Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát về tình hình oan, sai... tại Nghệ An

12/01/2015

Ngày 9.1, tại tỉnh Nghệ An, Đoàn giám sát của UBTVQH về Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật đã làm việc với Bộ Tư lệnh Quân khu 4.

Đoàn giám sát đã nghe các báo cáo về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật của các cơ quan Tòa án quân sự, Cơ quan điều tra hình sự, Viện Kiểm sát quân sự Quân khu 4, Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An; xem xét một số vụ án cụ thể. Theo báo cáo của các cơ quan, các cơ quan tố tụng của Quân khu 4 đã hoạt động nghiêm túc, đúng luật, đúng quy trình tố tụng, luôn phối hợp chặt chẽ với nhau nên không để xảy ra trường hợp nào bị oan, phải trả hồ sơ bổ sung hay phải đình chỉ, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của lực lượng vũ trang Quân khu, cũng như địa phương nơi đóng quân. Cơ quan điều tra hình sự chú trọng thu thập các bằng chứng minh oan, kết tội hơn là dựa vào lời khai nên không xảy ra tình trạng bức cung, nhục hình, bảo đảm tính khách quan, liên tục của quá trình tố tụng. Tuy nhiên, cơ quan điều tra không thụ lý giải quyết 1 vụ; chậm ra quyết định phân công điều tra viên giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm với 1 vụ; để quá hạn giải quyết với 11 vụ, vi phạm Điều 103 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Tòa án quân sự cấp phúc thẩm cũng không thực hiện đúng thời hạn chuyển hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát quân sự cùng cấp nghiên cứu, thực hành quyền công tố với 2 vụ án; Tòa án quân sự cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm trong 1 vụ án do đã có người nhận tội thay.

Đoàn giám sát nhấn mạnh, hệ thống tư pháp được Đảng, Nhà nước xác định là chỗ dựa của người dân, có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, nên các cơ quan tư pháp tại Quân khu 4 cần nghiêm túc rút kinh nghiệm của những sai sót trong quá trình tố tụng. Đoàn giám sát cũng lưu ý, việc chống oan, sai sẽ giúp bảo vệ quyền của bị can, còn chống bỏ lọt tội phạm sẽ giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người bị hại, nên cần chú trọng cả hai mục tiêu này trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Các cơ quan tố tụng cần chú ý kiểm tra chặt chẽ nhân thân của bị cáo, xem xét đầy đủ các tình tiết có dấu hiệu vi phạm pháp luật, góp phần phát hiện ngay người phạm tội thực sự, tăng tính răn đe cho bản án, từ đó ngăn chặn tình trạng nhận tội thay; rút kinh nghiệm đối với những vụ án vẫn đưa ra xét xử dù chưa đủ căn cứ để vừa bảo đảm đúng người, đúng tội, tránh bỏ lọt tội phạm.

P. Thủy

(http://daibieunhandan.vn)

Các bài viết khác