Về kết quả rà soát quản lý, sử dụng biên chế công chức, viên chức, báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, tính đến 31/12/2016 thì số biên chế công chức được sử dụng là hơn 300 người; viên chức làm chuyên môn nghiệp vụ khoảng 15 nghìn người, hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP là hơn 1.600 người.
Thực hiện chủ trương tinh giản biên chế của Đảng và căn cứ theo nghị định của Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xây dựng Đề án tinh giản biên chế để triển khai đến tất cả các đơn vị trong toàn ngành. Từ năm 2015 đến 12/2016, đã thực hiện tinh giản biên chế 62 trường hợp, trong đó có: 55 người tinh giản biên chế theo diện nghỉ hưu trước tuổi, 07 người theo diện thôi việc ngay.
Về việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại và sử lý vi phạm về cải cách bộ máy hành chính, trong giai đoạn năm 2011- 2016, trung bình mỗi năm Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện kiểm tra đối với 12 đơn vị trong ngành; đồng thời, cũng trong giai đoạn này Bộ Nội vụ đã tổ chức 02 cuộc thanh tra, kiểm tra về công tác quản lý biên chế, luân chuyển cán bộ; công tác cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ. Nhìn chung, qua công tác kiểm tra của ngành, thanh tra của Bộ Nội vụ chưa phát hiện những vi phạm trong chủ trương, chính sách pháp luật về cải cách bộ máy hành chính của Bảo hiểm xã hội; đồng thời bảo hiểm xã hội cũng chưa nhận được đơn thư, khiếu nại, tố cáo về cải cách bộ máy trong hệ thống của ngành.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng tồn tại một số hạn chế nhất định. Một trong số những hạn chế đó là việc áp dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của ngành còn gặp nhiều khó khăn. Báo cáo của Bảo hiểm xã hội chỉ ra rằng, nếu việc áp dụng công nghệ thông tin được áp dụng thì có thể cắt giảm thủ tục hành chính, giảm bớt nhân lực, rút ngắn thời gian, chi phí giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy ngành bảo hiểm xã hội; tuy nhiên hiện nay hạ tầng công nghệ thông tin của ngành chưa được đồng bộ, một số cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội chưa được tập trung, chưa được liên thông trong phạm vi toàn quốc, do đó ảnh hưởng đến hiệu quả của giao dịch điện tử.
Các thành viên Đoàn giám sát làm việc với Bảo hiểm xã hội
Đánh giá ban đầu của Đoàn giám sát cho rằng, Báo cáo của Bảo hiểm xã hội được chuẩn bị công phu, thể hiện tinh thần trách nhiệm và thái độ làm việc nghiêm túc của cơ quan chuẩn bị báo cáo. Nội dung báo cáo cơ bản bám sát đề cương của Đoàn giám sát, có số liệu tương đối đầy đủ, được phân tích, đánh giá phù hợp với các mốc thời gian theo yêu cầu của Đoàn giám sát.
Trao đổi tại buổi làm việc, một số thành viên Đoàn giám sát cho rằng, theo Bảng thống kê tổ chức bộ máy kèm theo báo cáo thỉ trong giai đoạn giám sát, số lượng các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội biến động không lớn. Tuy nhiên, tất cả các đơn vị này đều được tổ chức cấp phòng với số lượng phổ biến từ 3-5 phòng/1 đơn vị. Như vậy, tổng số phòng trực thuộc các đơn vị này khá lớn và ở một số đơn vị có xu hướng tăng thêm trong giai đoạn giám sát. Do đó, các thành viên Đoàn đề nghị Báo cáo cần làm rõ hiện số lượng cán bộ lãnh đạo các đơn vị trực thuộc bảo hiểm xã hội, bao gồm cả lãnh đạo cấp phòng, cũng như tỷ lệ lãnh đạo tính trên số công chức, viên chức làm chuyên môn nghiệp vụ tại mỗi đơn vị là bao nhiêu? Báo cáo cũng chưa đánh giá rõ về việc tổ chức bộ máy của Bảo hiểm xã hội đã đáp ứng yêu cầu gọn nhẹ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả chưa; việc quản lý, chỉ đạo trực tiếp các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc có bảo đảm tính hợp lý vê chức năng và về vận hành tổ chức bộ máy không; có những loại việc nào có thể chuyển giao cho xã hội thực hiện.
Trưởng Ban Công tác Đại biểu, Phó Trưởng Đoàn giám sát Trần Văn Túy phát biểu tại buổi làm việc
Các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị, Báo cáo cần đánh giá rõ hơn về mối quan hệ giữa Bảo hiểm xã hội với các Bộ có liên quan trong công tác quản lý nhà nước như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hôi, Bô Y tế, Bộ Tài chính. Đồng thời, làm rõ hơn mối quan hệ giữa Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, cấp huyện với Ủy ban nhân dân cùng cấp, đặc biệt là với các cơ quan chuyên môn có liên quan của Ủy ban như: Sở/Phòng lao động thương binh và xã hội, Sở/Phòng y tế, Sở/Phòng tài chính.
Một số thành viên Đoàn giám sát cung chỉ ra rằng, Báo cáo có đề cập đến vấn đề triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành, tuy nhiên chưa làm rõ việc công nghệ thông tin có tác động mạnh mẽ thế nào đến cải cách tổ chức bộ máy của Bảo hiểm xã hội các cấp? Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực này thì khả năng tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy sẽ đạt được kết quả là bao nhiêu?
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Công tác Đại biểu, Phó Trưởng Đoàn giám sát Trần Văn Túy đánh giá cao tinh thần chuẩn bị báo cáo chu đáo, giải trình rõ ràng, đúng trọng tâm của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Trưởng Ban Công tác Đại biểu đề nghị, trên cơ sở tiếp thu ý kiến thảo luận của Đoàn giám sát hôm nay, Bảo hiểm xã hội tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo của mình cho nội dung xác thực, số liệu chính xác để gửi lại Đoàn giám sát trước 10/3.