PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGHIÊM KHẮC PHÊ BÌNH CÁC ĐỊA PHƯƠNG CHẬM GỬI BÁO CÁO

16/03/2023

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” vừa ký ban hành Kết luận Phiên họp thứ 2, trong đó đã nghiêm khắc phê bình các địa phương chậm gửi báo cáo tới Đoàn giám sát.

PHIÊN HỌP THỨ HAI, ĐOÀN GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ CỦA QUỐC HỘI VỀ 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

TIẾN ĐỘ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Biểu dương cơ quan, địa phương gửi báo cáo tới Đoàn giám sát đúng tiến độ.

Ngày 15/3/2023, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” đã ký ban hành Kết luận số 390/KL-ĐGS Phiên họp lần hai của Đoàn Giám sát. Kết luận nêu rõ:

Phiên họp thứ hai, Đoàn giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Từ Phiên họp thứ nhất đến nay, việc triển khai các hoạt động của Đoàn giám sát đã đi đúng hướng ở cả nội dung, thời gian, đối tượng và phương pháp thực hiện, xác định trọng tâm là nghiên cứu, đánh giá, phân tích hệ thống chính sách; công tác chỉ đạo, điều hành từng chương trình và lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương. Đến nay đã hoàn thiện và ban hành các đề cương báo cáo gửi Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đề nghị báo cáo và đôn đốc các đối tượng chịu sự giám sát gửi báo cáo theo yêu cầu của Đoàn giám sát; nghiên cứu, tổng hợp nội dung báo cáo của các cơ quan được giám sát; rà soát, thu thập thông tin, tài liệu và chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của Đoàn giám sát. Bước đầu có tác động tích cực cả nhận thức, trách nhiệm của các đối tượng được giám sát.

Đoàn giám sát biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi tắt là địa phương) đã khẩn trương chỉ đạo, xây dựng, hoàn thiện báo cáo theo yêu cầu, đề cương của Đoàn Giám sát và nhiều cơ quan, địa phương gửi báo cáo đúng tiến độ: Tính đến ngày 31/01/2023 các tỉnh: Lai Châu, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Trị gửi báo cáo đến Đoàn giám sát.

Chính phủ đã chủ động tổ chức 3 Hội nghị để rà soát, đánh giá việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia ở 3 khu vực (Tây Nguyên, Phía Bắc và Nam bộ). Bước đầu phát hiện nhiều vướng mắc và thúc đẩy việc triển khai thực hiện.

Đoàn giám sát nghiêm khắc phê bình các địa phương chậm gửi báo cáo.

Kết luận của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội cũng nêu rõ, tính đến ngày 10/3/2023, mặc dù đã có văn bản đôn đốc của Đoàn giám sát, nhưng vẫn có nhiều địa phương chưa có báo cáo gửi đến Đoàn giám sát. Trong đó, 12 địa phương chưa có báo cáo chung về các Chương trình mục tiêu quốc gia; 15 địa phương chưa có báo cáo về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; 23 địa phương chưa có báo cáo về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; 22 địa phương chưa có báo cáo về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Một số địa phương báo cáo thiếu phụ lục; có địa phương báo cáo sai thẩm quyền. Cụ thể: 

-Địa phương chưa có báo cáo chung về các Chương trình Mục tiêu quốc gia: Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Nội, Đắk Nông, Kon Tum, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, An Giang, Bạc Liêu, Tiền Giang, Vĩnh Long.

-Địa phương chưa có báo cáo về Chương trình Dân tộc thiểu số và miền núi: Hòa Bình, Lào Cai, Hà Nội, Nghệ An, Phú Yên, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Đồng Nai, An Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ, Kiên Giang.

-Địa phương chưa có báo cáo về Chương trình nông thôn mới: Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Hà Nội, Thái Bình, Phú Yên, Đắk Lắk, Kon Tum, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, An Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang

-Địa phương chưa có báo cáo về Chương trình giảm nghèo bền vững: Hòa Bình, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long.

Đoàn giám sát nghiêm khắc phê bình Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương chậm gửi báo cáo, đồng thời yêu cầu khẩn trương chỉ đạo, hoàn thiện báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố theo đúng quy định, gửi Đoàn giám sát.

Trước đó, ngày 9/3/2023, thực hiện chương trình hoạt động theo Kế hoạch số 345/KH-ĐGS ngày 24/11/2022 của Đoàn giám sát, Đoàn giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” đã họp phiên thứ 2. Đồng chí Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát, chủ trì phiên họp./.

Lan Hương