CÒN NHIỀU TỒN TẠI, HẠN CHẾ TRONG THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ CỦA BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

23/07/2022

Đề cập đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK,CLP giai đoạn 2016-2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên nêu rõ, công tác THTK,CLP của Bộ vẫn còn những tồn tại, hạn chế như các chỉ tiêu tiết kiệm chưa được định lượng đầy đủ và chưa gắn chặt với từng nội dung công việc, sản phẩm cụ thể trong điều hành thực hiện dự toán ngân sách; tiến độ xây dựng một số văn bản pháp luật vẫn còn chậm; khiếu kiện về đất đai tuy có giảm nhưng vẫn còn là vấn đề phức tạp ở nhiều địa phương...

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: 109 dự án chậm tiến độ, không thể đổ hết cho cơ chế

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên

Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK,CLP) trong quản lý, sử dụng nguồn lực giai đoạn 2016-2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho biết, Bộ TN&MT đã ban hành Chương trình hành động về THTK,CLP năm và giai đoạn đảm bảo bám sát Chương trình hành động của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính, phù hợp với thực tiễn yêu cầu quản lý các lĩnh vực của Bộ, đã yêu cầu các đơn vị ban hành kế hoạch thực hiện và thực hiện nghiêm Luật THTK,CLP, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công… Đến nay việc THTK, CLP trong các đơn vị đã đi vào nền nếp, được xác định là hoạt động thường xuyên trong tất cả các mặt hoạt động của đơn vị và đã bám sát các yêu cầu, nhiệm vụ, chỉ tiêu, giải pháp của Bộ cũng như Chính phủ.

Giai đoạn 2016-2021, Bộ TN&MT đã ban hành theo thẩm quyền 291 văn bản quy phạm pháp luật (gồm 02 luật, 01 Nghị quyết, 36 nghị định, 12 quyết định, 232 thông tư, 08 thông tư liên tịch. Trong đó, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ban hành trên 30 Thông tư quy định định mức kinh tế - kỹ thuật liên quan đến các lĩnh vực quản lý của Bộ; làm cơ sở để ban hành đơn giá, đẩy mạnh công tác đấu thầu, đặt hàng dịch vụ sự nghiệp công lĩnh vực tài nguyên môi trường, tạo tính chủ động trong hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập để nâng cao chất lượng, tăng tính cạnh tranh góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Trong quản lý, sử dụng NSNN giai đoạn này, Thứ Trưởng Trần Quý Kiên nêu rõ, Bộ TN&MT đã bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm không để xảy ra thất thoát, lãng phí, không có hành vi vi phạm phải xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, Bộ TN&MT đã ban hành quy chế quản lý, tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản; thực hiện quản lý, mua sắm, sửa chữa, thanh lý, sắp xếp lại tài sản công theo đúng quy định, tiêu chuẩn của nhà nước, đúng mục đích, đối tượng, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.

Đề cập đến kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về THTK,CLP thuộc phạm vi quản lý của Bộ TN&MT giai đoạn 2016-2021, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho biết, hệ thống chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường tiếp tục được hoàn thiện, giai đoạn 2016-2021, Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 02 luật, 01 nghị quyết, 36 nghị định, 12 quyết định; ban hành theo thẩm quyền 232 thông tư, 08 thông tư liên tịch để giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc đặt ra từ thực tiễn về đất đai quy hoạch, giao đất, cho thuê đất, bồi thường hỗ trợ, tái định cư, giao khu vực biển, lấn biển, đấu giá khoáng sản, quản lý tài nguyên nước, cơ chế khuyến khích, các chính sách hỗ trợ, các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19.

