ĐOÀN ĐBQH TỈNH THANH HÓA GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TẠI HOẰNG HÓA
Các thành viên trong đoàn kiểm tra, giám sát thực tế cơ sở vật chất tại Trường THPT Như Xuân
Cùng tham gia có các đồng chí: Võ Mạnh Sơn, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa; Cầm Thị Mẫn, ĐBQH chuyên trách; đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh và các đơn vị liên quan.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Trước khi làm việc với UBND huyện, đoàn đã đi kiểm tra, giám sát thực tế cơ sở vật chất, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, giáo viên (GV) trực tiếp tham gia giảng dạy thực hiện chương trình, SGK mới tại Trường THPT Như Xuân, THCS Yên Cát và Trường Tiểu học thị trấn Yên Cát.
Các thành viên trong đoàn kiểm tra, giám sát thực tế cơ sở vật chất.
Báo cáo của UBND huyện Như Xuân cho biết, việc triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội trên địa bàn huyện được triển khai thực hiện đúng lộ trình, bám sát chủ trương đổi mới giáo dục và các văn bản chỉ đạo của các cấp. Quá trình triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo theo hướng dẫn chuyên môn của Sở GD&ĐT.
Về thực hiện chương trình GDPT 2018: Chương trình tổng thể, chương trình chi tiết môn học và hoạt động giáo dục đảm bảo tính liên thông, đã tinh giản các kiến thức hàn lâm, tăng tính thực hành và tăng nội dung thực tiễn, thể hiện được mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất học sinh.
Giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Yên Cát trao đổi tâm tư, nguyện vọng trong quá trình trực tiếp giảng dạy chương trình mới.
Về sách giáo khoa: Nội dung sách giáo khoa được thiết kế phù hợp mục tiêu của chương trình GDPT 2018, hướng tới hình thành năng lực, phẩm chất học sinh; tương đối phù hợp với học sinh dân tộc vùng đặc biệt khó khăn. Sách được thiết kế có hình thức đẹp, rõ ràng, dễ hiểu; in màu và có nhiều hình ảnh, bảng biểu, minh họa đẹp. Kênh hình trở thành các nội dung dạy và học. Đổi mới đánh giá theo yêu cầu của chương trình: đánh giá năng lực (đọc, viết, nói và nghe); sử dụng ngữ liệu đánh giá mới.
Đội ngũ nhà giáo cơ bản đã nắm được những yêu cầu của chương trình, SGK mới, vận dụng vào thực tế tổ chức dạy học hiệu quả, dần khắc phục lối dạy học, kiểm tra đánh giá áp đặt một chiều, tích cực thay đổi cách dạy theo mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.
Phòng GD&ĐT sớm thực hiện rà soát các điều kiện, chủ động tham mưu cho UBND huyện chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất, kinh phí triển khai chương trình, SGK mới. Do đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, phù hợp nhu cầu sử dụng.
Giáo viên Trường THCS Yên Cát phát biểu tâm tư, nguyện vọng trong quá trình trực tiếp giảng dạy chương trình mới.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện ngành giáo dục huyện Như Xuân còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc, như: Việc thay sách giáo khoa đối với cấp học THPT được thực hiện đột ngột, không có thời gian để giáo viên tiếp cận, nghiên cứu tài liệu; tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên các môn học đặc thù khiến các trường khó thực hiện việc đổi mới chương trình dạy học theo yêu cầu.
Ở cấp THCS, việc tích hợp các môn khoa học gây khó khăn cho các đơn vị trong việc bố trí giáo viên giảng dạy. Quá trình triển khai, một số môn như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật của cấp THCS, môn Tin học và Công nghệ cấp tiểu học do được tích hợp từ một số môn học khác nhau nên những năm đầu triển khai gặp khó khăn do giáo viên chưa được đào tạo, bồi dưỡng đủ điều kiện để dạy (vẫn phải bố trí giáo viên dạy riêng từng phân môn).
Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Như Xuân Đỗ Văn Chung phát biểu.
Bậc Tiểu học, việc cùng lúc cho phát hành nhiều bộ sách giáo khoa mới, trong khi Bộ GD&ĐT chưa có hướng dẫn chung về phương pháp dạy học, dẫn đến tình trạng không thống nhất về việc truyền thụ kiến thức cho học sinh. Cơ sở vật chất thiếu thốn, nhất là thiếu các phòng học chức năng; công tác trang cấp thiết bị phục vụ dạy học chậm, nhiều trường tiểu học chưa thực hiện học ngày 2 buổi cũng ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện chương trình dạy học mới.
Ngoài ra, do đặc thù là huyện có hơn 65% học sinh là người dân tộc nên một số yêu cầu về đánh giá năng lực người học còn cao so với học sinh dân tộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện (như năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực phản biện, năng lực tự đánh giá, tự học…).
ĐBQH chuyên trách Cầm Thị Mẫn phát biểu tại buổi giám sát.
Thiếu giáo viên đáp ứng quy định của chương trình GDPT mới nhưng không có đủ nguồn tuyển. Cơ cấu giáo viên chưa đồng bộ, chưa đủ giáo viên chuyên để dạy đúng các môn của chương trình dẫn đến tình trạng dạy chéo ban ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai chương trình; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng yêu cầu thực tế khi triển khai chương trình; tài liệu giáo dục địa phương ban hành chậm, ảnh hưởng đến hoạt động tổ chức dạy học; giá thành một bộ SGK còn cao so với điều kiện kinh tế của đa số phụ huynh trong huyện…
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa Võ Mạnh Sơn phát biểu tại buổi giám sát.
Tại buổi giám sát, các đại biểu đã đánh giá những ưu điểm, tồn tại trong triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội; đồng thời đưa ra một số đề xuất, kiến nghị để Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tổng hợp, chuyển đến Quốc hội nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy chương trình GDPT mới; vấn đề lựa chọn SGK; việc bố trí GV dạy học các bộ môn tích hợp, liên môn...
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải phát biểu kết luận buổi giám sát.
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, triển khai của cấp ủy, chính quyền, ngành giáo dục huyện Như Xuân trong thực hiện đổi mới nội dung chương trình, SGK GDPT trong thời gian qua trên địa bàn huyện.
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chương trình, SGK mới trong thời gian tới, đồng chí Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải đề nghị huyện cần tiếp tục quan tâm, dành nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất các trường học trên địa bàn; có kế hoạch sử dụng, tuyển dụng đội ngũ giáo viên phù hợp; quan tâm bồi dưỡng đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; sớm khắc phục những khó khăn, hạn chế, tồn tại để thực hiện hiệu quả chương trình… Các vấn đề được nêu và các kiến nghị, đề xuất của huyện Như Xuân tại buổi làm việc, Đoàn ĐBQH Thanh Hóa tiếp thu để tổng hợp, phản ánh tới cơ quan chức năng có thẩm quyền.