Đoàn giám sát của UBTVQH làm việc với 4 tập đoàn, tổng công ty về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh

12/03/2015

Ngày 11.3, Đoàn giám sát của UBTVQH về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014 đã có các cuộc làm việc với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam, Tổng công ty chè Việt Nam và Tổng công ty cà phê Việt Nam.

Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam là doanh nghiệp được chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên theo quyết định số 981/QĐ-TTg ngày 25.6.2010. Đến cuối năm 2014, tổng diện tích cao su của Tập đoàn trên cả nước là hơn 195 nghìn ha. Năm 2014, sản lượng tiêu thụ đạt gần 339 nghìn tấn, doanh thu kinh doanh ước đạt hơn 12 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 438 tỷ đồng. Về tình hình quản lý, sử dụng đất đai, tổng diện tích đất Tập đoàn đang quản lý và sử dụng trong nước là 373.646ha, trong đó đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện các dự án cao su là 340.483ha, chiếm 91,1%. Đã có gần 224 nghìn ha đăng ký quyền sử dụng đất, chiếm 66% tổng diện tích. Tập đoàn có 6.112ha đất khoán theo Nghị định 01, Nghị định 135 của Chính phủ. Năng suất, hiệu quả các diện tích nhận khoán chỉ đạt 50 - 70% so với các vườn cây của Tập đoàn tự tổ chức trồng cao su.

Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước theo mô hình công ty mẹ - công ty con, gồm Tổng công ty và 3 công ty con. Đến năm 2014, diện tích đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được gần 38 nghìn ha trên tổng số hơn 81 nghìn ha, đạt 46,31% so với tổng diện tích đất Tổng công ty đang quản lý. Tổng doanh thu bình quân của 7 công ty là hơn 386 nghìn tỷ đồng, tổng lợi nhuận bình quân là hơn 21 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 21 nghìn tỷ đồng. Doanh thu bình quân cho 1 ha đạt 45-70 triệu đồng/ha/chu kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận từ khai thác rừng trồng chưa thật hiệu quả, bởi rừng trồng của các công ty chủ yếu được hình thành từ nguồn vốn vay, do đó doanh thu đang phải dùng để hoàn trả vốn vay và trả lãi. Mặt khác, giá trị kinh doanh được phân chia theo sản phẩm với hộ nhận khoán; và vẫn còn tình trạng các hộ dân địa phương tranh chấp lấn chiếm đất đai, chặt phá rừng hoặc cố tình không trả vốn đầu tư cho doanh nghiệp.

Là công ty TNHH một thành viên, Tổng công ty chè Việt Nam có 11 đơn vị. Tổng diện tích đất tự nhiên được giao khi thành lập các nông trường, xí nghiệp là hơn 30 nghìn ha; đến 31.12.2014, tổng diện tích các đơn vị đang quản lý và sử dụng là hơn 10 nghìn ha. Tổng công ty đã rà soát các diện tích đất được giao quản lý, giải quyết các tranh chấp lấn chiếm và trả lại cho địa phương hơn 20 nghìn ha và dự kiến sẽ trả tiếp hơn 3,5 nghìn ha. Hiện Tổng công ty đang chỉ đạo các đơn vị làm việc với các địa phương để thực hiện kiểm kê quỹ đất được Nhà nước giao đất nhưng gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí thực hiện.

Là công ty TNHH một thành viên theo mô hình công ty mẹ - công ty con gồm 55 đơn vị, năm 2014, Tổng công ty cà phê Việt Nam đạt doanh số hơn 4.300 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 104 tỷ đồng, nộp ngân sách 57 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động là 4,5 triệu đồng/người/tháng. Tổng diện tích đất tự nhiên các đơn vị hiện quản lý là gần 48 nghìn ha, tổng diện tích chuyển về địa phương là hơn 10 nghìn ha, còn lại hơn 37 nghìn ha. Sau khi rà soát diện tích được giao quản lý là gần 35 nghìn ha, trong đó diện tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là hơn 24 nghìn ha, chiếm 72%. Việc quản lý sử dụng đất chưa thực sự có hiệu quả, một số nơi còn để xảy ra tranh chấp, khiếu kiện phức tạp kéo dài, ảnh hưởng an ninh trật tự, đoàn kết trên địa bàn.

Đoàn giám sát ghi nhận những kết quả các tập đoàn, tổng công ty đạt được trong thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường trong giai đoạn 2004-2014; đề nghị làm rõ nguyên nhân và giải pháp cho các hạn chế, yếu kém liên quan đến việc chậm hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tình trạng tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai ở một số địa bàn... Nhiều thành viên Đoàn giám sát yêu cầu đại diện Tập đoàn, Tổng công ty phân tích những mặt được và chưa được của việc thực hiện giao khoán đất cho người dân theo Nghị định 01 và Nghị định 135 của Chính phủ; từ đó đề xuất cơ chế quản lý, sử dụng đất phù hợp với tính chất hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngọc Điệp

(http://daibieunhandan.vn)

Các bài viết khác