TÍCH CỰC ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP, CHỦ ĐỘNG TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ GIÁM SÁT

14/04/2023

Tại phiên họp thứ 22 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành xem xét báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. Các đại biểu đánh giá, trong thời gian vừa qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các yêu cầu, nhiệm vụ với nhiều đổi mới, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 11/4: UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI XEM XÉT BÁO CÁO KẾT QUẢ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI

Tích cực đổi mới phương pháp, chủ động triển khai nhiệm vụ giám sát

Tại Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, đặc biệt là yêu cầu tại văn kiện Đại hội lần thứ XIII về “đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội”; xác định việc nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát là một nội dung quan trọng, khâu then chốt trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023

Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nâng cao chất lượng xây dựng chương trình giám sát; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai hoạt động giám sát; tăng cường giám sát của Quốc hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Quốc hội với các tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động giám sát để phát huy vai trò giám sát của mỗi cơ quan, cùng tạo sức cộng hưởng thúc đẩy, nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm soát quyền lực.

Trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 vừa qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không ngừng thực hiện mục tiêu “đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, trong đó đã chú trọng công tác hoàn thiện thể chế, ban hành các nghị quyết, đề án, kết luận, hướng dẫn về hoạt động giám sát, đổi mới, cải tiến cách thức tổ chức thực hiện trong một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đến nay, các nhiệm vụ theo Chương trình giám sát năm 2022 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội đã hoàn thành, bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Tại phiên họp thứ 22 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành xem xét báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. Phát biểu trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các Đoàn đại biểu Quốc hội bám sát Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 và năm 2023 để chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các yêu cầu, nhiệm vụ được giao với nhiều đổi mới, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực đối với hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực nhà nước, được Nhân dân và cử tri cả nước ghi nhận.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Tuy nhiên, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện các chương trình giám sát còn một số khó khăn, vướng mắc như: Việc triển khai một số chuyên đề giám sát có thời điểm có nội dung chưa hiệu quả, chưa đi được đến cùng vấn đề; hoạt động giám sát chuyên đề có lúc bị ảnh hưởng do báo cáo của một số cơ quan chịu sự giám sát gửi đến Đoàn giám sát còn chậm so với yêu cầu hoặc có nội dung chưa thể hiện được vấn đề cần xem xét, đánh giá; việc triển khai công tác giúp việc một số Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thực hiện chưa thống nhất; việc tham gia phối hợp thẩm tra báo cáo công tác ở một số lĩnh vực mặc dù đã có quy định nhưng chưa được thực hiện có hiệu quả; việc theo dõi, đôn đốc kiến nghị giám sát chưa thực sự quyết liệt, thường xuyên…

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng cần tiếp tục nâng cao nhận thức về chức năng giám sát của Quốc hội. Hoạt động giám sát cần xác định là cung cấp những thông tin thực tiễn trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật để làm cơ sở hoàn thiện thể chế, góp phần phát triển đất nước. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về giám sát; tăng cường tính đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả của các hình thức giám sát, tập trung giám sát những vấn đề lớn, búc xúc trong đời sống kinh tế- xã hội.

Cùng với đó, cần bảo đảm đầy đủ nguồn lực cho hoạt động giám sát, cả về nhân lực, vật lực và tài lực, nhất là đội ngũ cán bộ, cơ sở dữ liệu giám sát. Phát huy mạnh mẽ vai trò của truyền thông trong toàn bộ quá trình giám sát và thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát, áp dụng có hiệu quả ứng dụng công nghệ số trong hoạt động giám sát.

“Giám sát đã không còn là khâu yếu”

Tham gia đóng góp ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, với nhiều đổi mới mạnh mẽ, công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang ngày càng hiệu quả, đạt được những kết quả tích cực. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, đến thời điểm này, có thể đánh giá giám sát không còn là khâu yếu trong hoạt động của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng quan tâm đến một số tồn tại, hạn chế trong công tác này. Cụ thể, việc triển khai một số chuyên đề giám sát có thời điểm nội dung chưa hiệu quả, chưa đi được đến cùng vấn đề. Hoạt động giám sát chuyên đề có lúc bị ảnh hưởng do báo cáo của một số cơ quan chịu sự giám sát gửi đến Đoàn giám sát còn chậm so với yêu cầu hoặc có nội dung chưa thể hiện được vấn đề cần được xem xét, đánh giá. Việc triển khai công tác giúp việc một số Đoàn giám sát của Quốc hội, Thường vụ Quốc hội chưa thống nhất. Việc tham gia phối hợp thẩm tra báo cáo công tác ở một số lĩnh vực mặc dù đã quy định nhưng chưa được thực hiện có hiệu quả.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đánh giá, một trong những dấu ấn nổi bật của nhiệm kỳ này là công tác chuẩn bị cho các phiên chất vấn được thực hiện rất kỹ càng, chu đáo, đối tượng bị chất vấn được mở rộng để dễ dàng liên kết các vấn đề, các lĩnh vực trong phạm vi quản lý nhà nước để đề ra các giải pháp mang tính hệ thống, khả thi, hiệu quả.

Cùng quan tâm đến vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, trong việc thực hiện các giám sát chuyên đề, các tổ công tác của Đoàn giám sát đã giúp cho Đoàn giám sát bám sát và đi sâu hơn, nắm bắt vững chắc thực tế triển khai thực hiện ở bộ, ngành và địa phương, góp phần giảm thời gian Đoàn giám sát phải làm việc với các bộ, ngành, địa phương để làm rõ các vấn đề, qua đó cũng giúp cho Đoàn giám sát hoàn thiện các báo cáo của mình cũng như báo cáo của bộ, ngành, địa phương gửi cho Đoàn giám sát.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng nhận định một trong những điểm quan trọng trong tiến hành giám sát là cá thể hóa trách nhiệm của thành viên Đoàn giám sát và trách nhiệm của Đoàn giám sát đối với báo cáo của mình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trước Quốc hội. Điều này góp phần nâng cao chất lượng của báo cáo giám sát và giúp các vấn đề được trình bày chặt chẽ, dễ nắm bắt hơn. Bên cạnh đó, sự tham gia trách nhiệm tích cực của Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội trong các chuyên đề giám sát, nhất là những chuyên đề khó, phức tạp, có phạm vi rộng, cũng đóng vai trò quan trọng giúp Đoàn giám sát có điều kiện tham gia, đi sâu vào những vấn đề cụ thể và tránh bị dàn trải.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh

Góp ý để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giám sát, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng cần có theo dõi một cách sát sao, chi tiết hơn nữa việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, để đánh giá đúng, thực chất tác động, hiệu quả, ảnh hưởng dài hạn của công tác giám sát. Đối với các phiên giải trình, các phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của các Ủy ban, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng việc lựa chọn chủ đề chất vấn, giải trình đang được thực hiện tốt, chạm đến những vấn đề nóng, bức thiết của đời sống. Tuy nhiên, sau những phiên chất vấn cần có cơ quan theo dõi, đánh giá, xem xét việc người bị chất vấn thực hiện lời hứa, lời cam kết trong quá trình chất vấn.

Trưởng Ban Công tác đại biểu nhấn mạnh, việc thực hiện như vậy sẽ giúp đảm bảo được tính pháp lý của các phiên giải trình. Ngoài ra cần xác định rõ thời hạn giải quyết vấn đề, thực hiện cam kết để đảm bảo phiên chất vấn, giải trình tạo được hiệu quả trực tiếp trong thực tiễn.

Minh Hùng

Các bài viết khác