ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI LÀM VIỆC TẠI SÓC TRĂNG
Chiều 29/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông" đã làm việc với UBND huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa chủ trì cuộc làm việc.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu tại cuộc làm việc
Thiếu giáo viên và cơ sở vật chất
Là huyện vùng cao biên giới, nằm ở phía Bắc của tỉnh Lai Châu, Phong Thổ có 17 xã và thị trấn, trong đó có 12 xã biên giới tiếp giáp với Trung Quốc. Tính đến năm học 2022 - 2023, toàn huyện có 51 trường, 989 lớp, 26.954 học sinh và 1 trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp với tổng số 5 lớp, 155 học viên.
Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, UBND huyện đã giao cho Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học trên địa bàn căn cứ số giáo viên có trình độ chuyên môn tương ứng với các bộ môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý… để sắp xếp giảng dạy khoa học đáp ứng dạy đủ, đúng Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, quá trình triển khai tại địa phương cũng gặp không ít khó khăn: còn tình trạng thiếu giáo viên ở một số trường trên cùng địa bàn; trình độ, kỹ năng khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận công nghệ mới trong quản lý và dạy học ở một số cán bộ, giáo viên còn hạn chế. Việc tích hợp các môn Khoa học tự nhiên và môn Lịch sử và Địa lí cấp THCS gây khó khăn cho các đơn vị trong bố trí giáo viên giảng dạy; cơ cấu giáo viên các môn tại một số nhà trường không đồng đều.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học mặc dù đã được đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu dạy học, đặc biệt với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhiều trường còn thiếu phòng học chức năng, phòng học bộ môn, diện tích sân chơi bãi tập chưa bảo đảm.
Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ Trần Bảo Trung kiến nghị nhiều nội dung với Đoàn giám sát
UBND huyện Phong Thổ kiến nghị các cấp hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn tới. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Sắp xếp, quy hoạch mạng lưới trường, lớp; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, tài liệu, học liệu để thực hiện chương trình mới.
UBND huyện cũng đề nghị đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ cho ngành giáo dục, nhất là tự chủ về đội ngũ và tài chính. Sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, sử dụng nhiều lần; bảo đảm đủ giáo viên cho ngành giáo dục.
Cân đối nguồn lực để đầu tư cho giáo dục
Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát quan tâm tới tình trạng thiếu giáo viên các môn Tiếng Anh và Tin học tại huyện Phong Thổ. Năm 2022, UBND huyện tuyển dụng được 39 biên chế giáo viên cho năm học 2022 - 2023, nhưng không có giáo viên Tin học và Tiếng Anh. Để bảo đảm giáo viên Tin học và Tiếng Anh, huyện thực hiện dồn dịch các điểm trường lẻ đối với các nơi có đủ điều kiện, sáp nhập các trường có quy mô nhỏ, để có thể giảm số lớp/trường.
Giai đoạn trước năm 2020, huyện Phong Thổ đã sáp nhập từ 65 trường còn 48 trường, đưa học sinh về trung tâm để nâng cao chất lượng. Năm học 2022 - 2023 ưu tiên tối đa việc đưa học sinh lớp 3 về trung tâm để 100% học sinh được học trực tiếp môn Tiếng Anh và Tin học.
Một số thành viên Đoàn giám sát băn khoăn về việc sáp nhập điểm trường về trường chính, sẽ gây tình trạng thiếu phòng học ở trường chính và thừa phòng học ở các điểm trường, nhất là khi số phòng tạm, học nhờ cần bổ sung thay thế hiện nay có 36 phòng và phòng học bộ môn còn thiếu nhiều (đã có 46 phòng, cần bổ sung 158 phòng)…
Đoàn giám sát cũng tập trung làm rõ các nội dung: tập huấn giáo viên; việc lựa chọn sách giáo khoa cũng như giá sách giáo khoa với học sinh vùng khó; bố trí giải ngân vốn cho cơ sở vật chất dạy và học trên địa bàn huyện; sự khớp nối kiến thức với các học sinh học chương trình cũ ở lớp dưới nhưng học chương trình mới ở lớp trên; đổi mới phương pháp dạy học trong điều kiện thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, nhiều học sinh dân tộc thiểu số, cha mẹ không có điều kiện quan tâm hỗ trợ con học tập…
Thành viên Đoàn giám sát tập trung làm rõ nhiều nội dung tại cuộc làm việc
Ghi nhận nỗ lực, tâm huyết, trách nhiệm của các thầy cô giáo đã vượt qua khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ, cũng như vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo, vai trò chủ động của Ban giám hiệu các nhà trường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa nhận xét, thời gian qua, huyện đã huy động sức mạnh tổng thể, chuẩn bị về cơ sở vật chất, đội ngũ để triển khai bước đầu chương trình giáo dục phổ thông mới; chọn đúng trọng tâm, cân đối nguồn lực đang có để đầu tư cho giáo dục.
Tuy nhiên, là huyện miền núi, biên giới, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, Phong Thổ có nhiều khó khăn khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Khẳng định đổi mới giáo dục là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, cần có lộ trình, thời gian chuẩn bị tốt nhất các điều kiện, quyết tâm, kiên trì để đến đích, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị huyện thu hút nhiều nguồn lực chăm lo cho giáo dục, đồng thời có tiếng nói mạnh mẽ để nhà nước hỗ trợ nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất - yếu tố rất quan trọng khi triển khai chương trình. Bên cạnh đó, đội ngũ nhà giáo là yếu tố quyết định việc thực hiện thành công chương trình, bởi vậy, huyện cần tạo điều kiện cho nhà giáo làm việc ổn định, và kiến nghị các chính sách để thầy cô yên tâm gắn bó với nghề.