PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI: THÁO GỠ KỊP THỜI NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC ĐỐI VỚI CHÍNH SÁCH GIÁ ĐIỆN, THỊ TRƯỜNG ĐIỆN VIỆT NAM
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia với chủ đề "Chính sách giá điện, thị trường điện Việt Nam: Một số vấn đề đặt ra và giải pháp".
Trong khuôn khổ hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2011”, Đoàn giám sát đã phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề "Chính sách giá điện, thị trường điện Việt Nam: Một số vấn đề đặt ra và giải pháp".
Với mong muốn chia sẻ quan điểm, góc nhìn về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giá điện và thị trường điện Việt Nam, PGS.TS Bùi Xuân Hồi, Chuyên gia kinh tế năng lượng, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc đã nêu một số thực trạng và khuyến nghị chính sách về vấn đề này.
Điện năng là một hàng hóa thiết yếu đặc biệt trong cả sản xuất và tiêu dùng.
PGS.TS Bùi Xuân Hồi Chuyên gia kinh tế năng lượng, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Điện lực miền Bắckhẳng định: Điện năng là một hàng hóa thiết yếu đặc biệt trong cả sản xuất và tiêu dùng. Về phương diện sản xuất, quá trình cung cấp điện thường đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn, rủi ro cao, kết nối hệ thống là tuyệt đối, an ninh trong cung cấp điện luôn được xem xét với tham chiếu là chi phí ngừng cung cấp điện. Về phương diện tiêu dùng, sản phẩm điện năng đặc biệt quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Do đó, hoạt động của ngành điện luôn có sự điều tiết, kiểm soát chặt chẽ từ nhà nước cho dù mô hình tổ chức là độc quyền liên kết dọc truyền thống hay mô hình cạnh tranh là kết quả của quá trình tái cấu trúc.
Ở Việt Nam, hoạt động của ngành điện nói chung của giá điện và thị trường điện nói riêng đến thời điểm hiện tại được quy định rõ trong các văn bản pháp lý từ Luật điện lực tới các Thông tư, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, liên Bộ và các cơ quan hữu quan khác.
Với hành lang pháp lý và các khung chính sách như trên ngành điện đang thực hiện lộ trình tái cấu trúc sửa đổi từ năm 2013 khi khâu sản xuất cơ bản đã được tổ chức theo mô hình thị trường cạnh tranh, khối truyền tải điện được phân tách độc lập và cung cấp dịch vụ truyền tải theo mức giá được chính phủ quy định, khối phân phối bán lẻ điện đang được tổ chức trong cùng một đơn vị (05 Tổng công ty điện lực) chịu trách nhiệm cung cấp điện phục vụ quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Quá trình điều tiết vào ngành điện Việt Nam cũng rất chặt chẽ từ hoạt động của thị trường điện đến các chính sách đối với hệ thống giá bán lẻ.
Tuy vậy, trong quá trình thực thi chính sách pháp luật của nhà nước về giá điện thị trường điện đã xuất hiện những khó khăn, tồn tại, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành cũng như cân đối hài hoà các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
PGS.TS Bùi Xuân Hồi cho biết, sau khi Luật Điện lực được ban hành, một loạt các văn bản pháp lý quy định hoạt động của ngành được xây dựng có chất lượng chưa tốt như: các quy định về lộ trình tái cấu trúc thiếu thực tế (mặc dù điều chỉnh đến lần 2 nhưng thực tế vẫn không diễn ra đúng lộ trình); (ii) Quyết định về lập và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân với số liệu kế hoạch có thể gây nhiều rủi ro cho chủ thể điều chỉnh; (ii) Quyết định về giá truyền tải và cơ chế điều chỉnh giá rất khó khăn trong quá trình thực thi…
Hơn nữa, trong quá trình áp dụng, các vướng mắc chưa được xử lý điều chỉnh, có các quyết định cần điều chỉnh mang tính định kỳ (Quyết định về cơ cấu biểu giá) nhưng đã không được thực hiện. Tính đồng bộ của hệ thống văn bản pháp lý đối với chuỗi giá trị điện lực cũng chưa phù hợp. Việc thực thi các văn bản tính hiệu lực của các văn bản chưa cao, điển hình như giá bán lẻ điện bình quân 4 năm không điều chỉnh mặc dù quy định là điều chỉnh trong năm và hàng năm…
Lộ trình tái cấu trúc ngành điện cần thực tế và khả thi hơn.
PGS.TS Bùi Xuân Hồi nêu một số khuyến nghị nhằm hoàn thiện về mặt cơ chế chính sách quản lý nhà nước về thị trường điện và giá điện. Trong đó, cần điều chỉnh Quyết định pháp lý về lộ trình tái cấu trúc ngành điện thực tế hơn và khả thi hơn.
PGS.TS Bùi Xuân Hồi phân tích, từ thực trạng quá trình phát triển thị trường điện cạnh tranh ở Việt nam và thế giới cho thấy: quá trình tái cấu trúc ngành điện theo hướng cạnh tranh chưa khi nào dễ dàng và đến thời điểm này cũng không thể khẳng định rằng tổ chức của ngành điện theo mô hình cạnh tranh là mô hình mang tính điển hình và là mô hình mẫu hiệu quả.
Nếu các điều kiện tiên quyết chưa đảm bảo, việc tái cấu trúc chỉ mang tính hình thức không thể đạt được hiệu quả cạnh tranh. Bài học của quá khứ và thực trạng của ngành cho thấy xây dựng lộ trình phát triển cần được thực hiện thận trọng và phải đảm bảo chắc chắn mức độ sẵn sàng của các điều kiện tiên quyết để thực hiện lộ trình đó. Cụ thể như ở giai đoạn hiện nay, việc đề ra một lộ trình tái cấu trúc ngành điện trong các văn bản pháp lý phải dựa trên các điều kiện thực tế.
