COI TRỌNG SAU GIÁM SÁT TRONG ĐỔI MỚI, NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI

21/09/2021

Tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội là một trong những nội dung quan trọng trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa.

 

Những năm qua, công tác giám sát của Quốc hội đã được tăng cường, góp phần ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, việc triển khai các Nghị quyết, Kết luận giám sát như thế nào lại là câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm. Năm 2019, Quốc hội khóa XIV đã tiến hành giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”, trong đó chỉ ra, trong giai đoạn giám sát vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy.


Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV.

Với Nghị quyết số 99/2019, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ, giải pháp, từ đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, sau những cuộc giám sát như vậy, cử tri, nhân dân và các đại biểu Quốc hội cũng rất quan tâm kết quả thực hiện các kiến nghị, thời gian khắc phục những bất cập hạn chế hay việc có hay không những cơ quan, đơn vị, cá nhân còn thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý trong thực hiện các kiến nghị giám sát.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Xuân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, trong giám sát có tiền giám sát và hậu giám sát. Tuy nhiên, do chưa có nhiều báo cáo về kết quả hậu giám sát cho nên chúng ta không rõ các kiến nghị đã được các địa phương, đối tượng chịu sự gián sát thực hiện như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân cho rằng cần thực hiện quyết liệt, mạnh hơn việc thực hiện sau giám sát để làm sao các địa phương thực hiện các kiến nghị, thúc đẩy người đứng đầu các đơn vị, địa phương - đối tượng chịu sự giám sát, có trách nhiệm, đôn đốc hơn để thực hiện các kiến nghị.


Phiên họp thứ Nhất của Ban Chỉ đạo Đề án Tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội.

Còn theo đại biểu Vũ Trọng Kim- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, chúng ta có chương trình giám sát công phu nhưng sau đó kết quả thực hiện những kiến nghị ra sao là điều cần lưu ý. Trong những kiến nghị đó, các địa phương, đối tượng được giám sát đã thực hiện ra sao, có kết quả như thế nào là vấn đề cần được quan tâm.

Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát, cả về quy trình tổ chức các hoạt động giám sát và theo dõi việc thực hiện các kiến nghị giám sát. Nhiều ý kiến cho rằng, các cuộc giám sát cần có trọng tâm, trọng điểm; kiến nghị thời gian khắc phục; đồng thời chỉ rõ địa điểm, rõ trách nhiệm của tổ chức cá nhân và đề xuất được việc sửa đổi chính sách pháp luật nếu có.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Trần Thị Hoa Ry cho rằng, giám sát lại việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội là một sự đổi mới cần được quan tâm. Chính vì vậy, đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội cần được xây dựng để công tác giám sát sẽ theo đến cùng những vấn đề mà Đoàn giám sát đã đặt ra; Cần có một bộ phận để theo dõi không chỉ hậu giám sát mà cả các kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả, theo đến cùng và biết các kết luận đó được thực hiện đến đâu.


Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương.

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, cho rằng cần phải thực hiện tốt hơn việc hậu giám sát, rà soát lại tất cả nội dung đã giám sát, thông qua những kiến nghị sau giám sát. Bên cạnh đó là kiểm tra các tổ chức, cơ quan, đơn vị, đối tượng chịu sự giám sát thực hiện như thế nào, có đúng không, có chuyển biến ra sao? Cần thiết thì có thể xây dựng chương trình giám sát lại để làm tốt hơn nữa những yêu cầu đã đặt ra của cuộc giám sát trước đây.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác sau giám sát, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng khẳng định: Hậu giám sát rất quan trọng bởi khi Quốc hội đã giám sát, kết luận rồi mà cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn không thực hiện, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp thì thông qua công tác dân nguyện, người dân sẽ có phản ánh nơi nào không thực hiện. Thông qua phản ánh đó, Quốc hội sẽ lại có ý kiến phản hồi, chỉ đạo.


Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.

Quốc hội được cấu thành trên cơ sở hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Do vậy, bên cạnh hiệu quả giám sát của các cơ quan của Quốc hội, theo đại biểu Hoàng Anh Công, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên Ban chỉ đạo xây dựng “Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội”, cần thiết nâng cao vai trò của các chủ thể giám sát như các đoàn đại biểu Quốc hội và cá nhân các đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Hoàng Anh Công cho rằng, trong thời gian tới, cần có cơ chế để các đại biểu Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát tại địa phương, tại cơ sở. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế để thu thập thông tin, bảo đảm nguồn thông tin đa dạng các mặt thì hiệu quả giám sát sẽ được tăng lên.


Đại biểu Hoàng Anh Công, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trả lời phỏng vấn Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Trong bài phát biểu khi nhậm chức, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã rất coi trọng vai trò của hoạt động giám sát và hậu giám sát. Theo đó, Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát, coi đây là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Giám sát là một trong 3 chức năng quan trọng của Quốc hội đã được Hiến pháp và pháp luật quy định. Đây cũng là một trong những quyền năng của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và cả các đại biểu Quốc hội. Thông qua giám sát, sẽ phát hiện ra những bất cập trong thực thi chính sách để kiến nghị tổ chức thực hiện tốt hơn hoặc sửa đổi, hoàn thiện chính sách pháp luật cho sát với thực tiễn. Vì vậy, việc coi trọng sau giám sát để các kiến nghị giám sát không “đi vào quên lãng”. Tiếp tục đổi mới giám sát, tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát chính là việc Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội cũng như các đại biểu Quốc hội đã thực hiện đúng vai, phát huy vai trò là “người đại diện” cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, từ đó thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả các kiến nghị giám sát, giải quyết những vướng mắc, bất cập trong cuộc sống./.

Khắc Phục

Các bài viết khác