Đoàn giám sát của UBTVQH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường... làm việc tại Sơn La, Bình Phước

19/03/2015

Từ ngày 16 - 18.3, Đoàn giám sát của UBTVQH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004 - 2014 đã làm việc tại Sơn La và Bình Phước.

Tại Sơn La, các nông, lâm trường được hình thành trước khi ban hành Luật Đất đai, chủ yếu là các đơn vị quân đội chuyển sang làm kinh tế. Đến nay, một số nông, lâm trường trong quá trình sắp xếp lại đã đổi tên thành công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên, công ty cổ phần... Các công ty sau sắp xếp, cổ phần hóa đã dần ổn định, cơ bản thoát khỏi tình trạng thua lỗ; doanh thu, lợi nhuận trước thuế, nộp ngân sách đều tăng; đời sống của cán bộ, người lao động được cải thiện. Tuy nhiên, báo cáo của UBND tỉnh Sơn La cũng chỉ rõ: việc quản lý đất đai của các nông, lâm trường còn lỏng lẻo, sai quy định, gây phiền hà, khó khăn cho dân; tình trạng vi phạm, lấn chiếm đất đai vẫn xảy ra nhưng chưa có biện pháp giải quyết. Hiện nay, địa phương cũng chưa bố trí được kinh phí cho công tác đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận, chỉnh lý biến động đất đai; không có kinh phí cho việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các nông, lâm trường; việc truy thu tiền thuê đất của các công ty nông nghiệp cũng rất khó khăn do các công ty này không có khả năng tài chính để nộp tiền thuê đất.

Chia sẻ với những khó khăn của Sơn La trong công tác quản lý đất đai vì đây là tỉnh miền núi, có địa bàn rộng, phức tạp, tổng diện tích đất tự nhiên lớn, song, Đoàn giám sát cũng cho rằng: trong khi người dân vẫn thiếu đất ở, đất sản xuất còn các nông, lâm trường được giao quản lý diện tích đất lớn nhưng hiệu quả quản lý, sử dụng lại không cao - là một thiếu sót của địa phương trong quá trình rà soát đất đai đã chưa thực sự bám sát năng lực kinh doanh của các nông, lâm trường và nhu cầu về đất ở, sản xuất của người dân. Đoàn giám sát đề nghị, Sơn La cần sớm xác định lại mục tiêu sử dụng đất, có tính đến năng lực sản xuất, kinh doanh của các nông, lâm trường; bảo đảm các nông, lâm trường sử dụng tài nguyên đất có hiệu quả, tránh lãng phí; đồng thời, chú trọng giải quyết đất ở, đất sản xuất cho người dân.

+ Trước đó, Đoàn giám sát đã làm việc với Công ty cổ phần chè Cờ Đỏ, UBND huyện Mộc Châu, công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Mường La và UBND huyện Mường La.

Tại Bình Phước, tính đến tháng 12.2014, diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh là 178.000ha, trong đó đất rừng đặc dụng là 31 nghìn ha, đất rừng phòng hộ hơn 45.000ha và đất rừng sản xuất khoảng 100.000ha. Báo cáo của UBND tỉnh Bình Phước nêu rõ, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp đến nay đã giảm nhiều so với giai đoạn trước đây. Tổng diện tích đất xâm canh lấn chiếm nằm trong quy hoạch đất lâm nghiệp đến nay là hơn 56.000ha, phần lớn nằm trên đất rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Các diện tích đất này chủ yếu tập trung ở hai huyện Bù Đăng và Bù Gia Mập. Hiện, tỉnh đã tổ chức thu hồi được hơn 12.000ha đất để giao cho đồng bào dân tộc thiểu số, giao Quỹ An sinh xã hội và giao cho các chủ rừng, các tổ chức trồng rừng trồng cao su. Sau khi quy hoạch 3 loại rừng, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 đối với diện tích đất tách khỏi lâm phần là 162.275ha và ra Quyết định thu hồi giao về địa phương quản lý để quy hoạch phục vụ phát triển KT-XH với tổng diện tích thực tế là 159.615ha tính đến ngày 15.7.2014; tỷ lệ diện tích đã cấp giấy chứng nhận trên tổng diện tích đất cần cấp là: 16,2%, tăng 8,6% so với thời điểm sơ kết thực hiện Quyết định số 52/2009 của UBND tỉnh.

Về tình hình giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số theo chương trình 134 (2004 - 2008), tỉnh đã thực hiện hỗ trợ đất ở cho 2.530 hộ, đạt 100% kế hoạch; hỗ trợ đất sản xuất cho 2.481 hộ với diện tích 1.786,87ha, đạt 100% kế hoạch. Một số hộ sau khi nhận đất, chưa sản xuất ổn định được do bị tái lấn chiếm, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho liên kết với Công ty cao su Phú Riềng để thực hiện việc liên doanh trồng cao su. Toàn tỉnh hiện còn 581 hộ chưa nhận được đất do bị tái chiếm. Bên cạnh đó, một số hộ nhận đất sản xuất xa nơi ở, diện tích đất hỗ trợ ở một số nơi có độ dốc lớn, đất xấu, trong khi trình độ sản xuất còn hạn chế, thiếu vốn nên một số diện tích đất hỗ trợ chưa phát huy hiệu quả.

+ Đoàn giám sát cũng đã làm việc với công ty Cao su Phú Riềng, Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng, UBND huyện Bù Đăng và UBND huyện Bù Gia Mập.

 

H. Ngọc - N. Điệp

(http://daibieunhandan.vn)

Các bài viết khác