt 75 cá nhân và tổ chức.
Buổi khảo sát thực địa các cơ sở y tế của Đoàn giám sát
Qua giám sát thực tế của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng cũng cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực y tế Hải Phòng đang dần được nâng cao để đáp ứng nhiệm vụ, khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới. Trình độ chuyên môn, thái độ, tinh thần phục vụ của đội ngũ bác sỹ và nhân viên y tế được nâng lên, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, được nhân dân ghi nhận. Tính đến 31/12/2022, nhân lực khối công lập của thành phố là hơn 9000 người. Nhân lực khối y tế ngoài công lập là 4587 ngừoi. Nhân lực có trình độ đại học trở lên chiếm 39,7% tổng nhân lực toàn quốc. Chất lượng đội ngũ bác sỹ ngày càng được nâng cao và đã đào tạo được một số chuyên gia đầu ngành giởi, số lượng bác sỹ có trình độ sau đại học chiếm 41,5% tổng số bác sỹ. Tỷ lệ bác sỹ/vạn dân đạt 12,4%( gồm y tế công lập và ngoài công lập), cao hơn tỷ lệ chung của cả nước và một số tỉnh, thành phố lớn, nếu tính cả bệnh viện Bộ, ngành thì tỷ lệ này là 14,01%( có với 10 bác sỹ/vạn dân cả nước, thành phố HCM là 13,1; Hà Nội là 10,9% bác sỹ/vạn dân). Chất lượng nguồn nhân lực phản ánh qua năng lực, chất lượng điều trị ở các tuyến được nâng lên rõ rệt. Hiện nay tuyến bệnh viện cấp thành phố đã thực hiện 90-100% kỹ thuật, trong đó có 15-20% kỹ thuật vượt tuyến. Các bệnh viện tuyến quận, huyện thực hiện 40-505 kỹ thuật theo phân tuyến kỹ thuật của Bộ Y tế.
Y tế được coi là một trong những trụ cột quan trọng của hệ thống an sinh xã hội, thành phố Hải Phòng hiện có 29 cơ sở khám chữa bệnh công lập, 217 trạm y tế xã, phường, thị trấn cùng 1.233 cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập. Mạng lưới y tế rộng khắp đã góp phần gia tăng độ phủ của các dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe đến cộng đồng dân cư. Chỉ trong 2 năm 2021-2022 thành phố Hải phòng đã dành nguồn lực gần 335 tỷ đồng thực hiện 8 dự án về Y tế. Đặc biệt, Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng đã thông qua dự án đầu tư xây mới nâng cấp 18 trạm y tế trên địa bàn Thành phố được nhân dân và cử tri đánh giá cao.
Ông Bùi Đức Quang, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hải Phòng làm việc với Bệnh viện trẻ em Hải Phòng
Theo đánh giá, một số cơ sở y tế tư nhân cũng được quan tâm đầu tư, nâng cấp hiện đại. Hải Phòng cũng là một trong địa phương có nhiều bệnh viện tư nhân đạt tiêu chuẩn cao về cơ sở hạ tầng, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh như Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, bệnh viện Quốc tế Green. Đoàn giám sát đã ghi nhận và đánh giá cao các cơ sở y tế và công lập và ngoài công lập đã chú trọng đầu tư công nghệ khoa học tiên tiến, phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu trong hoạt động khám bệnh chữa bệnh. Thông qua việc trao đổi chuyển giao kỹ thuật các cơ sở y tế đã tiếp nhận 17 kỹ thuật hỗ trợ, đồng thời đã triển khai chuyển giao hỗ trợ 15 kỹ thuật cho tuyến dưới. Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố đã tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo và tổ chức triển khai tuyên truyền đưa luật bảo hiểm y tế vào cuộc sống. Đến cuối năm 2022 có đến 92% dân số Hải Phòng đã tham gia bảo hiểm y tế, giúp thực hiện hiệu quả chính sách thông tuyến trong khám chữa bệnh, giúp người bệnh được thụ hưởng những thành qủa trong khám chữa bệnh.
