Đề xuất các giải pháp, phương thức giải quyết tranh chấp hữu hiệu giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa
Nhiều vấn đề mới phát sinh ảnh hưởng trực tiếp tới công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Ổn định kinh tế vĩ mô, kịp thời có những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn lạm phát, giá cả leo thang là một trong những nội dung chính được đề cập trong Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và Luật giá đang được áp dụng hiện hành.
Tại cuộc làm việc với Đoàn Giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường xung quanh việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, công tác quản lý điều hành giá của nhà nước trong thời gian qua luôn bảo đảm nhất quán nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng, lợi ích của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh và nhà nước; Chú trọng công tác bình ổn giá để góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo vệ người tiêu dùng trong các trường hợp giá một số hàng hóa tăng cao (bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi); giữ ổn định lạm phát trong các năm.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai.
Về công tác quản lý kiểm soát lạm phát 6 tháng đầu năm 2022, trong 6 tháng đầu năm 2022, để chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng-Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Các chính sách được ban hành kịp thời giúp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân tiêu dùng, giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá. CPI tháng 6/2022 tăng 0,69% so với tháng trước, tăng 3,18% so với tháng 12/2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước, hiện lạm phát vẫn cơ bản trong tầm kiểm soát.
Trong các chính sách kinh tế vĩ mô đã triển khai thì các chính sách về thuế góp phần đáng kể giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá như chính sách giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 01/02/2022; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022; 2 đợt giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ ngày 01/4/2022 và lần 2 giảm về kịch khung thuế từ ngày 11/7/2022.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, để kiểm soát lạm phát từ nay đến cuối năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng-Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương các giải pháp đồng bộ về: bảo đảm cân đối cung cầu trong nước, tránh tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý; chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát; chú trọng theo dõi tình hình biến động giá cả các mặt hàng thiết yếu để kịp thời có giải pháp bình ổn giá phù hợp theo quy định tại Luật giá trong trường hợp có biến động bất thường về giá. Đối với các mặt hàng nhà nước định giá, do tính chất quan trọng, thiết yếu nên việc điều hành đảm bảo thực hiện thận trọng, phù hợp với tình hình thực tế, rà soát, tính toán kỹ các phương án nếu cần phải điều chỉnh bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát; tăng cường công tác kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về giá; công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường.
Đoàn đại biểu của Bộ Tài chính tham dự cuộc làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Một trong những nội dung chính được Bộ Tài chính đề cập là tăng cường tính công khai thông tin giá cả trong mua bán để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cũng cho biết thêm, tại Pháp lệnh giá năm 2002 và Luật giá năm 2013 đã quy định về niêm yết giá, theo đó các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thông báo công khai bằng các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa dịch vụ; quy định này đã góp phần bảo về quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch mua bán trên thị trường. Đồng thời, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã liên tịch ban hành Thông tư số 29/2011/TTLT-BCT-BTC ngày 04/8/2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn tổ chức phối hợp kiểm tra giữ các cơ quan Quản lý thị trường và cơ quan Quản lý giá. Căn cứ Thông tư này và các chương trình kiểm tra liên ngành khác tại địa phương như Đoàn kiểm tra liên ngành 389, hàng năm tại các địa phương đã triển khai tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành trong đó có cơ quan quản lý thị trường và cơ quan quản lý giá thuộc Sở Tài chính và các cơ quan có liên quan đã phối hợp kiểm tra thị trường, trong đó có nội dung kiểm tra về niêm yết giá. Qua hoạt động kiểm tra của cơ quan liên ngành đã kịp thời phát hiện và xử lý những vi phạm về niêm yết giá (hoạt động tổ chức kiểm tra và kết quả cụ thể do cơ quan quản lý thị trường chủ trì thực hiện, tổng hợp), từ đó đã góp phần ngăn chặn các hàng vi vi phạm của tổ chức, cá nhân kinh doanh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ.
Hiện tại, Bộ Tài chính đang xin ý kiến rộng rãi đối với nội dung Luật giá (sửa đổi) và trong thời gian tới khi tiến hành sửa đổi Luật giá, Cục Quản lý giá sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các quy định về niêm yết giá nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch thông tin giá cả trong mua bán để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng./.