ĐOÀN ĐBQH TỈNH NAM ĐỊNH GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

30/12/2022

Chiều 29/12, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định có buổi giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Nam Định" đối với UBND tỉnh.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH NAM ĐỊNH GIÁM SÁT CÔNG TÁC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CÁC NGUỒN LỰC PHỤC VỤ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

Đồng chí Nguyễn Hải Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định làm Trưởng đoàn giám sát; tham gia đoàn có lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh. Đồng chí Trần Lê Đoài, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc với Đoàn giám sát; cùng dự có lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ.

Đồng chí Nguyễn Hải Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định và các đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát tại Trường Tiểu học Nam Tiến (Nam Trực).

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 88, Nghị quyết số 51 của Quốc hội, tỉnh đã tích cực triển khai bài bản, theo đúng văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên. Đẩy mạnh truyền thông tới các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương, cha mẹ học sinh và toàn xã hội về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và những đổi mới của ngành, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội. Quy hoạch mạng lưới trường, lớp học; đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hệ thống trường học các cấp khang trang, sạch, đẹp, trang thiết bị dạy học được bổ sung đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. 

Toàn ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã thực hiện thành công đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6, hiện đang triển khai thực hiện ở các khối lớp tiếp theo. Nâng cao năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ quản lý, năng lực chuyên môn của đội ngũ giáo viên trực tiếp triển khai chương trình giáo dục phổ thông đối với các khối lớp. Tổ chức tập huấn tới cán bộ quản lý, giáo viên đại trà về các mô-đun thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tổ chức sinh hoạt chuyên môn qua nghiên cứu bài học để chia sẻ kinh nghiệm dạy học các môn học, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh. Sử dụng thành thạo các phương pháp giảng dạy và kỹ thuật dạy học phù hợp để phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; chú trọng dạy học theo đối tượng; thầy là người tổ chức các hoạt động học cho học sinh... tạo không khí tích cực, sôi nổi trong giờ học. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra chuyên môn đối với cấp phòng, trường, tổ/nhóm và giáo viên. Xây dựng hệ thống tiếp nhận thông tin, giải đáp thắc mắc từ các trường THCS đến Sở Giáo dục và Đào tạo liên thông, liền mạch, giảm bớt hệ thống trung gian. Quan tâm đầu tư mua sắm, sửa chữa, sắp xếp cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có một cách hợp lý, nâng cao hiệu quả sử dụng; xây dựng kế hoạch đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung, tự làm thiết bị dạy học, làm tốt công tác xã hội hóa để bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu. Tổ chức hội thảo, sinh hoạt chuyên môn cấp trường, cụm trường, toàn huyện, thành phố, tỉnh để giáo viên trao đổi, học hỏi về chuyên môn, đưa ra các giải pháp thực hiện hiệu quả các tiết dạy, các hoạt động giáo dục, sử dụng các ngữ liệu, học liệu, tài liệu tham khảo. Việc thực hiện các giải pháp đồng bộ đã giúp học sinh tiếp cận tốt với chương trình giáo dục phổ thông mới, chủ động hơn trong việc tiếp nhận kiến thức, thực hành kỹ năng, tích cực tham gia vào quá trình học tập, năng động, sáng tạo và bước đầu hình thành, phát triển những phẩm chất, năng lực theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Kết quả trên góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của tỉnh. 

Đến nay, toàn tỉnh đã đạt phổ cập tiểu học mức độ III và THCS mức độ II; có 655/728 trường học đạt chuẩn quốc gia; giữ vững thành tích 28 năm liên tục nằm trong tốp đầu cả nước về chất lượng giáo dục, đặc biệt là chất lượng thi tốt nghiệp THPT và thi học sinh giỏi quốc gia.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài phát biểu tại buổi giám sát.

Tại buổi giám sát, các đại biểu đã phân tích, làm rõ những ưu điểm, tồn tại trong triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội trên địa bàn tỉnh; đồng thời đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, bộ, cơ quan Trung ương quan tâm tháo gỡ những vướng mắc để tiếp tục thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội.

Kết luận buổi giám sát, đồng chí Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định Nguyễn Hải Dũng đồng tình với kết quả lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh đối với việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh tiếp tục xây dựng kế hoạch, lộ trình để đầu tư mua sắm trang thiết bị giảng dạy cho các trường học, đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập theo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh. Xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn cấp tỉnh, cấp huyện đối với các trường học để đầu tư nâng cấp trường, lớp phục vụ tốt yêu cầu trường đạt chuẩn quốc gia. Các ý kiến đề xuất, kiến nghị tại buổi làm việc Đoàn sẽ tiếp thu, tổng hợp để báo cáo Quốc hội và các bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết, góp phần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông.

Đồng chí Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Nguyễn Hải Dũng kết luận buổi giám sát đối với UBND tỉnh.

Trước đó, đoàn đã tiến hành giám sát tại Sở Giáo dục và Đào tạo và đi khảo sát thực tế cơ sở vật chất, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới tại các trường: Tiểu học Trần Nhân Tông, THCS Nam Phong (thành phố Nam Định); Tiểu học Nam Tiến, THCS Hồng Quang (Nam Trực); THPT Nguyễn Huệ, THPT Nguyễn Công Trứ.

(Theo Báo điện tử Nam Định)