Kết quả này được chứng minh qua đại dịch Covid 19 năm 2021, Hải Phòng trở thành điểm sáng của cả nước về thực hiện hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế, trong khi rất nhiều địa phương trong cả nước, kể cả Hà Nội và Hồ Chí Minh ngành y tế phải căng mình chống dịch, ưu tiên mọi nguồn lực cho cuộc chiến chưa từng có tiền lệ. Năm 2023 Hải Phòng xác định chuyển đổi số là động lực phát triển, không nằm ngoài xu thế đó 100% Bệnh viện của thành phố đã triển khai mạng LAN kết nối liên thông với cổng giám định bảo hiểm xã hội, 100% Cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc có thiết bị QR Code đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; 100% nhà thuốc trên địa bàn thành phố kết nối dữ liệu với Cổng thông tin Dược Quốc gia, 100% bệnh viện sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử, hướng đến xây dựng mô hình bệnh viện thông minh ngay sau khi luật bảo hiểm y tế được Quốc hội thông qua.
Nguồn nhân lực và cơ sở vật chất ngành y tế vẫn chưa đáp ứng yêu cầu là trung tâm khám chữa bệnh của vùng Duyên hải Bắc Bộ
Không nằm ngoài tình hình chung, Hải Phòng cũng phải đối mặt với vô vàn khó khăn thách thức hệ lụy từ sau đại dịch, đồng thời bộc lộ nhiều bất cập trong hệ thống y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở, trước yêu cầu cấp bách từ thực tiễn.
Ông Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND Thành phố Hải Phòng khoá XVI
Theo ý kiến và nguyện vọng của cử tri Hội đồng nhân dân thành phố quyết định lựa chọn giám sát chủ đề “Việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về khám bệnh chữa bệnh trên địa bàn thành phố, gồm 11 thành viên do Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng Phạm Văn Lập làm trưởng đoàn với sự tham gia của đại diện các sở, ngành, tổ chức chính trị xã hội đoàn thể, các chuyên gia. Với việc phân công nhiệm vụ rà soát từng phần việc, nên dù là lĩnh vực khó kỹ thuật chuyên sâu, phạm vi rộng, nhưng trong thời gian giám sát không dài, Đoàn đã thực hiện giám sát tại 35 cơ sở y tế . Việc giám sát một chuyên đề riêng về y tế đã đáp ứng mong đợi của đông đảo cử tri nhân dânvà đặc biệt là đội ngũ cán bộ bác sĩ, nhân viên y tế, giám sát đúng và trúng vấn đề “nóng bỏng” nhức nhối, trong bối cảnh hiện nay. Điều này, thể hiện sự triển khai kịp thời chủ trương của Thành ủy, sự quan tâm sâu sắc của Hội đồng nhân dân đối với vấn đề chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Đoàn giám sát đã ghi nhận những khó khăn hạn chế của ngành y tế trên cả ba lĩnh vực: cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế và nguồn nhân lực đều chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ để trở thành trung tâm y tế vùng Duyên Hải Bắc Bộ. Theo thống kê số lượng nhân viên y tế tại cơ sở y tế công lập còn thiếu so với định mức tối thiểu quy định số bác sĩ thiếu là 15,2%; Dược sĩ có trình độ đại học còn thiếu 32,5%, điều dưỡng thiếu 8,7%, số hộ sinh thiếu 4,8%, Số kỹ thuật viên còn thiếu 33,1%. Mặt khác cơ cấu nguồn nhân lực Y tế công lập phân bố chưa đồng đều giữa các tuyến y tế. Nhân lực ở tuyến xã còn thiếu nhiều, Tuyến thành phố thiếu 17%, Tuyến huyện thiếu 16,9%, trong khi đặc thù của ngành y là rất cần đào tạo.
Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố Hải Phòng làm việc với Uỷ ban nhân dân thành phố
Vấn đề đáng lo ngại nữa, kể từ sau đại dịch covid-19 là tình trạng xin thôi việc tại các bệnh viện công. Khảo sát của Đoàn giám sát cho thấy tình trạng này mặc dù không ồ ạt tại Hải Phòng nhưng so với các năm trước đây đã tăng gấp đôi. Riêng năm 2021- 2022, số nhân viên y tế nghỉ việc chuyển công tác trên địa bàn thành phố lên tới 249 ngườ bởi thu nhập và các khoản phụ cấp của đội ngũ nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập có sự chênh lệch cao giữa các đơn vị tuyến thành phố và tuyến huyện. Năm 2022, mức thu nhập bình quân của đội ngũ y tế tuyến thành phố đạt trên 12 triệu đồng/ người/ tháng; trong khi ở tuyến huyện, xã chỉ trên dưới 8 triệu đồng/người/ tháng; Có đơn vị ở mức rất thấp như bệnh viện Đông Lương, huyện Cát Hải chỉ trên 6 triệu đồng/ người/ tháng, trong khi áp lực cường độ công việc lớn, đời sống khó khăn; khiến nhiều bác sĩ không có động lực, an tâm gắn bó với nghề. Nhiều cơ sở y tế xây dựng trên 30 năm đã trở nên cũ kỹ, những trang thiết bị đã được trang bị nhưng lạc hậu không sử dụng được, những trạm y tế dù đã sửa chữa nhiều lần nhưng phòng chức năng, phòng khám đều bị hư hỏng. Tuy hệ thống y tế cơ sở làm nền tảng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nhưng hiện có khoảng 60% công trình tại các cơ sở y tế công lập tại Hải Phòng đang cần được cải tạo nâng cấp hoặc đầu tư xây mới do đã xuống cấp. Ngoài ra, thống kê trang thiết bị y tế cơ bản tại các cơ sở y tế công lập còn thiếu nhiều so với quy định; Tuyến thành phố thiếu 53%; Tuyến huyện xã thiếu 62%. Tại nhiều bệnh viện ở tuyến Thành phố nơi đoàn thực hiện giám sát cũng cho thấy, để phát huy tối đa vai trò của y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại trong khám chữa bệnh đạt được còn khó khăn do cơ sở hạ tầng còn thiếu đồng bộ; tình trạng thiếu thuốc, thiêu dược liệu và thiếu trang thiết bị thiết yếu. Cũng chính vì vậy, khi chuyển sang tự chủ, nhiều bệnh viện nhất là tuyến quận, huyện phải tự xoay sở dẫn đến thu không đủ chi, không có nguồn lực để tái đầu tư, kéo theo không thu hút được người bệnh.
Hiện chính sách thông tuyến của Bảo hiểm y tế cũng đang tạo ra thách thức lớn trong khám chữa bệnh có bảo hiểm y tế, từ tuyến dưới lên tuyến trên. Việc thông tuyến bảo hiểm y tế đã không giữ chân được người bệnh, nhiều cơ sở có công suất sử dụng giường bệnh chỉ còn 30-50%, trong khi đó nhiều cử tri phản ánh chất lượng khám chữa bệnh dịch vụ y tế không như kỳ vọng, trong bối cảnh công tác đấu thầu mua sắm thuốc vật tư y tế còn gặp nhiều bất cập, nên có lúc việc thiếu thuốc vật tư y tế phục vụ nhân dân là gánh nặng đối với các cơ sở y tế tại Hải Phòng.
Y tế là một lĩnh vực đặc thù cần đến nguồn lực đầu tư lớn, tuy nhiên so với yêu cầu phát triển giai đoạn tới thì nguồn lực ngân sách thành phố phân bổ cho lĩnh vực y tế vẫn chưa tương xứng. Theo tính toán trong 5 năm tới, tổng số kinh phí để thực hiện đồng bộ các giải pháp dự kiến cần hơn 3.900 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố khoảng 2.000 tỷ đồng, bình quân mỗi năm trên 400 tỷ đồng, còn lại là nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, vay vốn ngân hàng thương mại huy động từ hoạt động liên doanh liên kết và huy động từ nguồn vốn khác để giảm gánh nặng ngân sách. Theo đó Hải Phòng cần đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực y tế, tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư; khuyến khích các bệnh viện tư nhân phát triển đồng thời thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy ngành y tế theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực ,hiệu quả ,bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn.