“Nếu cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện vẫn như hiện nay thì không nên đề xuất bất cứ lộ trình nào về tái cấu trúc ngành điện”, PGS.TS Bùi Xuân Hồi khẳng định. Do đó không thể đặt ra một lộ trình phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh quá tham vọng về mặt thời gian trong khi các yếu tố nền tảng cho sự tồn tại của thị trường còn đang chưa có, chưa đáp ứng.
Theo quan điểm của PGS.TS Bùi Xuân Hồi, nên xây dựng lại lộ trình phát triển thị trường điện bán lẻ khả thi hơn, thực tế hơn về mặt thời gian và đặc biệt cần phải xây dựng song song lộ trình xử lý các tồn tại hiện nay liên quan đến thị trường bán buôn, liên quan đến điều kiện tiên quyết đó là chính sách giá bán lẻ điện.
Cần quyết tâm chính trị trong thực thi các quyết định về tái cấu trúc ngành điện.
Nhấn mạnh điện là hàng hóa thiết yếu đặc biệt quan trọng, PGS.TS Bùi Xuân Hồi khẳng định đến thời điểm này vẫn là mặt hàng có sự kiểm soát giá chặt chẽ từ phía nhà nước được quy định trong các hệ thống văn bản pháp lý hiện tại (Luật Giá, Luật Điện lực, các văn bản dưới Luật...). Do đó, để triển khai lộ trình các thị trường điện cạnh tranh sẽ là các giai đoạn của quá trình điều chỉnh quan điểm từ "giá kiểm soát" sang giá thị trường vì nền tảng của cạnh tranh bán lẻ chính là việc khách hàng sử dụng điện được lựa chọn đơn vị bán lẻ điện, được lựa chọn các gói sản phẩm, dịch vụ do đơn vị bán lẻ điện cung cấp với mức giá bán lẻ điện phù hợp.
PGS.TS Bùi Xuân Hồi cho rằng, cần tiếp tục cải tiến hệ thống văn bản pháp lý về giá điện.
Trong trường hợp đó, cần thực hiện rà soát, đề xuất điều chỉnh các văn bản pháp lý liên quan (kể cả các Luật có liên quan) để phù hợp với cơ chế thị trường cạnh tranh trong khâu kinh doanh bán lẻ điện. Tất cả các thay đổi này, các quyết định về lộ trình tái cấu trúc ngành điện đòi hỏi quyết tâm chính trị rất lớn từ phía nhà nước.
Đến thời điểm này chưa có bất kỳ một đánh giá đầy đủ nào về hiệu quả của việc chuyển đổi từ cấu trúc độc quyền sang cấu trúc cạnh tranh phát điện và sau đó là cạnh tranh bán buôn. PGS.TS Bùi Xuân Hồi đề nghị: “Chính phủ nên dựa trên các đánh giá khoa học để ra các quyết định nên tạm thời dừng lại ở mô hình thị trường phát điện cạnh tranh hay tiếp tục lộ trình tái cấu trúc sang các cấp độ cạnh tranh cao hơn”.
Nếu vẫn quyết tâm thực hiện lộ trình cải tổ, thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh bằng mọi giá thì chắc chắn rằng các quyết tâm chính trị còn phải lớn hơn rất nhiều. Cả hai quyết định này đều rất khó khăn nhưng rất quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành điện Việt Nam.
Tiếp tục cải tiến hệ thống văn bản pháp lý về giá điện
PGS.TS Bùi Xuân Hồi nêu thực tế các văn bản pháp lý về giá điện đã lỗi thời, không còn phù hợp với hoạt động ngành điện hiện nay, trong đó một số văn bản đã được ban hành nhiều năm nhưng chưa được điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn như văn bản quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ cho các hộ tiêu thụ (xây dựng từ năm 2014); quy định về các thời điểm cao điểm và thấp điểm (ban hành từ năm 2009); điều kiện kinh doanh, cơ cấu ngành cũ, trong khi cơ cấu ngành mới đã đưa vào vận hành nhưng vẫn chưa thay đổi…
Để làm được điều này, PGS.TS Bùi Xuân Hồi cho rằng, vai trò của Bộ Công thương trong việc chỉ đạo EVN triển khai các đề án cải tiến các văn bản pháp lý dựa trên thực trạng của ngành, các ràng buộc về phát triển kinh tế xã hội phù hợp, từ đó tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng chính phủ cải tiến, ban hành các văn bản pháp luật mới cập nhật phù hợp với thực tế phát triển của ngành điện, mối quan hệ thị trường và điều tiết về giá điện. Trong đó, có ít nhất có 2 văn bản với nhiều nội dung quan trọng cần phải được cải tiến và thường xuyên cập nhật (mang tính định kỳ) để kịp thời phản ánh hiện trạng quá trình cung ứng điện: Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của TT Quy định phương pháp lập giá bán điện bình quân và cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân; Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện có hiệu lực tới hiện nay…
Cùng với đó, để đảm bảo tính hiệu lực cao của các văn bản pháp lý, có thể nghiên cứu luật hóa cao hơn một số văn bản hiện hành, như cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, cơ cấu biểu giá có thể xem xét đưa thành Nghị định của Chính phủ thay vì Quyết định của Thủ tướng để từ đó áp dụng vào thực tiễn mang tính định kỳ như đang làm với lĩnh vực xăng dầu. Chỉ như vậy, ngành điện hoạt động mới ổn định, các vấn đề giá điện sẽ dần thị trường hóa, đảm bảo lộ trình phát triển thị trường điện cạnh tranh một cách hiệu quả, bền vững.