Đoàn giám sát của UBTVQH về hoạt động của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm việc tại Bình Định

20/04/2015

Ngày 17.4, tiếp tục đợt giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 882/NQ-UBTVQH13 của UBTVQH về hoạt động của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Đoàn giám sát của UBTVQH đã làm việc tại Bình Định.

Những năm qua, nghị quyết của HĐND tỉnh Bình Định ngày càng bám sát thực tế và khả thi; chất lượng hoạt động giám sát từng bước được nâng lên, tác động tích cực đến việc giải quyết các vấn đề bức xúc ở địa phương; công tác giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân có nhiều chuyển biến tích cực... Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện một số nghị quyết của HĐND tỉnh chưa hiệu quả; HĐND tỉnh chưa ban hành nghị quyết về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn nên việc đôn đốc, giám sát thực hiện lời hứa sau chất vấn và trả lời chất vấn còn hạn chế... Nguyên nhân là do cơ cấu tổ chức bộ máy chuyên trách của HĐND chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao; đa số đại biểu hoạt động kiêm nhiệm nên không dành nhiều thời gian cho công tác của cơ quan dân cử... HĐND tỉnh Bình Định kiến nghị giữ nguyên HĐND 3 cấp; cơ cấu của Thường trực HĐND tỉnh gồm: Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách, từ 2 - 3 Phó chủ tịch HĐND và Ủy viên là Trưởng các ban HĐND, Chánh văn phòng; tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách đối với HĐND các cấp...

Trao đổi về mối quan hệ giữa Thường trực HĐND và các Ban HĐND, có ý kiến cho rằng, nên luật hóa địa vị pháp lý của Thường trực HĐND là cơ quan của HĐND có nhiệm vụ chỉ đạo, lãnh đạo hoạt động của các ban HĐND chứ không chỉ điều hòa, phối hợp hoạt động của các ban như hiện nay. Có ý kiến đề nghị tiêu chuẩn lựa chọn đại biểu cần được quy định cụ thể tại Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND. Cần có cơ chế mời các chuyên gia tham gia tư vấn, hỗ trợ... HĐND trong quá trình thực hiện chức năng thẩm tra, giám sát.

+ Trước đó, Đoàn giám sát của UBTVQH đã làm việc tại các huyện Phù Cát và Tây Sơn. Để phát huy hơn nữa vai trò của cơ quan dân cử địa phương, HĐND các huyện này kiến nghị: quy định rõ thẩm quyền và mối quan hệ giữa Thường trực HĐND huyện với Thường trực HĐND xã, thị trấn; cơ cấu đại biểu hoạt động chuyên trách HĐND cấp huyện gồm 2 Phó chủ tịch và Trưởng các ban HĐND, đối với huyện miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số nên có Ban Dân tộc HĐND... Nhiều ý kiến cho rằng, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND thời gian qua có nơi chưa cao, do trình độ chuyên môn của đại biểu HĐND còn hạn chế, nhất đối với cấp huyện, xã. Vì vậy, cần nâng cao chất lượng đại biểu, tăng cường tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ. Hoạt động HĐND cấp xã hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, chỉ có 1 biên chế Phó chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách. Do vậy, có ý kiến đề nghị nên biên chế  thêm 1 chuyên viên giúp việc cho hoạt động của HĐND...

KHÁNH DUY

(http://daibieunhandan.vn)