ĐOÀN ĐBQH TỈNH VĨNH PHÚC KHẢO SÁT VIỆC ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH SÁCH GIÁO KHOA TẠI TRƯỜNG THPT CHUYÊN VĨNH PHÚC
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Mạnh phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh Khánh Linh
Hiện toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 508 trường, cơ sở giáo dục, với 17.312 cán bộ quản lý, giáo viên. Thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, những năm qua, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, ưu tiên nguồn vốn đầu tư nâng cấp, xây mới cơ sở vật chất theo hướng hiện đại.
Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; phân công giáo viên biên chế, giáo viên hợp đồng thực hiện dạy đúng, dạy đủ các môn, hoạt động giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đồng thời chú trọng lựa chọn sách giáo khoa, cung ứng sách của các nhà xuất bản bảo đảm kịp thời việc dạy và học của các nhà trường.
Giai đoạn 2015-2020, tỉnh xây mới 8 trường THCS, THPT, đưa 2.035 phòng học vào sử dụng; tuyển mới 1.989 giáo viên. Giai đoạn 2020-2022 dành trên 243 tỷ đồng thực hiện Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Nhờ đó, chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn của Vĩnh Phúc luôn nằm trong top đầu cả nước. Tỷ lệ nhà giáo, cán bộ quản lý đạt chuẩn trình độ và trên chuẩn cao hơn so với bình quân cả nước.
Đặc biệt, nội dung sách giáo khoa mới phù hợp với đối tượng học sinh, các hoạt động được thiết kế khoa học, giúp người học hình thành các năng lực phẩm chất, đạt mục tiêu của chương trình.
Đánh giá cao nỗ lực của ngành Giáo dục trong triển khai thực hiện Chương trình sách giáo khoa phổ thông mới, các đại biểu đề nghị Sở đánh giá rõ hơn những khó khăn, các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên; công tác tham mưu UBND tỉnh Vĩnh Phúc lựa chọn chương trình giáo dục địa phương, chính sách ưu tiên đối với học sinh thuộc diện chính sách, hộ nghèo; vấn đề hỗ trợ kinh phí dạy buổi 2, việc lựa chọn sách giáo khoa; công tác kiểm tra, thông tin tuyên truyền, tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới cho cán bộ quản lý, giáo viên…
Kết luận buổi giám sát, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh đánh giá cao sự chủ động của Sở GDĐT trong việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Đồng thời đề nghị Sở tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng chương trình bồi dưỡng, đào tạo giáo viên.
Chủ động tham mưu UBND tỉnh Vĩnh Phúc đầu tư kinh phí bổ sung mua sắm trang thiết bị phục vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo quy định; điều động, biệt phái giáo viên, bảo đảm việc dạy và học của các trường; biên soạn, đưa sách giáo dục địa phương vào giảng dạy tại các trường.
Đặc biệt là thực hiện tốt việc lựa chọn sách giáo khoa, bảo đảm công khai, dân chủ, phù hợp với đối tượng học sinh và giá sách phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân.