08/12 dự án sử dụng vốn ODA của ngành giáo dục giai đoạn 2016-2021 chưa hoàn thành
Ngày 2/8, Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, giai đoạn 2016-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý 20 chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, với tổng mức đầu tư hơn 22.000 tỷ đồng (trong đó, vốn nước ngoài là hơn 20.100 tỷ đồng, vốn đối ứng trung ương là hơn 1.100 tỷ, vốn đối ứng địa phương/chủ đầu tư tự bố trí hơn 778 tỷ đồng) Trong số danh mục 20 chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, có 12 dự án đã kết thúc, 8 dự án chuyển tiếp triển khai trong năm 2022.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại buổi giám sát.
Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khẳng định, việc huy động, quản lý, sử dụng vốn ODA thuộc thẩm quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo được thực hiện nghiêm theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, Nghị định 114/2021/NĐ-CP ngày 16/12/2021 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài và các văn bản hướng dẫn hàng năm của cấp có thẩm quyền. Việc huy động, quản lý, sử dụng các khoản vay bù đắp bội chi ngân sách nhà nước theo niên độ ngân sách từng năm; chi phí lãi vay hàng năm đối với các khoản vốn huy động bù đắp bội chi ngân sách nhà nước hàng năm không thuộc phạm vi thẩm quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định.
Chưa đồng tình với báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, nhìn vào báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy nhiều công việc liên quan đến sử dụng nguồn lực nhà nước lãng phí, trong đó có nguyên nhân thực hiện không đúng tiến độ. Điển hình như đối với 20 dự án vay vốn ODA, giai đoạn 2016-2021 vẫn còn 8 dự án chưa hoàn thành.
Chỉ rõ vướng mắc, trách nhiệm chậm giải ngân vốn ODA trong ngành giáo dục.
Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội thống nhất với ý kiến của một số thành viên Đoàn giám sát, cho rằng tình trạng chậm tiến độ tại các dự án trong ngành giáo dục xảy ra khá phổ biến, trong đó có dự án xây dựng Trung tâm Đào tạo của trường Đại học Kinh tế Quốc dân, khởi công năm 2005, đến 2018 mới hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hay như Dự án trường đại học Hoa Lư (Ninh Bình), mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng tổng diện tích 15ha, nhưng công trình dở dang không được đưa vào sử dụng. Trước tình hình này tỉnh Ninh Bình cắt 7,9 ha đấu giá để có kinh phí đầu tư xây dựng tiếp dự án này.
“Việc này có thể coi là lãng phí chồng lãng phí. Trước mắt nhìn có vẻ tiết kiệm, nhưng lâu dài lại lãng phí về mặt quy hoạch. Bởi một trường đại học có diện tích 15 ha không phải là lớn, nhưng với cách làm này một thời gian sau với diện tích còn lại sẽ quá tải, phải di chuyển hoặc xây mới, lại càng lãng phí hơn”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.
Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng, tình trạng chậm tiến độ ở các dự án diễn ra phổ biến.
Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai, tiến độ triển khai các dự án ODA chậm đã rõ, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chỉ ra những vướng mắc hiện nay nằm ở khâu nào; quan điểm của Bộ Giáo dục trong việc huy động vốn ODA trong thời gian tới như thế nào.
Cũng liên quan đến vấn đề quản lý, sử dụng vốn ODA, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân cho biết, trong báo cáo của kiểm toán nêu nhiều bất cập của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA giai đoạn 2016-2020. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ tiến độ dự án nâng cấp trường Đại học Cần Thơ và Đại học Việt Đức. Tính đến năm 2018 tiến độ giải ngân 0% theo kế hoạch đề ra và hai dự án này giải ngân chậm và phải hủy dự toán. Việc sử dụng vốn ODA có lãng phí, thất thoát không, nguyên nhân, trách nhiệm vẫn chưa được Bộ Giáo dục và đào tạo đề cập trong báo cáo gửi Đoàn giám sát.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân
Trước đó, năm 2018, qua kiểm toán Chuyên đề Việc quản lý và sử dụng vốn ODA của Bộ Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2015-2017, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra và kiến nghị rà soát, chấn chỉnh nhiều hạn chế, sai sót nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA cho các chương trình, dự án của ngành giáo dục. Cụ thể, công tác mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản, trang thiết bị của các dự án ODA còn chưa xác định được nhu cầu thực tế của các đơn vị thụ hưởng mà chỉ thực hiện khâu khảo sát nhu cầu theo danh mục đã được duyệt. Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra nhiều hạn chế, sai sót trong quản lý, sử dụng tài sản, như việc mua sắm thiết bị trùng lặp, dư thừa, không phù hợp với điều kiện giảng dạy. Từ những hạn chế, thiếu sót được chỉ ra qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 77,4 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá, xem xét lại mô hình quản lý các dự án ODA để có điều chỉnh cho phù hợp
Điều đáng nói là những tồn tại, bất cập trong quản lý và sử dụng vốn ODA trong ngành giáo dục đã được các thành viên Đoàn Giám sát chỉ rõ, tuy nhiên trách nhiệm để ra thất thoát, lãng phí vẫn chưa quy rõ địa chỉ cụ thể. Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đối với những tồn tại nêu trong báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thấy trách nhiệm của các cơ quan để xảy ra tình trạng chậm tiến độ, không hiệu quả như các phương tiện truyền thông đại chúng đã nêu; đối với các kết luận của kiểm toán, thanh tra cũng chưa làm rõ trách nhiệm thuộc về ai, mà chủ yếu nêu nguyên nhân khách quan.
Ghi nhận những ý kiến của thành viên Đoàn giám sát, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bổ sung, hoàn thiện báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gửi Đoàn giám sát của Quốc hội, trong đó phân tích, làm rõ những vấn đề liên quan đến quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA, nguyên nhân, trách nhiệm và đề xuất giải pháp khắc phục./.