Bộ TN&MT đã từng bước quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát huy nguồn lực đất đai vào phát triển sản xuất kinh doanh; quy hoạch phân bổ quỹ đất đảm bảo cho thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giải quyết hiệu quả tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai. Tài nguyên nước từng bước được quản lý, khai thác hiệu quả, dần nâng cao mức đảm bảo an ninh nguồn nước.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cũng cho biết, công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đạt được nhiều thành tựu mới, tiềm năng khoáng sản, giá trị về địa chất từng bước được chuyển hóa thành các nguồn lực; quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản; tăng cường điều tra, nghiên cứu địa chất phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Trong giai đoạn 2016-2021, Bộ cũng đã tăng cường công tác điều tra tài nguyên, môi trường biển; quy hoạch không gian biển, phát huy tiềm năng, lợi thế cho phát triển các ngành kinh tế biển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn. Đồng thời xây dựng đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật giiar quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, hoàn thành các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Bộ TN&MT cũng thúc đẩy thu hút đầu tư xã hội hóa cho hiện đại hóa mạng lưới quan trắc, dự báo; nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

Bộ TN&MT đã xây dựng hành lang pháp lý, chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu; đề xuất chủ trương, quyết sách mạnh mẽ thúc đẩy chuyển dịch mô hình tăng trưởng. Đồng thời tích cực, chủ động tham gia các nhiệm vụ quản lý biên giới, địa giới; tập trung hiện đại hóa thông tin địa lý quốc gia; ứng dựng công nghệ viễn thám phục vụ quản lý, giám sát tài nguyên, môi trường.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng trong giai đoạn vừa qua nhưng Thứ trưởng Trần Quý Kiên cũng chỉ rõ công tác THTK,CLP của Bộ vẫn còn những tồn tại, hạn chế như các chỉ tiêu tiết kiệm chưa được định lượng đầy đủ và chưa gắn chặt với từng nội dung công việc, sản phẩm cụ thể trong điều hành thực hiện dự toán ngân sách. Tiến độ xây dựng một số văn bản pháp luật vẫn còn chậm, nhiều địa phương chưa chủ động trong việc ban hành các văn bản theo thẩm quyền để xử lý các công việc tại địa phương cho phù hợp với quy định và thực tiễn. Công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vẫn còn là vấn đề bức xúc ở một số nơi. Khiếu kiện về đất đai tuy có giảm nhưng vẫn còn là vấn đề phức tạp ở nhiều địa phương. Công tác quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản còn nhiều tồn tại, đặc biệt là khai thai khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường. Triển khai một số quy trình, thủ tục trong quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản còn chậm; vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản còn nhiều. Nguồn lực tài nguyên và môi trường chưa được phát huy đầy đủ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững của đất nước.

Bên cạnh những tồn tại, hạn chế nêu trên, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cũng chỉ rõ nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan của những hạn chế đó. Theo đó, nguyên nhân khách quan là do một số lĩnh vực quản lý của Bộ TN&MT mang tính lịch sử, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân, đến yêu cầu của phát triển kinh tế, trong khi đó các nguồn lực chưa đáp ứng được yêu cầu.

Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, nguyên nhân chủ quan là do chính sách pháp luật về quản lý tài nguyên và môi trường đang trong quá trình hoàn thiện, vẫn còn điểm chồng chéo và chưa theo kịp quá trình phát triển của thực tiễn. Nguồn lực, vốn đầu tư cho công tác điều tra cơ bản còn hạn chế. Hệ thống thanh tra kiểm tra, giám sát các hoạt động về tài nguyên, môi trường chưa được thực hiện một cách đồng bộ; chưa có chế tài và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động tài nguyên, bảo vệ môi trường. Một số địa phương còn quá chú trọng tăng trưởng kinh tế, hiệu quả trước mắt, dẫn đến khai thác, sử dụng tài nguyên quá mức, thiếu bền vững, môi trường bị ô nhiễm; nhận thức về biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu đối với nước ta còn chưa đầy đủ…

Từ thực tế đó, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên đã đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác THTK, CLP của Bộ như hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến THTK, CLP; tăng cường công tác tổ chức, thực hiện THTK, CLP; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm trong THTK, CLP./.

Bích Ngọc

Các bài viết khác