Đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV tỉnh làm Trưởng đoàn giám sát, tham gia đoàn giám sát có đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, Thanh Tra tỉnh, Sở Nội vụ.
Đoàn giám sát đã giám sát trực tiếp tại một số cơ sở giáo dục và các phòng chức năng của huyện, làm việc với Ủy ban nhân dân huyện về tình hình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn.
Huyện Na Hang hiện có 21 trường học (trong đó: 18 trường thuộc thẩm quyền huyện quản lý; 03 trường thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý) với 375 nhóm, lớp/8.989 học sinh. Trong đó: Cấp Tiểu học 06 trường Tiểu học, với 245 lớp, 4.633 học sinh. Cấp THCS: 12 trường, 86 lớp, 2.888 học sinh. 01 Trường Phổ thông dân tộc nội trú với 14 lớp, 490 học sinh. Trường trung học phổ thông: 02 trường, 27 lớp, 956 học sinh. Đội ngũ giáo viên có 511 người; trình độ đào tạo trên đại học là 01 người chiếm 0,2%, đại học là 283 người chiếm 55,4%, cao đẳng là 188 người chiếm 36,8%, trung cấp là 39 người chiếm 7,6%.
Đoàn giám sát làm việc tại trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Phú
Trong những năm qua, huyện Na Hang đã tích cực triển khai tổ chức thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Ủy ban nhân dân huyện đã đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và nhất là đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh trên địa bàn huyện về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, nâng cao chất lượng giáo dục; xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông theo lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tổ chức nghiên cứu, lựa chọn sách giáo khoa theo đúng quy trình, lộ trình. Việc lựa chọn sách giáo khoa được tiến hành công khai, minh bạch, lựa chọn đầu sách tốt nhất, đáp ứng một chương trình với nhiều bộ sách theo yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018. Huyện đã tổ chức sắp xếp lại quy mô, mạng lưới trường, lớp học, đến năm học 2022-2023, dồn ghép được 28 điểm trường; có 09/18 trường đạt chuẩn quốc gia; duy trì, giữ vững kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ở tất cả các xã, thị trấn.
Kết quả thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn huyện Na Hang đã bước đầu tạo được những chuyển biến tích cực, cơ sở vật chất cho giáo dục ngày càng được quan tâm đầu tư, phòng học, phòng chức năng, trang thiết bị đồ dùng dạy học được trang cấp, mua sắm nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện đổi mới chương trình; môi trường học tập, điều kiện học tập của học sinh được cải thiện; trình độ giáo viên và chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới trên địa bàn huyện vẫn còn những khó khăn như: Đội ngũ giáo viên tiếng Anh, Tin học còn thiếu, tỷ lệ giáo viên Tiểu học chưa đạt chuẩn về trình độ chuyên môn còn cao, chiếm 60,6%; cơ sở vật chất phục vụ yêu cầu chương trình, sách giáo khoa mới, nhất là tại các điểm trường lẻ (về các phòng học chức năng, màn hình kết nối Internet, máy tính…) chưa đáp ứng được yêu cầu; trang thiết bị dạy học, tài liệu giáo dục địa phương theo chương trình, sách giáo khoa mới chưa được cung cấp kịp thời…
Đoàn giám sát thực tế tại trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Thanh Tương
Qua giám sát, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội đã kiến nghị với Ủy ban nhân dân huyện tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới; tổ chức lựa chọn sách giáo khoa các cấp học đối với các năm học tiếp theo khách quan, đảm bảo đúng quy trình, thủ tục; tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ở từng cấp học, môn học theo lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Chú trọng công tác đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ nhà giáo đảm bảo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Tổ chức rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các cơ sở giáo dục phổ thông, cân đối ngân sách địa phương và có các biện pháp xã hội hóa các nguồn lực đầu tư đảm bảo cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu chương trình, sách giáo khoa mới. Xây dựng lộ trình sáp nhập các trường phổ thông thành trường phổ thông có nhiều cấp học, thành lập các trường phổ thông bán trú ở những nơi có đủ điều kiện phù hợp để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Cùng ngày, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đã trao tặng máy chiếu phục vụ hoạt động của Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân xã Phú Bình, huyện Chiêm Hóa.