Kỳ họp thứ 11 Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng khoá XVI thông qua Nghị quyết "Giám sát việc triển khai các quy định của pháp luật về công tác khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố Hải Phòng"
Hải phòng sẽ ban hành đề án tổng thể phát triển năng lực ngành Y tế, khuyến khích chính sách thu hút vốn đầu tư tư nhân vào lĩnh vực y tế
Qua thực tiễn giám sát tại 35 cơ sở y tế cả công lập và ngoài công lập, đoàn đều ghi nhận chung kiến nghị từ cơ sở về việc tạo cơ chế cho phép các bệnh viện tự chủ được xây dựng một mức giá thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thống nhất áp dụng tại đơn vị như các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân được phép áp dụng; có chính sách đặc thù như cho phép các đơn vị tự chủ áp dụng hệ số lương đặc thù nhằm nâng cao thu nhập cho đội ngũ y bác sỹ, tránh đội ngũ này xin nghỉ việc để sang đơn vị khác làm việc do có mức thu nhập cao hơn. Có thể đánh giá, đây đều là những kiến nghị xác đáng, bởi thực tế chứng minh tại nhiều bệnh viện, sau khi thực hiện cơ chế tự chủ hạng II, cơ sở vật chất của Bệnh viện ngày càng khang trang, chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được chú trọng, tạo điều kiện cho người bệnh được tiếp cận các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, hiện đại, thể hiện sự quyết tâm, dám làm của cán bộ, nhân viên nành y tế,
Hiện nay, Ủy ban nhân dân thành phố Hải phòng đang xây dựng Đề án tổng thể phát triển Y tế Hải Phòng vùng Duyên hải Bắc bộ theo định hướng Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 16 của Đảng bộ thành phố Hải Phòng. Dự kiến sẽ trình Thành uỷ và Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng thông qua vào kỳ họp cuối năm 2023. Cùng với đó, quan tâm, ưu tiên bố trí ngân sách phát triển y tế. Trước hết, tập trung đầu tư cho các cơ sở y tế cấp thành phố còn nhiều khó khăn, các cơ sở y tế tuyến huyện. Chỉ đạo giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế và thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, phân bổ thẻ BHYT. Đẩy mạnh cải cách TTHC; tăng cường thực hiện “chuyển đổi số” trong lĩnh vực y tế…
Sức khỏe là tài sản quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội. Bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ mang tính nhân văn, nhân đạo, trực tiếp bảo đảm nguồn nhân lực cho sự phát triển, đó cũng là một trong những chính sách mà Đảng và Nhà nước ta ưu tiên hàng đầu. Việc thực hiện giám sát chuyên đề về y tế của Hội đồng nhân dân thành phố sẽ bảo đảm những kiến nghị sau giám sát có tính pháp lý cao đáp ứng mong đợi của đông đảo cử tri, trong tương lai người dân thành phố sẽ được tiếp cận bình đẳng thuận lợi và đầy đủ với chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh ngày càng cao; đưa Y tế Hải Phòng sớm trở thành trung tâm y tế vùng Duyên Hải Bắc Bộ như mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 07 và kết luận 226 của ban thường vụ Thành ủy góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 45 của Bộ chính trị và nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16
Có thế thấy, chuyên đề giám sát việc triển khai các quy định của pháp luật về công tác khám bệnh, chữa bệnh được Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng thực hiện rất đúng và trúng trong bối cảnh Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết về việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng và cũng đã thông qua Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 với nhiều thay đổi cơ bản trong việc nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh…
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cũng cho biết, dự kiến trong quý 2/2023 sẽ ban hành thông tư về giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu khi được Chính phủ đồng ý trên cơ sở công khai, minh bạch, cạnh tranh. Đồng thời đưa yếu tố thứ 3 tức là chi phí quản lý vào trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; Theo hướng sẽ phân cấp, phân quyền tối đa cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời dự kiến đưa ra phương thức tính toán, giao quyền cho các cơ sở để tự quyết định. Đây là nền tảng pháp lý cơ bản để Hải Phòng thực hiện thành công việc nâng cao toàn diện chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, trở thành trung tâm Y tế vùng Duyên hải Bắc bộ.