Đoàn giám sát của UBTVQH làm việc tại Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa

31/07/2014

Ngày 28 - 30.7, Đoàn giám sát của UBTVQH về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng đã có các cuộc làm việc tại 3 tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa.

Theo báo cáo của Hà Tĩnh, trong những năm vừa qua, tổng nguồn vốn đầu tư xã hội trên địa bàn tăng nhanh và cơ cấu vốn đầu tư có chuyển biến mạnh mẽ. Tỷ trọng vốn đầu tư có nguồn gốc ngân sách Nhà nước giảm từ 75% năm 2010 xuống còn 16% năm 2013, vốn đầu tư của doanh nghiệp và dân cư tăng từ 24,5% lên 84%. Đối với tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trong 10 doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn trên địa bàn được xác định tiến hành cổ phần hóa, thì hiện đã hoàn tất cổ phần hóa Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh; các công ty khác sẽ hoàn thành trước ngày 31.12.2014.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An, để triển khai Nghị quyết số 10 của QH về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015 và Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tỉnh đã nhanh chóng ban hành Chương trình hành động thực hiện đề án này, cũng như nhiều cơ chế, chính sách khác và đạt được một số kết quả tích cực. Trong đó, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công bước đầu có cải thiện, góp phần tạo thay đổi đáng kể kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh; tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh đã từng bước được xử lý. Tình hình thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh được cải thiện rõ rệt so với thời điểm trước khi thực hiện tái cơ cấu; kỳ hạn giữa tài sản và nguồn vốn được cân đối; lãi suất huy động, cho vay giảm mạnh. Nghệ An đã thực hiện nhanh và quyết liệt việc chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước. 

Báo cáo của Thanh Hóa cho thấy triển khai chủ trương về tái cơ cấu nền kinh tế, tỉnh đã ban hành trình tự, thủ tục, quyết định chủ trương đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ do tỉnh quản lý nên đã kiểm soát được việc quyết định chủ trương đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tránh lãnh phí từ khâu lập dự án đầu tư. Quyết định tạm dừng, giãn tiến độ thực hiện 30 dự án, số vốn cắt giảm được bổ sung cho 43 dự án cùng lĩnh vực, cùng chương trình và nguồn vốn. Thực hiện sắp xếp, đổi mới 5 doanh nghiệp Nhà nước thuộc sở hữu của tỉnh. Hiện còn 12 công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ, 7 công ty cổ phần Nhà nước nắm trên 50% vốn điều lệ. Quá trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước thực hiện trong thời gian qua đã giúp tổng nguồn vốn chủ sở hữu tại các doanh nghiệp tăng 3,6 lần so với năm 2012. Hệ số nợ, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu giảm dần qua các năm; tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu và vốn chủ sở hữu từ năm 2011 đến nay tăng hơn so với giai đoạn 2005 – 2010.

Đoàn công tác đánh giá cao nỗ lực thực hiện chủ trương tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng thương mại của ba địa phương. Một trong những kết quả đạt được của Hà Tĩnh là đã chuyển từ đầu tư công dàn trải sang đầu tư tập trung vào nông nghiệp để hình thành nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao... Đoàn công tác ghi nhận các kiến nghị của ba địa phương, trong đó có hoàn thiện cơ chế, chính sách về phân cấp quản lý đầu tư; thu hút vốn đầu tư của khu vực tư nhân theo hình thức đối tác công - tư; khắc phục những vướng mắc trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước... Với Thanh Hóa là nhanh chóng hoàn thiện các đề án tái cơ cấu; xây dựng phương án tái cơ cấu với những doanh nghiệp Nhà nước có quy mô nhỏ được xác định không cổ phần hóa; chuẩn bị về cơ sở hạ tầng, hệ thống dịch vụ để đáp ứng nhu cầu lớn của các nhà máy tại Khu kinh tế Nghi Sơn...

Trước khi làm việc với UBND ba tỉnh, Đoàn công tác đã khảo sát thực tế và làm việc tại Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh; Sở Giao thông – Vận tải tỉnh Nghệ An; Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa.

 

P.Thủy

(http://daibieunhandan.vn)