ĐOÀN ĐBQH TỈNH TIỀN GIANG GIÁM SÁT THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG

15/04/2023

Chiều 14/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang do đồng chí Tạ Minh Tâm, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn giám sát đã có buổi làm việc với Sở Công thương và một số sở, ngành tỉnh Tiền Giang về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH TIỀN GIANG GIÁM SÁT THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TẠI CÔNG TY ĐIỆN LỰC TIỀN GIANG

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Công thương cho biết, việc thực hiện đầu tư cải tạo, phát triển lưới điện, nguồn điện, nguồn năng lượng trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ năm 2016 - 2021 theo quy hoạch đã đạt được một số kết quả nhất định.

Quang cảnh buổi làm việc.

Cụ thể là đã đầu tư đưa vào sử dụng một số công trình đường dây, trạm biến áp 220 kV, 110 kV; xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp 1.505 km đường dây trung áp, 6.219,6 km đường dây hạ áp; xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp 5.646 máy biến áp, với tổng dung lượng 564.079,5 kVA; phát triển được nguồn năng lượng tái tạo gồm điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 64,28 MWp và điện gió công suất 50 MW; có 124/142 xã trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chí số 4 về điện; 3 huyện Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây đạt tiêu chí Điện huyện nông thôn mới (NTM); TP. Mỹ Tho, TX. Gò Công và TX. Cai Lậy hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM đối với tiêu chí Điện; tổng sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh 16,625 tỷ kWh; sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo khoảng 78,4 triệu kWh.

Bên cạnh đó, đã đưa vào vận hành Nhà máy Điện gió Tân Phú Đông 2 (công suất 50 MW) tại xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, với tổng sản lượng điện gió phát lên lưới điện quốc gia bán cho ngành Điện đến cuối năm 2021 là 17,04 triệu kWh (tính đến cuối năm 2022 là 140,77 triệu kWh).

Lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Tiền Giang phát biểu tại buổi làm việc.

Kết quả đầu tư cải tạo, phát triển lưới điện, nguồn điện, nguồn năng lượng đã đảm bảo cung cấp đủ điện, ổn định phục vụ cho nhu cầu sản xuất cho các doanh nghiệp trong và ngoài khu, cụm công nghiệp; cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Đặc biệt, lưới điện nông thôn trên địa bàn các xã xây dựng NTM đã giảm được khoảng cách cấp điện từ đường dây hạ áp đạt chuẩn đến hộ sử dụng điện, đảm bảo chất lượng điện áp, giảm tổn thất điện năng, lưới điện hạ áp từ sau công tơ đến hộ dân đảm bảo an toàn, đảm bảo mỹ quan; đồng thời, đã kết hợp cấp điện phục vụ bơm nước tưới tiêu và phát triển vùng quy hoạch thanh long trên địa bàn tỉnh... góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Lãnh đạo Công ty Điện lực Tiền Giang phát biểu tại buổi làm việc.

Giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến tổng sản lượng điện tiêu thụ toàn tỉnh Tiền Giang là 17,9 tỷ kWh, sẽ tiếp tục thực hiện đầu tư cải tạo, phát triển các công trình điện theo Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến năm 2035 đã được phê duyệt, trong đó sẽ tập trung đầu tư một số công trình 220kV, 110 kV như sau: Xây dựng mới các trạm 220 kV Gò Công, 220kV Cái Bè (Tân Phước), nâng công suất máy 2 trạm 220 kV Mỹ Tho 2; xây dựng mới các trạm 110 kV Châu Thành, Tân Mỹ Chánh, Soài Rạp, Tân Phú Đông, Thanh Bình, Khu công nghiệp Tân Phước 1; nâng công suất trạm biến áp 110 kV Mỹ Tho...), thực hiện Dự án “Cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện trung hạ thế khu vực trung tâm thị xã, thành phố của Tiền Giang” (87,2 km trung áp, 88 trạm biến áp với tổng dung lượng 8.552,5 kVA, 357,4 km hạ áp, tổng vốn đầu tư khoảng 207,7 tỷ đồng).

Ngoài ra, sẽ tiếp tục thực hiện đầu tư hoàn thành Nhà máy Điện gió Tân Phú Đông 1 (công suất 100 MW) và tiếp tục phát triển nguồn hệ thống điện mặt trời mái nhà (sau khi Trung ương ban hành mới giá điện mặt trời mái nhà)...

Thành viên Đoàn giám sát phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.

Mặc dù đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn một số hạn chế như: Một số công trình chưa được triển khai thi công hoặc thi công nhưng đóng điện chậm so với tiến độ quy hoạch. Một số hệ thống điện mặt trời mái nhà đầu tư hoàn thành sau ngày 31-12-2020, điện gió đầu tư hoàn thành sau ngày 31-10-2021 không được đấu nối hòa vào lưới điện quốc gia và ký hợp đồng mua bán điện với ngành Điện, gây lãng phí. Tuy các doanh nghiệp đã thực hiện kiểm toán năng lượng nhưng một số doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ các giải pháp tiết kiệm năng lượng theo kết quả kiểm toán, đặc biệt là giải pháp liên quan đến đổi mới thiết bị, công nghệ sản xuất hiện đại.

Tại buổi làm việc, đại diện các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải báo cáo kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trong thời gian qua; phân tích những khó khăn, hạn chế trong thực hiện chính sách này, đồng thời kiến nghị đến các bộ, ngành Trung ương có giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng thời gian tới.

Đại biểu Tạ Minh Tâm phát biểu tại buổi làm việc.

Các ĐBQH tỉnh Tiền Giang đánh giá cao kết quả thực hiện các chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng của các sở, ngành tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2021, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh… Đối với các ý kiến đề xuất, kiến nghị của các sở, ngành tỉnh, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp, báo cáo ở các diễn đàn của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan để có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho địa phương, đồng thời hoàn thiện việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trong giai đoạn tiếp theo...

(Theo Báo điện tử Tiền Giang)

Các bài viết khác