Đoàn Giám sát làm việc với Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng
Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn TP Hải Phòng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hải Phòng Nguyễn Xuân Bình cho biết, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân TP Hải Phòng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý để phát triển kinh tế thủy sản gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, với 7 Nghị quyết, 11 Quyết định, 10 Kế hoạch. Các trang thiết bị, điều kiện làm việc bảo đảm cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khai thác, chế biến và nuôi trồng thủy sản ngày càng được quan tâm, chú trọng, cơ bản đáp ứng được yêu cầu từ thực tiễn. Nguồn vốn thường xuyên được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương và một số nguồn vốn tín dụng khác… Được sự quan tâm, chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, giai đoạn 2010 – 2016, tốc độ tăng trưởng về sản lượng khai thác thủy sản đạt 8,75%/năm, với số lượng tàu đánh bắt xa bờ ngày càng tăng.
Đối với công tác xây dựng các lực lượng trên biển thường xuyên được rà soát, củng cố và tổ chức lại theo hướng “tinh gọn, rộng khắp”. Sự phối hợp giữa các lực lượng trên biển trong tổ chức phối hợp tuần tra để tăng cường hỗ trợ ngư dân yên tâm sản xuất và ra khơi bám biển. Hằng năm, Hải Phòng chỉ đạo tổ chức ký kết quy chế, kế hoạch phối hợp với các lực lượng, như Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự TP, Công an TP… Hải Phòng cũng chủ động huy động các cá nhân, tổ chức và tàu thuyên tham gia vào công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo, với 50 tổ tàu đoàn kết, 4 tổ đò đoàn kết, 2 cụm an ninh liên kết…
Tuy nhiên, đại diện Lãnh đạo TP Hải Phòng cũng chỉ rõ, hiện vẫn còn những khó khăn, hạn chế khi nguồn lực đầu tư cho công ty quản lý thủy sản chưa nhiều; điều kiện trang thiết bị kiểm tra, giám định chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; nguồn vốn huy động và đầu tư từ nhân sách còn ít. Trong khi đó, thời tiết và tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra khó lường gây ra lụt bão, nước biển dâng… Với việc xác định khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, chủ chốt trong chiến lược phát triển kinh tế biển, Hải Phòng xác định ổn định và mở rộng diện tích nuôi trồng; từng bước hiện đại hóa tàu cá ở vùng biển xa; mở rộng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào chế biến thủy sản nhằm nâng cao giá trị sản phẩm… Hải Phòng đề nghị, QH sớm thông qua dự án Luật Thủy sản (sửa đổi) nhằm tạo cơ sở pháp lý phù hợp và đầy đủ hơn cho phát triển kinh tế thủy sản; tăng cường giám sát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về thủy sản để có sự điều chỉnh kịp thời.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Ủy ban nhân dân TP Hải Phòng đã kiến nghị với Đoàn giám sát về việc sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến chính sách đất đai, quản lý xả thải ra môi trường và cơ chế hỗ trợ thành phố trong việc xây dựng Hải Phòng trở thành một trong 5 trung tâm nghề cá của cả nước, cơ chế hỗ trợ nhân dân thành lập các tổ dân quân trên biển, hỗ trợ huyện đảo Bạch Long Vỹ trở thành trung tâm cứu hộ cứu nạn trên biển của Vịnh Bắc Bộ.
Đoàn giám sát thăm mô hình nuôi cá Vược áp dụng Vietgap của HTX nuôi trồng thủy sản Mắt Rồng, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng
Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá cao kết quả Hải Phòng đã làm được trong tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; cho rằng, đây là tiền đề tốt để Hải Phòng hướng đến mục tiêu đưa thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, chủ chốt trong thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, nhiều thành viên Đoàn giám sát cũng thẳng thắn chỉ rõ, quy hoạch khu vực nuôi trồng, chế biến thủy sản của Hải Phòng còn khá ngổn ngang. Đặc biệt, nhiều ý kiến lo ngại khi việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong nuôi trồng, chế biến thủy sản của địa phương còn khá hạn chế, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh, Trưởng Đoàn giám sát Võ Trọng Việt đánh giá cao một số mô hình nuôi trồng thủy sản tại Hải Phòng đang triển khai; nêu rõ, việc gắn kết các hộ gia đình hình thành khu nuôi trồng thủy sản tập trung là cách làm hợp lý trong điều kiện nguồn vốn đầu tư còn hạn chế. Ghi nhận những khó khăn Hải Phòng đã và đang mắc phải trong tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, Trưởng Đoàn giám sát đề nghị, Hải Phòng làm rõ hơn những vướng mắc này do thiếu cơ chế, chính sách hay do cơ chế, chính sách khó thực hiện. Bên cạnh đó, yêu cầu TP Hải Phòng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để các cá nhân, tổ chức nắm vững và thực hiện đúng các quy định của chính sách, pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
+ Trước đó, Đoàn giám sát đã đến thăm, khảo sát thực tế khu nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản tại xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên.
Đoàn giám sát thăm cảng cá Mắt Rồng, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng
Tại đây, Đoàn giám sát đã nghe đại diện cơ sở báo cáo về tình hình nuôi, trồng thủy, hải sản tại địa bàn xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên. Hiện xã có khoảng 672 thuyền đánh bắt cá trên biển, trong đó có hơn 450 thuyền đánh bắt xa bờ, được tổ chức theo dòng họ, làng xã… Xã có 3 hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, trong đó Hợp tác xã Mắt Rồng có số lượng thành viên cao nhất được thành lập từ năm 2015, với 60 hội viên, diện tích nuôi trồng thủy sản 150 ha theo công nghệ VietGAP. Trong thời gian vừa qua, Hợp tác xã luôn quan tâm tới lợi ích của các hội viên, đoàn kết cùng nhau phát triển. Sản lượng hàng năm thu được khoảng 3.000 tấn thủy sản, chủ yếu là cá vược, cá trắm đen. Tuy nhiên, mô hình chăn nuôi thủy sản này gặp khó khăn khi được mùa thì mất giá, có nhiều hộ gia đình chưa tiếp cận được vốn vay hoặc vay thế chấp với số vốn vay thấp, đồng thời đã chú ý tới việc xây dựng thương hiệu nhưng chưa hiệu quả.