Theo Báo cáo của SSC, công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán được thực hiện theo Đề án Tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm, tập trung vào 4 trụ cột: cơ sở hàng hóa, cơ sở nhà đầu tư, tổ chức kinh doanh chứng khoán và tổ chức thị trường chứng khoán. Về tái cấu trúc cơ sở hàng hóa, trong những năm qua, Bộ Tài chính, SSC đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch của thị trường, tăng cường quản trị công trị, chế độ kế toán, kiểm toán phù hợp hơn và từng bước tiếp cận các chuẩn mực quốc tế. Về tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư, SSC đã tham mưu cho Bộ Tài chính hoàn thiện khung pháp lý về hình thành các quỹ đầu tư chứng khoán, đặc biệt là xây dựng đề án, phát triển hệ thống các quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ hưu trí bổ sung nhằm tạo ra nhà đầu tư có tổ chức với vốn dài hạn. Về tái cấu trúc tổ chức kinh doanh chứng khoán, đánh giá chung, chất lượng hoạt động, năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp và khả năng kiểm soát rủi ro đều được tăng cường so với thời điểm năm 2011. Về tái cấu trúc thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Đề án hợp nhất 2 Sở giao dịch chứng khoán; đẩy nhanh quá trình nâng cấp hoạt động của Trung tâm lưu ký chứng khoán, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai Đề án chuyển chức năng thanh toán tiền trái phiếu Chính phủ từ Ngân hàng thương mại sang Ngân hàng Nhà nước; tham gia xây dựng Đề án xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh.
Đoàn giám sát đánh giá cao nỗ lực của SSC trong việc thực hiện tái cấu trúc thị trường chứng khoán; đồng thời, yêu cầu SSC phân tích làm rõ hơn kết quả tái cấu trúc thị trường chứng khoán gắn với tiến trình tái cơ cấu tổng thể, từ đó đóng góp những ý kiến cụ thể, thiết thực phục vụ cho việc tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới thể chế kinh tế, trong đó có 3 dự án Luật đang được QH thảo luận là dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và dự án Luật Quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
+ Sáng cùng ngày, Đoàn giám sát của UBTVQH về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng đã làm việc với Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
Sau 8 năm hoạt động, các chỉ tiêu tài chính như doanh thu, lợi nhuận, tổng tài chính như doanh thu, lợi nhuận, tổng tài sản, vốn chủ sở hữu của SCIC đều tăng trưởng với tốc độ khá qua các năm. Tính đến ngày 31.12.2013, so với thời điểm mới thành lập năm 2006, tổng tài sản của SCIC đạt 65.942 tỷ đồng, tăng 12,4 lần; vốn chủ sở hữu đạt 29.865 tỷ đồng, tăng gần 8,1 lần. SCIC cũng đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại 965 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn Nhà nước theo sổ sách kế toán là 7.986 tỷ đồng. Tính đến ngày 31.12.2013, sau khi đã bán vốn, danh mục đầu tư của SCIC (còn lại sau khi bán vốn Nhà nước và chuyển giao lại một số doanh nghiệp công ích cho địa phương) bao gồm 361 khoản đầu tư đạt 72.805 tỷ đồng. SCIC đã bán vốn tại 646 doanh nghiệp, trong đó bán hết vốn tại 587 doanh nghiệp (đạt gần 2/3 tổng số doanh nghiệp tiếp nhận) thuộc lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ chi phối, thu về 4.096 tỷ đồng, thặng dư 2.237 tỷ đồng, đạt tỷ lệ trung bình 2,2 lần sao với giá trị sổ sách.
Đoàn giám sát đánh giá cao những nỗ lực và kết quả bước đầu đạt được của SCIC, góp phần tích cực vào việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng đề nghị, SCIC cần làm rõ các khoản chênh lệch nợ, tăng vốn chủ sở hữu, cơ cấu doanh thu theo tỷ trọng các lĩnh vực để từ đó đánh giá chính xác hơn nữa thực trạng và hiệu quả hoạt động của SCIC; cung cấp thêm báo cáo tài chính đã được kiểm toán mới nhất của năm 2013; trao đổi thêm về quy định sử dụng và thẩm quyền chi tiêu của quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương...