ĐBQH TP.HÀ NỘI LÀM VIỆC VỚI BỘ GD&ĐT VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SGK

06/02/2023

Chiều 06/02, Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội và Bộ GD&ĐT làm việc về triển khai Nghị quyết 88, Nghị quyết 51 về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai chủ trì buổi làm việc.

ĐOÀN ĐBQH TP.HÀ NỘI NĂM 2023: TĂNG CƯỜNG GIÁM SÁT ĐỂ ĐÓNG GÓP HIỆU QUẢ VÀO HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai chủ trì buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, đại diện các cục, vụ của Bộ GD&ĐT đã chia sẻ, cung cấp thông tin cho đoàn ĐBQH về những vấn đề xoay quanh Chương trình GDPT 2018. Trong đó, những điểm mới căn bản của Chương trình được chia sẻ, gồm: Quan điểm, mục tiêu của Chương trình GDPT; nội dung và thời lượng giáo dục; phương pháp dạy học; vai trò SGK; vai trò của giáo viên; yêu cầu với học sinh; yêu cầu đối với cha mẹ học sinh; vai trò chủ động của cơ sở giáo dục; điều kiện về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; trách nhiệm của địa phương.

Các vấn đề về thẩm định SGK; môn học tự chọn và môn học lựa chọn; quá trình tập huấn giáo viên; vấn đề về đội ngũ giáo viên khi triển khai Chương trình GDPT 2018; yêu cầu về cơ sở vật chất; yêu cầu về chuẩn bị tài chính khi triển khai Chương trình… cũng được Bộ GD&ĐT chia sẻ, thông tin đến các ĐBQH.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Làm rõ thêm về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, một trong những điểm khác biệt quan trọng của Chương trình GDPT 2018 so với Chương trình GDPT 2006 là mối tương quan giữa chương trình và SGK.

Theo đó, Chương trình GDPT 2006 chỉ là vắn tắt, có tính khung và định hướng. Còn toàn bộ nội dung phổ thông đặt trọng tâm, có tính quyết định ở SGK; việc triển khai bị ‘đóng cứng’ ở một bộ SGK.

Chương trình GDPT 2018 dồn trọng tâm vào chương trình, trong đó có đầy đủ chương trình các môn học và hoạt động giáo dục. Chương trình mới là phần ‘cứng’, là pháp lệnh, nhưng mở mềm ở SGK. Điều chỉnh này tạo ra một khoảng linh hoạt, tự do, cởi mở cho người dạy, cho cách tiếp cận giáo dục, cho nhà trường, cho người học.

Theo Bộ trưởng, tương quan giữa chương trình và SGK thay đổi dẫn đến nhà trường phải tổ chức cách khác, phải tự làm kế hoạch giáo dục nhà trường; không như trước đây chỉ một kế hoạch thống nhất toàn quốc, 50 nghìn trường là như nhau. Giáo viên cũng phải khác, phải linh hoạt, sáng tạo hơn. Vai trò nhà trường không khuôn cứng trong không gian trường học mà mở ra không gian ngoài xã hội, tạo ra một không gian giáo dục, yêu cầu tương quan trong các thành tố của giáo dục cần một thay đổi rất lớn.

Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại buổi làm việc.

Còn xét về nội bộ chương trình, Chương trình GDPT 2006 được xây dựng theo hình “xoáy miệng ốc”, chia làm 3 giai đoạn: Tiểu học, THCS, THPT. Về cơ bản, nội dung 3 giai đoạn là như nhau nhưng được củng cố và mở rộng thêm ở cấp học cao hơn. Hạn chế là rải phổ thông suốt 12 năm, rất khó cho phân luồng, hướng nghiệp.

Trong khi đó, thiết kế Chương trình GDPT 2018 dồn kiến thức cơ bản xuống 9 năm, tạo điều kiện cho phân luồng, hướng nghiệp ở THPT. Kiến thức căn bản được giải quyết trong 9 năm, không lặp lại theo hình thức “xoáy” mà cấu trúc 1 lần giải quyết 1 việc. Phân chia này tạo không gian giáo dục mới, thay đổi sự tham gia của các thành tố, thay đổi các quá trình và triết lý, toàn bộ tổng thể cấu trúc thay đổi.

Tại buổi làm việc, nhiều vấn đề liên quan đến triển khai Chương trình GDPT 2018 được các thành viên trong đoàn ĐBQH TP Hà Nội trao đổi, đặt câu hỏi tới Bộ GD&ĐT. Trong đó có vấn đề về dạy học tích hợp, giáo dục trải nghiệm - hướng nghiệp, xây dựng kế hoạch giáo dục, tập huấn đội ngũ giáo viên,…

Một số đại biểu nhận định Chương trình GDPT 2018 rất hay, nhưng triển khai trong thực tiễn sẽ có khó khăn. Từ đó, đại biểu cho rằng trách nhiệm của Bộ GD&ĐT rất nặng nề, cần có sự chia sẻ của nhân dân, cử tri với ngành Giáo dục. Chính quyền địa phương cũng phải hết sức quan tâm để chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất triển khai Chương trình...

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí phát biểu tại buổi làm việc.

Cảm ơn các ĐBQH vì những ý kiến chia sẻ đáng quý, Bộ trưởng chia sẻ: Chương trình GDPT 2018 thể hiện tầm nhìn rộng lớn, tính lý tưởng, tính toàn diện, tầm mong đợi, kỳ vọng rất cao. Có điểm có thể làm được ngay, nhưng có điểm đặt ra để đi trong nhiều năm và trong quá trình đi có thể điều chỉnh.

Theo Bộ trưởng, sẽ là thuận lợi nếu như song song với việc triển khai Chương trình mới có một chương trình mục tiêu quốc gia để bảo đảm những vấn đề về đổi mới, trang bị hệ thống cơ sở vật chất… Nhưng thực tế triển khai Chương trình trong giai đoạn đầu tư giảm, chuyển giao trách nhiệm một phần cho xã hội, giáo viên giảm biên chế,... Tuy nhiên, toàn ngành triển khai Chương trình với tâm thế hào hứng, lạc quan. Trong thực tế chia sẻ, nhiều thầy cô cũng nhìn thấy những cái mới, mọi thứ đang thay đổi, ngày hôm nay đã khác ngày hôm qua.

Trong phát biểu, Bộ trưởng cũng thể hiện mong muốn, quá trình giám sát, các đại biểu Quốc hội ghi nhận khách quan từ cơ sở với cả những thuận lợi và khó khăn.

Tại buổi làm việc, bà Phạm Thị Thanh Mai khẳng định: Giám sát về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là chuyên đề khó, rất chuyên sâu. Buổi làm việc với Bộ GD&ĐT đã giúp đoàn ĐBQH TP. Hà Nội hiểu sâu hơn về chương trình, có cái nhìn đa chiều khi triển khai thực hiện giám sát Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

(Theo Báo Giáo dục và Thời đại)