HOÀN THIỆN CƠ SỞ VẬT CHẤT BẢO ĐẢM THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA MỚI

15/03/2023

Chiều 14/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/QH17/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 - 2022" đã làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội.

GIÁM SÁT VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA: THIẾU GIÁO VIÊN CƠ HỮU, BỊ ĐỘNG TRONG PHÂN CÔNG CHUYÊN MÔN

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát chủ trì cuộc làm việc

Theo báo cáo, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội đã tiến hành giám sát, khảo sát trực tiếp 4 đơn vị, giám sát qua báo cáo của 39 đơn vị, làm việc với UBND Thành phố, các sở, ngành liên quan và đại diện cán bộ quản lý, giáo viên của 20 trường học và nghiên cứu báo cáo của HĐND Thành phố.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho biết: Đoàn đã phản ánh chân thực các kết quả giám sát trong Báo cáo. Nhiều nội dung trong Báo cáo giám sát cũng là nhận định chung của UBND thành phố, thống nhất với HĐND thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo, các ý kiến chuyên môn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội nhận thức rõ trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ nhất đáp ứng yêu cầu Đoàn giám sát đặt ra.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho biết Báo cáo giám sát của Đoàn cung cấp thông tin đầy đủ nhất, đáp ứng yêu cầu của Đoàn giám sát

Theo đó, HĐND Thành phố, UBND Thành phố đã kịp thời cụ thể hóa Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội bằng các kế hoạch, đề án, chương trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nói chung và đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nói riêng, làm căn cứ để ngành giáo dục và đào tạo thành phố cũng như chính quyền các cấp tổ chức thực hiện...

Thời gian qua, thành phố đã có những thay đổi đầu tư phù hợp để triển khai thực hiện 2 Nghị quyết này; chỉ đạo và kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa bảo đảm công khai, minh bạch. Các đơn vị trường học, từ cán bộ quản lý đến giáo viên đều được tập huấn, sẵn sàng cho đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Thành phố dành nguồn vốn mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định. Công tác rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên được tích cực chuẩn bị, hầu hết UBND các quận, huyện, thị xã đã tổ chức thi tuyển giáo viên để bổ sung giáo viên cho năm học mới…

Nhiều nội dung được Đoàn giám sát đặt ra 

Các thành viên Đoàn giám sát đánh giá Báo cáo của Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội dày dặn, toàn diện, nhiều nhận định, đánh giá, số liệu, thông tin xác đáng. Một số ý kiến của Đoàn giám sát tập trung làm rõ thực tiễn, cơ sở của những đề xuất trong Báo cáo về các điều kiện bảo đảm (đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất, trang thiết bị) đáp ứng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là việc thiếu trường lớp tại Hà Nội; việc lựa chọn sách giáo khoa, giá sách giáo khoa; biên soạn, thẩm định, in và phát hành tài liệu giáo dục của địa phương; các giải pháp về xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật...

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng: Hà Nội có đủ các loại hình trường lớp, vùng miền... Từ những kinh nghiệm của Hà Nội có thể đóng góp cho quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các địa phương khác, từ đó góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)