Toàn cảnh buổi làm việc.
Dự buổi làm việc về phía Đoàn giám sát có Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Phó Trưởng Đoàn giám sát; thành viên Đoàn giám sát, khách mời tham gia Đoàn giám sát.
Về phía cơ quan báo cáo có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan: Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước, Nội vụ, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng chính sách xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính…
Nghiên cứu xây dựng sổ tay hướng dẫn thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và MN.
Thực hiện Nghị quyết số 52/2022/QH15 ngày 14/6/2022 của Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” (gọi tắt là 3 Chương trình mục tiêu quốc gia), Đoàn giám sát làm việc với Ủy ban Dân tộc về việc thực hiện triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (MN).
Tại buổi làm việc, sau khi nghe lãnh đạo Ủy ban Dân tộc báo cáo về việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030; Tổ công tác của Đoàn giám sát trình bày báo cáo kết quả làm việc bước đầu, các đại biểu thảo luận về nội dung này.
Đa số các ý kiến đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Ủy ban Dân tộc với vai trò là cơ quan thường trực và các bộ, ngành liên quan trong phối hợp triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030. Đây là Chương trình lớn đầu tiên tích hợp 118 chính sách dân tộc và có nội dung chính sách dân tộc còn hiệu lực đã hình thành nên hệ thống chính sách dân tộc tương đối toàn diện nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành phát biểu ý kiến.
Thành viên Đoàn giám sát cũng chia sẻ với khó khăn khách quan trong quá trình triển khai chương trình; đồng thời nhắc lại cam kết trước Quốc hội của Chính phủ tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó khẳng định sẽ ban hành văn bản hướng dẫn kịp thời đồng bộ, để chương trình có hiệu lực hiệu quả ngay từ những tháng đầu năm 2022, điều này cho thấy Quốc hội luôn dõi theo và đồng hành cùng Chính phủ.
Các ý kiến cũng nêu một số bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030, trong đó hệ thống văn bản có nhiều nội dung gây khó khăn cho địa phương khi triển khai thực hiện. Nhiều văn bản hướng dẫn cũng dẫn chiếu tới nhiều văn bản, thông tư khác nhau, có nội dung dẫn chiếu không đầy đủ, không thống nhất, điều này cho thấy sự phức tạp, thiếu thực tiễn trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan đề xuất Chính phủ, Ủy ban Dân tộc nghiên cứu xây dựng sổ tay hướng dẫn để địa phương thực hiện.
Về tiến độ và tỷ lệ giải ngân, báo cáo của Ủy ban Dân tộc cho biết đến thời điểm này đã đạt 43,76% nhưng nhiều đại biểu cho rằng, số liệu này chưa thống nhất, không khớp với tổng của các dự án, tiểu dự án, số liệu toàn chương trình không khớp với tổng vốn được giao. Một số thành viên Đoàn giám sát đề nghị tổng hợp số liệu chính xác, đồng thời đề xuất lấy số liệu của Kho bạc Nhà nước làm căn cứ báo cáo. Mặc dù số liệu giải ngân vốn cho chương trình của cả nước khá cao nhưng vẫn có một số bộ, địa phương tỷ lệ giải ngân thấp, đề nghị làm rõ nguyên nhân, vướng mắc trong quá trình giải ngân nguồn vốn này.
Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, thông qua hoạt động giám sát của mặt trận, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN bước đầu đã đúng đối tượng thụ hưởng nhưng vẫn còn nhiều người dân nằm ngoài chương trình được thụ hưởng chính sách, do ảnh hưởng của quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Bên cạnh đó, có một số chính sách hỗ trợ được ban hành chưa sát với thực tế như việc hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nên không triển khai được trên thực tế; một số địa phương chồng lấn về địa giới hành chính, nên chính sách của Chương trình không bao phủ hết.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh.
Có ý kiến cũng đề nghị Ủy ban Dân tộc cũng cần làm rõ sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có khó khăn về nhân lực triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN; nếu có cần báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt tại Phiên họp tháng 5/2023 sẽ xem xét, dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2030.
Thành viên Đoàn giám sát cũng cho rằng, báo cáo của Ủy ban Dân tộc chưa phân tích chi tiết về tiến độ, vướng mắc, khó khăn của các địa phương trong ban hành các văn bản về tổ chức bộ máy, thành lập ban chỉ đạo, bộ máy giúp việc (có 5 địa phương chủ động thành lập Văn phòng điều phối Chương trình MTQG cấp tỉnh, mặc dù việc thành lập văn phòng tại các địa phương không quy định bắt buộc). Báo cáo cho thấy có 15 địa phương chưa ban hành quy định về phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình MTQG. Vì vậy, đề nghị phân tích thêm nguyên nhân và các tác động ảnh hưởng đến việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương.
Một số ý kiến cũng bày tỏ sự lo lắng bởi kết quả chung thực hiện còn chậm, chỉ còn 2,5 năm để hoàn thành các mục tiêu trong giai đoạn 1 của Chương trình; đề nghị làm rõ vai trò thường trực của Ủy ban Dân tộc trong việc tham mưu, xây dựng ban hành chính sách và phối hợp với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo thực hiện chương trình như thế nào.
