Đoàn giám sát của Quốc hội về cải cách tổ chức bộ máy hành chính làm việc tại Kiên Giang

29/03/2017

Chiều 28/3, tại Kiên Giang, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011- 2016.

Tham dự Đoàn giám sát còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Hạnh Phúc và các thành viên khác thuộc Hội đồng Dân tộc; Ủy ban Pháp luật…

Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng cho biết, công tác cải cách hành chính ở địa phương được triển khai khá toàn diện, bám sát chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Bộ máy hành chính nhà nước các cấp đã được rà soát, kiện toàn, hoạt động ổn định. Việc thành lập, kiện toàn, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân được thực hiện kịp thời và theo đúng hướng dẫn của Trung ương. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được đào tạo bài bản, bố trí cơ bản phù hợp với yêu cầu. Tổng biên chế công chức làm việc trong các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh ổn định từ 930-940 người; số lượng công chức trong các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân huyện cũng ổn định từ 869-875 người. Tại các phòng, ban thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh bình quân có 6,4 biên chế, cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện là 7,2 biên chế. Toàn tỉnh có 4.473 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, tăng 1.698 người so với năm 2011 (tăng 2,6%).

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cũng nêu một số khó khăn trong công tác cải cách bộ máy hành chính ở địa phương như: Tổ chức bộ máy vẫn cồng kềnh, nhiều tầng nấc; số lượng tổ chức bên trong các sở, ngành còn nhiều và có xu hướng tăng lên,...

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đã nêu nhiều câu hỏi, trong đó đáng chú ý là tại sao số lượng các phòng, ban thuộc sở, ngành có xu hướng tăng. Nếu là tăng do quy định của trung ương thì tại sao ở các tỉnh, thành khác lại có xu hướng sáp nhập, hợp nhất để giảm các phòng, ban? Nếu quyết tâm rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thì có giảm được số phòng trong các sở, ngành nữa không? Nhiều đại biểu đề nghị làm rõ thêm những nội dung như: Từ khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực thi hành, tỉnh đã thực hiện việc rà soát nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền tỉnh và của chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã trên địa bàn chưa? Qua rà soát, phát hiện những nhiệm vụ, quyền hạn nào được giao thêm, giữ nguyên và chuyển cho cấp dưới. Báo cáo mới chỉ đề cập đến việc phân cấp trong công tác quản lý cán bộ, công chức và viên chức mà chưa đề cập đến việc phân cấp, ủy quyền trong các lĩnh vực khác; đề nghị tỉnh làm rõ hơn vấn đề phân cấp giữa chính quyền tỉnh với chính quyền địa phương ở cấp huyện, cấp xã, với đơn vị sự nghiệp ở địa phương; làm rõ vấn đề ủy quyền của Uỷ ban nhân dân cho các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân...

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu ghi nhận những nỗ lực của lãnh đạo tỉnh Kiên Giang trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, tỉnh cần làm rõ thêm về tổ chức bộ máy nói chung của các đơn vị sự nghiệp; rà soát để xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị sự nghiệp, việc nào gắn với quản lý nhà nước, việc nào thực chất là hoạt động sản xuất, kinh doanh? Cần có những sáng kiến của địa phương trong việc thành lập các Ban chỉ đạo, Ban quản lý, Văn phòng điều phối... Theo Báo cáo của địa phương thì vẫn còn có sự chênh lệnh giữa số biên chế được giao với số thực tế trong cả cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp. Vậy nên việc xét giao chỉ tiêu biên chế như hiện nay có phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ của địa phương hay không? Phó Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra kết quả tinh giản biên chế đạt được còn khiêm tốn là 47 chỉ tiêu trong 5 năm. Đề nghị địa phương nêu rõ nguyên nhân những khó khăn trong việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế. Địa phương đã đạt được những kết quả nhất định trong việc đổi mới, cải tiến về lề lối, phương thức làm việc theo mô hình một cửa, một cửa liên thông. Vì thế cần làm rõ thêm vì sao phương thức làm việc được đổi  mới hiệu quả như vậy mà vẫn chưa tinh gọn được bộ máy, tinh giản được biên chế.

Trước đó, đoàn giám sát của Quốc hội đã có buổi làm việc với một số Uỷ ban nhân dân huyện/quận của tỉnh Kiên Giang.

(Theo ĐBND)

Các bài viết khác