Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát tại Lạng Sơn về việc thực hiện Nghị quyết số 882

02/04/2015

Sáng 31.3, Đoàn công tác của UBTVQH do Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương làm Trưởng đoàn đã giám sát tại Lạng Sơn về việc thực hiện Nghị quyết số 882/NQ-UBTVQH13 của UBTVQH về hoạt động của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo báo cáo của HĐND tỉnh Lạng Sơn, chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND ngày càng được nâng lên; nội dung trình kỳ họp được chuẩn bị chất lượng hơn; công tác điều hành của Chủ tọa bảo đảm nguyên tắc dân chủ, tập trung, khoa học, phát huy vai trò, trí tuệ của đại biểu; các nghị quyết được ban hành theo đúng quy trình, bảo đảm chất lượng, tính khả thi; công tác giám sát được tăng cường; hoạt động tiếp xúc cử tri có đổi mới, đa dạng hóa các loại hình tiếp xúc hướng về cơ sở, thôn, bản... Tuy nhiên, HĐND tỉnh Lạng Sơn cũng thẳng thắn chỉ rõ: hoạt động giám sát chưa đáp ứng được yêu cầu của cử tri; một số đại biểu chưa thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của người đại diện cho dân theo luật định... Để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND, HĐND tỉnh Lạng Sơn đề nghị, quy định rõ thẩm quyền của HĐND trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, đặc biệt là trong lĩnh vực KT – XH; có quy hoạch cụ thể đối với nhân sự Thường trực, các ban HĐND; tăng tỷ lệ đại biểu HĐND trong các cơ quan Đảng, đoàn thể, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và đại biểu ngoài Đảng; tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách ở HĐND cấp tỉnh...

Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đã trao đổi với HĐND tỉnh Lạng Sơn về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát; việc ban hành các quyết sách của HĐND và đưa các quyết sách này vào cuộc sống. Về cơ cấu tổ chức của Thường trực và các ban HĐND các cấp, nhiều ý kiến đề nghị, mỗi ban HĐND tỉnh cần có 1 phòng giúp việc chuyên sâu hỗ trợ trong công tác giám sát, thẩm tra các báo cáo, tờ trình. Về vai trò của HĐND các cấp trong tổ chức chính quyền đô thị, nhiều ý kiến đề nghị, vẫn phải giữ HĐND quận, huyện, phường. Cùng với đó là bảo đảm chất lượng hoạt động của các đại biểu; thường xuyên tổ chức lớp bồi dưỡng nâng cao kỹ năng hoạt động cho đại biểu dân cử... Các ý kiến, kiến nghị của HĐND tỉnh Lạng Sơn đã được Đoàn công tác ghi nhận để trình UBTVQH xem xét trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

 

Khánh Duy

(http://daibieunhandan.vn)

Các bài viết khác