ĐOÀN ĐBQH TỈNH QUẢNG NINH TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG
Đoàn đã giám sát tại UBND huyện Nhà Bè, quận Bình Tân và các sở, ngành: Công thương, Xây dựng, Quy hoạch Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Thanh tra Tp.HCM, Công an Tp.HCM, Bộ Tư lệnh Tp.HCM; Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Tp.HCM, Kiểm toán Nhà nước Khu vực IV, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Tp.HCM.
Quang cảnh giám sát
Tham gia cùng đoàn giám sát có các ĐBQH: Văn Thị Bạch Tuyết, Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP; Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP; Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Tp.HCM.
Cần sửa đổi, hoàn thiện các luật chuyên ngành về điện lực
Báo cáo với đoàn giám sát, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết, Quy hoạch phát triển điện lực TP giai đoạn 2016 – 2025, có xét đến đến năm 2035 được xây dựng và ban hành kịp thời làm cơ sở cho ngành điện đầu tư xây dựng hạ tầng lưới điện giúp TP luôn đảm bảo cung cấp đủ năng lượng, đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của người dân TP.
Đối với năng lượng điện từ đốt rác phát điện, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết, trong thời gian qua, TP đã kêu gọi đầu tư xử lý rác bằng công nghệ đốt rác - phát điện với mong muốn có những nhà máy xử lý rác thông minh, vừa xử lý rác, vừa tạo năng lượng an toàn cho môi trường.
Riêng về năng lượng điện gió, theo Quy hoạch phát triển điện lực TP, huyện Cần Giờ có giá trị tốc độ gió trung bình tương đối cao và cũng là khu vực có tiềm năng gió của Tp.HCM với tiềm năng lắp đặt có thể đạt đến 55MW đối với điện gió trên bờ. Tuy nhiên, do hạn chế về quỹ đất, quy hoạch định hướng sẽ nghiên cứu phát triển điện gió tại TP (bao gồm điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi) vào giai đoạn sau năm 2025. Hiện nay đang có 2 nhà đầu tư đề xuất UBND TP cho phép khảo sát để đề xuất dự án điện gió tại vùng biển ngoài khơi huyện Cần Giờ…
Nêu kiến nghị với Quốc hội, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngọc kiến nghị cần sửa đổi, hoàn thiện các luật chuyên ngành về điện lực, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các luật khác liên quan đến ngành năng lượng để làm cơ sở thực hiện hiệu quả hơn cơ chế thị trường bán buôn, bán lẻ điện cạnh tranh. Nghiên cứu, xây dựng và ban hành luật về năng lượng tái tạo…
Đối với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngọc kiến nghị sớm phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời sớm nghiên cứu có cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích khai thác năng lượng mặt trời mái nhà nhằm phát huy tiềm năng về điện mặt trời trên địa bàn TP.
Cũng tại buổi giám sát, Phó Phòng Pháp chế Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM Trần Quang Triệu cho biết giai đoạn 2016-2021, với định hướng phát triển vận tải hành khách công cộng sử dụng nhiên liệu sạch tại TP đã được UBND TP phê duyệt Quyết định số 3998/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP… Hiện nay TP có 2.184 phương tiện xe buýt hoạt động trên 126 tuyến xe buýt, trong đó có 496 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG, 22 xe buýt điện.
Trong giai đoạn 2022 – 2030, TP phát triển hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Từ năm 2030, TP phấn đấu tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh và đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, TP hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trên phạm vi toàn quốc đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp…
Xây dựng các công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm
Để thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm, Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng Sở Xây dựng Nguyễn Thanh Xuyên kiến nghị TP cần tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đến các cơ quan, đơn vị liên quan; doanh nghiệp xây dựng và vật liệu xây dựng thuộc đối tượng thực hiện tiết kiệm năng lượng theo quy định.
Bên cạnh đó, hướng dẫn việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của các cơ dụng năng lượng trọng điểm; Nâng cao năng lực, trình độ quản lý và tổ chức thực hiện cho các cán bộ làm công tác tiết kiệm năng lượng trong xây dựng.
Ngoài ra, triển khai các ấn phẩm thông tin, tài liệu về giải pháp, công nghệ tiết kiệm năng lượng, hệ thống quản lý năng lượng, thiết bị dán nhãn năng lượng, kinh nghiệm trong nước và quốc tế về các hoạt động hiệu suất năng lượng, bảo tồn năng lượng, phân loại công nghệ, áp dụng công nghệ, các mô hình tiên tiến điển hình trong ngoài nước.
Về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong các toà nhà, đồng chí Nguyễn Thanh Xuyên đề xuất TP cần áp dụng các giải pháp quy hoạch và thiết kế kiến trúc phù hợp với điều kiện tự nhiên nhằm giảm tiêu thụ năng lượng sử dụng cho chiếu sáng, thông gió, làm mát; Sử dụng hệ thống quản lý, điều khiển tự động để vận hành phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phù hợp với quy mô công trình; áp dụng các hình thức dịch vụ năng lượng (ESCO). Đồng thời, xây dựng các công trình thí điểm về tòa nhà sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Hỗ trợ đầu tư xây dựng các dự án thí điểm thay thế, ứng dụng, lắp đặt thiết bị công nghệ mới, thiết bị có hiệu suất thấp bằng thiết bị có hiệu suất cao trong tòa nhà mới và hiện hữu.
Về chuyển dịch năng lượng và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Phạm Thị Ngọc Diệu cho rằng, cần khuyến khích việc sử dụng vật liệu xây dựng là sản phẩm từ việc tái chế tro, xỉ; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế trong các khu công nghiệp sản xuất các loại vật liệu xây dựng không nung để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đồng thời, tăng cường phòng ngừa, kiểm soát các đối tượng trong ngành năng lượng có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao; xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn môi trường theo quy định của pháp luật. Thông tin tuyên truyền kịp thời và đầy đủ về công tác bảo vệ môi trường trong ngành năng lượng. Bên cạnh đó, phát triển hệ thống quản lý và xử lý chất thải trong sản xuất năng lượng với công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện kinh tế của TP và quận, bảo đảm năng lực tự xử lý các nguồn thải trong các doanh nghiệp năng lượng.
Về khoa học, công nghệ trong phát triển năng lượng, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Phạm Thị Ngọc Diệu cho rằng, cần ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng năng lượng bền vững; chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng kết nối khu vực. Thực hiện xã hội hóa tối đa trong đầu tư, khai thác và sử dụng cơ sở vật chất ,dịch vụ ngành năng lượng. Bên cạnh đó, khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất chế tạo máy, thiết bị điện tạo ra năng lượng sạch, năng lượng tái sinh và hỗ trợ phát triển công nghiệp chế tạo và dịch vụ phục vụ ngành năng lượng theo hướng tăng cường nội lực hướng đến xuất khẩu.
Đồng chí Hà Phước Thắng kết luận tại buổi giám sát
Ghi nhận và đánh giá cao các đơn vị đã triển khai và thực hiện hiệu quả về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trên địa bàn Tp.HCM giai đoạn 2016 – 2021, đồng chí Hà Phước Thắng đề nghị các quận, huyện và Sở ngành, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trên địa bàn Tp.HCM. Bên cạnh đó, quan tâm đến phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phát triển hệ thống quản lý và xử lý chất thải trong sản xuất năng lượng với công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện kinh tế của Tp.HCM…