Đoàn giám sát của UBTVQH về thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng làm việc với Bộ Y tế và Ngân hàng Phát triển Việt Nam

22/08/2014

Ngày 21.8, Đoàn giám sát của UBTVQH về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng đã làm việc với Bộ Y tế và Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ Y tế cho biết, kết quả thực hiện rà soát và tập trung đầu tư trong các năm 2012, 2013 số dự án, hạng mục công trình hoàn thành đưa vào sử dụng phục vụ bệnh nhân liên tục tăng. Một số dự án trọng điểm đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả cao: Bệnh viện K – cơ sở Tân Triều 1.000 giường bệnh, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương 200 giường bênh, Bệnh viện Hữu nghị… Đối với tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp, vốn và tài sản các tổng công ty Dược Việt Nam, Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam, vốn đang được đầu tư vào nhiệm vụ sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp chiếm 85%, không có đầu tư ngoài ngành, cũng như góp vốn vào các Quỹ Đầu tư và lĩnh vực bất động sản.

Báo cáo của Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho thấy, tính đến 30.6.2014, tổng tài sản của ngân hàng đạt gần 303.000 tỷ đồng, bằng 5,08% tổng tài sản của hệ thống ngân hàng Việt Nam, tăng 2,9 lần so với thời điểm bắt đầu đi vào hoạt động (1.7.2006); số dư bình quân nguồn vốn huy động giai đoạn 2010 – 6.2010, đạt hơn 142.000 tỷ đồng, tăng khoảng 60% so với bình quân giai đoạn 2006 – 2010; tổng dư nợ đạt 296.451 tỷ đồng, tăng 2,95 lần so với thời điểm bắt đầu đi vào hoạt động, chiếm 7,57% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tại thời điểm giữa năm 2014; dư nợ tại thời điểm 30.6.2014 tăng hơn 36% so với thời điểm 31.12.2010. Hiện tại, vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu đạt 13.531 tỷ đồng (trong đó vốn điều lệ là 11.456 tỷ đồng) chiếm tỷ trọng 4,49% tổng tài sản ngân hàng.

Đoàn giám sát đánh giá cao những nỗ lực và kết quả bước đầu của Bộ Y tế và Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế tập trung vào 3 lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng. Đoàn đề nghị Bộ Y tế cần bổ sung định hướng của ngành về đối ngoại trong thời gian tới, vấn đề xã hội hóa và đưa ra nguyên nhân dẫn đến giải ngân ODA chậm, đặc biệt là phần xây dựng cơ bản; cần đánh giá tổng thể việc thực hiện đầu tư công trong lĩnh vực y tế, phác họa được bức tranh đầu tư công của ngành trong những năm tiếp theo; đưa ra định hướng để phát triển ngành Dược theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới. Với Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Đoàn giám sát đề nghị làm rõ vấn đề nợ xấu, yếu kém trong giám sát dòng tín dụng sau cho vay; bổ sung định hướng về chính sách đầu tư và những khó khăn trong lĩnh vực đổi mới công nghệ, phát triển nhân lực.

Q. Nga

(http://daibieunhandan.vn)