Tại buổi làm việc, đại diện các lãnh đạo các đơn vị của Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm rõ một số nội dung liên quan đến việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tiếp thu ý kiến của thành viên Đoàn giám sát và cho biết, để đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sửa đổi toàn diện từ thể chế đến phân cấp, phân quyền cho địa phương. Ở cấp trung ương đang tập trung tháo gỡ các thông tư, nghị định phù hợp với quy định pháp luật làm cơ sở để các địa phương triển khai. Ban chỉ đạo Trung ương cũng thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện.
Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức 3 hội nghị ở 3 miền, ghi nhận hơn 300 ý kiến, kiến nghị, từ đó ban hành Công điện số 71/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, với 3 nhóm vấn đề: các nội dung chưa ban hành văn bản hướng dẫn, dự kiến hoàn thành trong tháng 5/2023; nhóm vấn đề về văn bản chồng chéo đang được các bộ, ngành khẩn trương triển khai sửa đổi và nhóm các ý kiến địa phương chưa hiểu, chưa rõ, còn cách hiểu khác nhau đang được các bộ ngành giải đáp.
Đối với 74 nội dung cần giải đáp cho các địa phương theo Công điện 71 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc đã trả lời và giải đáp và giải đáp đầy đủ và đến thời điểm này chưa nhận phản hồi của địa phương về việc giải đáp chưa kỹ hoặc chưa rõ.
Về đề nghị của Tổ công tác và thành viên Đoàn giám sát sửa đổi 9 nội dung trong Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 của Ủy ban Dân tộc (Hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình MTQG DTTS và MN, giai đoạn I), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, các nội dung này đã được sửa đổi và đang chờ sửa Nghị định số 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ để làm căn cứ ban hành.
Sửa đổi Nghị định, thông tư hướng dẫn, tránh dẫn chiếu nhiều, dẫn chiếu có địa chỉ nhưng không có nội dung.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng đoàn Giám sát đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030, từng bước khắc phục lúng túng, bất cập giai đoạn đầu triển khai thực hiện; bước đầu thực hiện mô hình lồng ghép, phân cấp phân quyền, hỗ trợ chuỗi sản xuất, cơ chế đặc thù cho dự án đầu tư quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp.
Chia sẻ với khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chương trình mới, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Dân tộc khắc phục bất cập, tồn tại, hạn chế đã nêu trong báo cáo của Ủy ban Dân tộc, của Tổ công tác và thành viên Đoàn giám sát; tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành sớm sửa đổi Nghị định số 27/2022/NĐ-CP và các thông tư, hướng dẫn, tránh tình trạng dẫn chiếu nhiều, dẫn chiếu có địa chỉ nhưng không có nội dung.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng đoàn Giám sát phát biểu kết luận buổi làm việc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng lưu ý cần thống nhất nhận thức giảm thủ tục hành chính, không hướng dẫn lại văn bản cấp trên nhưng phải cụ thể hóa văn ở cấp trên; ban hành cẩm nang hướng dẫn tạo điều kiện cho địa phương thực hiện.
Tiếp tục tháo gỡ 4 điểm nghẽn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: lồng ghép, phân cấp, phân quyền, hỗ trợ đất sản xuất, cơ chế đặc thù cho các công trình có quy mô nhỏ và không phức tạp. Đẩy mạnh giải ngân quyết liệt, thống nhất số liệu, đề nghị lấy số liệu của Kho bạc nhà nước về tiến độ, tỷ lệ giải ngân để báo cáo Quốc hội. Quan tâm củng cố kiện toàn Văn phòng điều phố các chương trình mục tiêu quốc gia trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng lưu ý Ủy ban Dân tộc với vai trò là cơ quan thường trực triển khai chương trình cần chủ động tham mưu, đánh giá giữa kỳ và báo cáo theo kế hoạch; hoàn chỉnh báo cáo trong đó tiếp thu ý kiến của Tổ công tác, thành viên Đoàn giám sát, làm việc với các cơ quan để chuẩn hóa số liệu, đánh giá tồn tại, nguyên nhân, trách nhiệm và chuẩn bị các nội dung làm việc với các bộ, ngành khi làm việc với Chính phủ, trước khi báo cáo Quốc hội kết quả giám sát.
Một số hình ảnh tại buổi làm việc:
Toàn cảnh Đoàn giám sát “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” làm việc với Ủy ban Dân tộc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc.
Các đại biểu tham dự buổi làm việc
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát điều hành nội dung thảo luận.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân trình bày Báo cáo kết quả làm việc của Tổ công tác với Ủy ban Dân tộc về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai.
Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Đinh Thị Phương Lan.
Thành viên Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc
Đại diện lãnh đạo Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu giải trình làm rõ một số vấn đề thành viên Đoàn giám sát nêu.
Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu kết luận buổi làm việc.