CHÚ TRỌNG VIỆC BAN HÀNH VÀ GIÁM SÁT THỰC HIỆN CÁC NGHỊ QUYẾT, KIẾN NGHỊ SAU GIÁM SÁT

20/07/2023

Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động nhà nước. Đây là một trong ba chức năng cơ bản, quan trọng của Quốc hội. Để tiếp tục phát huy hiệu quả của hoạt động giám sát, bên cạnh việc đổi mới phương thức tiến hành, việc ban hành và giám sát thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát ngày càng được chú trọng,…

CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI NĂM 2024

Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động nhà nước

Tại khoản 1, Điều 2 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội quy định: “Giám sát là việc chủ thể giám sát theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luât về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý. ”. Giám sát là việc Quốc hội sử dụng các phương tiện, công cụ để đánh giá chính sách, pháp luật do Quốc hội ban hành được thực thi như thế nào và các cơ quan nhà nước thực hiện các chức năng luật định ra sao, trên cơ sở đó bảo vệ lợi ích chính đáng của cử tri và của cộng đồng xã hội. Do đó, mục tiêu giám sát của Quốc hội là để bảo đảm rằng hoạt động của các cơ quan nhà nước thỏa mãn được những nguyên tắc, thủ tục do Quốc hội đề ra và lợi ích của nhân dân được bảo đảm.

Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nêu rõ: Tiếp tục xác định việc đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Đây vừa là yêu cầu khách quan để đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, đáp ứng thực tiễn đòi hỏi của đời sống kinh tế - xã hội đang diễn ra sôi động, mau lẹ, vừa là yêu cầu nội tại để khẳng định vị thế, vai trò của Quốc hội, thể hiện quyền lực của cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam.

Thời gian qua, với nhiều cải tiến, đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã đạt được những kết quả nổi bật, bảo đảm tiến độ và chất lượng. Theo đó, từ việc lựa chọn nội dung mang tính thời sự, đối tượng giám sát, phương thức giám sát cũng có nhiều đổi mới, đặc biệt là nghị quyết và kết luận sau giám sát được chú trọng đầu tư, hiệu quả thực sự; làm chuyển biến tích cực cả về mặt nhận thức, hành động và cách thức tổ chức thực hiện của cơ quan giám sát và đối tượng chịu sự giám sát, góp phần đưa Quốc hội ngày càng sát với thực tiễn cuộc sống.

Bên cạnh đó, kết quả từ hoạt động giám sát đóng góp tích cực đối với hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực nhà nước, được Nhân dân và cử tri cả nước ghi nhận.

Ngoài ra, hoạt động “giám sát lại” trong năm 2023 đã được chú trọng và triển khai với tinh thần chuẩn bị “từ sớm, từ xa”. Với mục đích đánh giá toàn diện việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, đồng thời làm rõ trách nhiệm, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các nghị quyết của các cơ quan và người đứng đầu các cơ quan chịu sự giám sát, hoạt động “giám sát lại” thể hiện trách nhiệm của Quốc hội trong việc theo dõi, giám sát đến cùng những nội dung đã được giám sát, những vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm, nhằm tăng cường sự đồng thuận, tin tưởng của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động của Chính phủ, các Bộ, ngành trong bộ máy Nhà nước và hoạt động của Quốc hội.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình

Theo đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình, hoạt động giám sát của Quốc hội thời gian đã có nhiều đổi mới, cải tiến, khẳng định đây là khâu trọng tâm, then chốt trong nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Nhấn mạnh Chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội được thông qua tại kỳ họp thứ 5 đã bám sát thực tiễn, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh kiến nghị, cần tiếp tục đổi mới về phương thức giám sát, chú trọng trong kết luận sau giám sát để nâng cao chất lượng, hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực cả về mặt nhận thức, hành động sau giám sát,…

Cho rằng trong một nhà nước và nghị viện hiện đại, vai trò của hoạt động giám sát là vô cùng to lớn, làm cho nghị viện hoạt động thực sự có hiệu lực, hiệu quả, đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII Lê Như Tiến nhấn mạnh, cần chú trọng và đẩy mạnh hoạt động hậu giám sát, chú trọng việc ban hành và giám sát thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát,…

Theo đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII Lê Như Tiến việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát trên cơ sở nguyên tắc: giám sát phải đi đến cùng vấn đề; gắn giám sát với chế tài. Vì vậy, cần chú trọng nâng cao nhận thức về tầm quan trọng đặc biệt của hoạt động hậu giám sát trong hoạt động giám sát; nâng cao chất lượng các kết luận giám sát; đưa hoạt động theo dõi, tổng hợp, đôn đốc về hậu giám sát trở thành hoạt động thường xuyên …. Đồng thời, có hình thức báo cáo định kỳ về hoạt động hậu giám sát; tổ chức các cuộc làm việc trực tiếp, thường xuyên của Tổng Thư ký Quốc hội với Bộ, ngành về hoạt động hậu giám sát; áp dụng chế tài phù hợp để tăng tính hiệu lực, hiệu quả của hoạt động hậu giám sát.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp 

Chia sẻ quan điểm về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, giám sát là một trong những chức năng quan trọng của Quốc hội. Hoạt động giám sát của Quốc hội không chỉ nhằm mục đích đưa pháp luật vào cuộc sống, bảo đảm cho pháp luật được thi hành nghiêm minh và thống nhất trong cả nước mà còn đề cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước.

Bên cạnh những kết quả to lớn đạt được thì vấn đề hậu giám sát cần được chú trọng và quan tâm đúng mức. Thực tế cho thấy, nhiều nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát không được cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát thực hiện triệt để hoặc thực hiện chưa đầy đủ dẫn đến một số vấn đề được chỉ ra qua giám sát chậm chuyển biến, làm giảm hiệu quả giám sát. Do đó, song song với việc triển khai, ban hành nghị quyết, kết luận giám sát cần tăng cường hơn nữa hiệu quả của công tác hậu giám sát để phát huy thành quả của giám sát trong thực tiễn.

Đại biểu tỉnh Đồng Tháp cũng lưu ý, đây cũng là vấn đề mấu chốt, vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm. Cử tri mong muốn những vấn đề được nêu ra sau giám sát phải được xử lý triệt để, không để tình trạng nêu ra rồi để đấy. Vì vậy, cần có chế tài phù hợp nhằm đảm bảo các kết luận, kiến nghị được thực thi, tạo chuyển biến cụ thể trên thực tế. Đồng thời, cần theo dõi, tổng hợp, đôn đốc về hậu giám sát thông qua các hoạt động như: Thông báo về việc thực hiện kết luận giám sát của Quốc hội; báo cáo định kỳ về hoạt động hậu giám sát;..

Ngoài ra, để hậu giám sát thiết thực, cụ thể hơn, cần có các tiêu chí định lượng rõ ràng, có các chỉ số đánh giá, coi đây là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá tín nhiệm của Chính phủ, của thành viên Chính phủ tại mỗi kỳ lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội./.

Lê Anh

Các bài viết khác