ĐOÀN ĐBQH TỈNH TRÀ VINH TIẾP XÚC CỬ TRI HUYỆN TIỂU CẦN
Đồng chí Kiên Quân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trà Vinh đóng góp ý kiến về công tác phòng, chống dịch bệnh trong dịp tết Nguyên đán năm 2023 và thời gian tiếp theo.
Tiếp và làm việc với đoàn, có đồng chí Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh; lãnh đạo Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh và một số ngành liên quan.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Trà Vinh, công tác huy động nguồn lực phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với tổng kinh phí ngân sách nhà nước cấp giai đoạn 2020 - 2022 là 474,146 tỷ đồng (từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh và Quỹ dự trữ tài chính) nhằm chi cho việc mua thuốc chữa bệnh, vật tư, hóa chất, kít thử, trang thiết bị, phương tiện phòng, chống dịch bệnh, sửa chữa cơ sở vật chất; xét nghiệm và cách ly y tế, chế độ, phụ cấp cho cán bộ tham gia phòng, chống dịch và chi phí khác.
Bên cạnh, các tổ chức, cá nhân huy động bằng hiện vật trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 năm 2021 là: 6,75 tỷ đồng tiền mặt và hiện vật quy đổi thành tiền trên 6,9 tỷ đồng. Tổng kinh phí mua sắm trang thiết bị, vật tư, phương tiện bảo hộ, sinh phẩm xét nghiệm Covid-19, thuốc chữa bệnh từ năm 2020 - 2022 trên 210,231 tỷ đồng, đã thực hiện và thanh quyết toán hơn 202,294 tỷ đồng; phần chưa thanh quyết toán hơn 7,937 tỷ đồng.
Giai đoạn năm 2018 đến nay, các Trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện tốt chức năng cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân trên địa bàn. Các Trung tâm y tế tuyến huyện thực hiện chức năng cung cấp các dịch vụ dự phòng và khám, chữa bệnh cho Nhân dân trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố.
Trong thực hiện chính sách, pháp luật về y tế dự phòng, ngành y tế chủ động trong việc tuyên truyền, giám sát, điều tra, xử lý ổ dịch kịp thời nên không có dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh; tỉnh đã đạt mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét năm 2019; các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em nhiều năm không có trường hợp tử vong. Các bệnh truyền nhiễm khác giảm dần qua các năm, đặc biệt là bệnh có vắc-xin tiêm phòng. Giai đoạn 2018 - 2022, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể có số lượng lớn, số ngộ độc nhỏ lẻ không có trường hợp tử vong; chưa xảy ra sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh phát biểu đóng góp về nguồn huy động của Mặt trân Tổ quốc chưa được thể hiện trong báo cáo.
Qua báo cáo, các thành viên trong đoàn tập trung thảo luận về việc quản lý, huy động các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; báo cáo cần thể hiện nguồn lực huy động từ Mặt trận Tổ quốc; cần có dự báo tình hình dịch bệnh trong thời gian tới và tính chủ động của ngành y tế; cần có sự khái quát tình hình dịch bệnh xảy ra nhằm thể hiện mức độ dịch bệnh; cần nêu bật việc ứng dụng công nghệ vào phòng, chống dịch bệnh, việc huy động nguồn lực; công tác an sinh xã hội...
Qua ý kiến đóng góp của các thành viên trong đoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Quỳnh Thiện chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát, bổ sung đầy đủ các nguồn kinh phí, nguồn lực y tế; chuẩn bị tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trong dịp tết Nguyên đán năm 2023.
Phát biểu kết luận, đồng chí Thạch Phước Bình đánh giá, nội dung báo cáo có chuẩn bị khá công phu, tuy nhiên, cần bổ sung đầy đủ các ý kiến của thành viên trong đoàn đóng góp. Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, một số văn bản triển khai chưa kịp thời, cùng nội dung một số nơi hiểu khác nhau; y tế dự phòng chưa được quan tâm đúng mức.
Đồng chí Thạch Phước Bình phát biểu kết luận.
Thời gian tới, cần có sự quan tâm hệ thống y tế cơ sở cơ bản hơn nữa. UBND tỉnh Trà Vinh nên xây dựng hệ thống rủi ro để xác định giám sát và giảm tiêu cực; tăng cường nguồn lực, nhân lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế tuyến cơ sở; y tế dự phòng; quan tâm và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng để thu hút nhân lực có chuyên môn giỏi về công tác y tế cơ sở; phát triển y tế gia đình; quan tâm công tác an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người bị tổn thương do dịch bệnh, đặc biệt là chăm lo đời sống tinh thần cho người dân.
Thực hiện tốt các chính sách để phục hồi kinh tế; mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh; tái cơ cấu kinh tế hướng đến kinh tế sáng tạo, lấy sáng tạo làm mục tiêu phát triển; quan tâm đầu tư công cho ngành y tế, không dàn trải, tập trung các dự án lĩnh vực bức xúc để phục vụ cho lĩnh vực y tế nhằm chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người dân và phòng, chống dịch bệnh tốt hơn…