ĐOÀN ĐBQH ĐÀ NẴNG LÀM VIỆC VỚI UBND THÀNH PHỐ VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA
Cùng dự có Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường; Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh Chính trị nội bộ, Bộ Công an; Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng Nguyễn Duy Minh.
Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng kết luận hội nghị. Ảnh: Trọng Huy
Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng ghi nhận, đánh giá cao ý kiến của cử tri, thể hiện trách nhiệm, tâm huyết của cử tri thành phố Đà Nẵng. Nhiều ý kiến kiến nghị được cử tri nghiên cứu sâu và từ kinh nghiệm thực tiễn, kiến thức của mình để góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với những phát biểu sâu sắc.
Dẫn ví dụ từ ý kiến của cử tri, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng, nhà đất tộc họ là câu chuyện thực tiễn. Đây là vấn đề mang tính vùng miền, ban soạn thảo luật có thể chưa nắm bắt kịp so với thực tiễn.
“Chúng ta muốn luật đi vào cuộc sống thì tính khả thi phải cao. Có ý kiến nêu, khi thu hồi đất, bố trí tái định cư về nơi ở mới, mức sống, thu nhập phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Điều này chính đáng. Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng cũng đặt ra vấn đề này. Tiêu chí nào để khẳng định tốt hơn (thế nào là bằng, thế nào là tốt hơn). Trong hội thảo vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng rất lúng túng để cụ thể hóa vấn đề này.
Nếu không thận trọng sẽ dẫn đến việc khiếu nại, khiếu kiện trên thực tiễn. Vì mỗi người sẽ có một góc nhìn khác nhau (người dân, cơ quan quản lý, doanh nghiệp…)”, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nêu vấn đề.
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề sáng 3/3. Ảnh: Trọng Huy
Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng ghi nhận các ý kiến của cử tri về kỹ thuật lập pháp trong dự thảo luật; đồng thời, đề nghị thư ký đoàn, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng ghi chép, tổng hợp thành từng nhóm vấn đề để Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng gửi đến ban soạn thảo. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng sẽ cố gắng một cách tối đa để mang tiếng nói của các cử tri thành phố Đà Nẵng đến với Quốc hội.
“Thời gian lấy ý kiến cần phải gửi về Trung ương chậm nhất hết ngày 15/3, mong cử tri bằng tâm huyết, tiếp tục gửi ý kiến bằng văn bản về Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố”, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nói.
Cử tri Trần Đình Vĩnh (quận Liên Chiểu) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trọng Huy
Tại buổi tiếp xúc, cử tri quan tâm nhiều vấn đề liên quan đến đất đai đề cập trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Cử tri Nguyễn Văn Quỳnh, phường Thạch Thang (quận Hải Châu) quan tâm đến các vấn đề về quyền và nghĩa vụ của tổ chức trong nước sử dụng đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và thu hồi, trưng dụng đất. Ông Quỳnh cho rằng, hiện nay nguồn lực đất đai chưa được khai thác đầy đủ, chưa trở thành nội lực để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư nhiều nơi chưa bảo đảm hài hòa, lợi ích giữa người có đất bị thu hồi, Nhà nước và nhà đầu tư dẫn đến khiếu kiện đất đai vẫn diễn ra phức tạp.
“Vẫn còn kẽ hở để một số quan chức, địa phương lợi dụng “biến” đất công thành đất tư nhân, chuyển nhượng trái pháp luật và đã bị xử lý hình sự vừa qua. Một số phát sinh trong Luật Đất đai 2013 chưa có quy định điều chỉnh. Đó là những vấn đề cấp thiết cần bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện nay”, ông Quỳnh nói.
Cử tri Nguyễn Thị Mai (quận Sơn Trà) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trọng Huy
Liên quan đến giải quyết tranh chấp đất đai, cử tri Nguyễn Thị Mai (quận Sơn Trà) cho rằng, Luật Đất đai 2013 người dân có quyền khởi kiện ở tòa án hoặc sử dụng hình thức thông qua gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai đến các cấp hành chính. Dự thảo luật hiện nay loại bỏ các quy định trên, đưa thẩm quyền hoàn toàn về cho tòa án…
“Việc dự thảo quy định người dân có quyền nộp đơn hòa giải ở xã, hoặc tự hòa giải, hoặc hòa giải ở cơ sở, hòa giải ở tòa án đã giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian cho các vụ tranh chấp”, bà Mai nói.
Cử tri Tạ Ngọc Giáp (quận Thanh Khê) quan tâm đến các vấn đề về phân loại đất, trong đó nhấn mạnh, dự thảo luật mới quy định khá đầy đủ về các loại đất, nhưng lại chưa đề cập đến đất công trình cấp nước sạch, thoát nước mưa và nước thải.
Về nghĩa vụ chung của người sử dụng đất, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần phải làm rõ sử dụng độ sâu trong lòng đất được quy định ở văn bản nào hoặc quy định cụ thể độ sâu trong lòng đất là bao nhiêu (trong dự thảo luật mới không có và nhiều văn bản pháp luật khác không có).
Ông Giáp cũng quan tâm đến vấn đề thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người; về thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Cử tri Trần Đình Vĩnh (quận Liên Chiểu) quan tâm đến vấn đề quy định về quyền của người sử dụng đất, vai trò của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong giám sát chính sách đền bù hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, giải quyết tranh chấp đất đai.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri cũng quan tâm đến vấn đề giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; về mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa; thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai; miễn giảm thuế đất cho người dân đông bào dân tộc thiểu số để tạo điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống; đất cho nhà thờ tộc họ; đất ở vùng đảo, hải đảo, quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam…