Theo Báo cáo của BIDV với Đoàn giám sát, ngày 27.4.2012, BIDV đã hoàn tất các thủ tục chuyển đổi thành ngân hàng thương mại cổ phần. Trên cơ sở thực hiện tái cơ cấu năm 2012, BIV tiếp tục xây dựng và triển khai Phương án tái cơ cấu giai đoạn 2013 - 2015. Tiến trình tái cơ cấu tại BIDV đã đạt được một số kết quả nhất định, như hoàn thành cổ phần hóa 2 công ty con là Tổng công ty bảo hiểm BIDV (BIC) và Công ty chứng khoán BIDV (BSC). Năm 2013, BIDV đã hoàn thành việc tăng vốn điều lệ theo đúng lộ trình, cụ thể vốn chủ sở hữu tăng từ 24.390 tỷ đồng cuối năm 2011 lên mức 32.040 tỷ đồng vào cuối năm 2013, tăng trưởng bình quân 10%/năm. Tỷ lệ an toàn vốn luôn đạt trên 9%, bảo đảm an toàn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ nợ xấu về cơ bản luôn được kiểm soát dưới 3% và có xu hướng giảm dần (năm 2013 và nửa đầu năm 2014 tỷ lệ nợ xấu chỉ khoảng 2,3%, giảm so với mức 2,9% giai đoạn 2011 - 2012). Đến ngày 31.12.2013, giá trị danh mục đầu tư của BIDV là 6.730 tỷ đồng, trong đó đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh chính là tài chính - ngân hàng - bảo hiểm chiếm 76,3%, còn lại là góp vốn vào quỹ đầu tư và các tổ chức phi tài chính. Từ năm 2012 đến 6 tháng đầu năm nay, BIDV đã thực hiện thoái vốn trên 430 tỷ đồng, lên kế hoạch thoái vốn khoảng 1.000 tỷ đồng trong nửa cuối năm 2014 và năm 2015. Đến ngày 31.12.2013, không có tình trạng sở hữu chéo giữa các công ty con, đơn vị liên doanh, liên kết của BIDV.
Theo Báo cáo của VIB gửi Đoàn giám sát, từ năm 2012, trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, VIB đã chú trọng triển khai những biện pháp nhằm giảm danh mục tài sản có độ rủi ro cao hoặc khả năng sinh lời thấp, điều chỉnh tốc độ tăng trưởng, cải thiện cơ sở khách hàng, tăng cường công tác quản trị rủi ro và tăng trích lập dự phòng. Tỷ lệ an toàn vốn luôn ở mức cao, tính đến tháng 6.2013 đạt 19,63%. VIB chủ trương từ bỏ các phân khúc khách hàng có rủi ro cao, không tham gia tài trợ cho các doanh nghiệp có nền tảng tài chính yếu kém, giảm danh mục tài sản có độ rủi ro cao, thận trọng trong việc tăng trưởng tín dụng. Đến ngày 30.9.2013, VIB đã giảm số dư trái phiếu doanh nghiệp về 1.686 tỷ đồng, từ mức 1.985 tỷ đồng vào ngày 31.12.2012; chủ động giảm 60% các hoạt động và số dư của thị trường liên ngân hàng. VIB không có sở hữu chéo.
Thời gian qua, công tác sắp xếp, đổi mới, tái cấu trúc doanh nghiệp của PVN đã đạt được những thành công nhất định, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước. Dự kiến sau khi hoàn thành tái cơ cấu, Tập đoàn sẽ giảm 5 doanh nghiệp cấp II; thu gọn đầu mối từ 3 đơn vị nghiên cứu khoa học và đào tạo xuống còn 2 đơn vị; tổ chức/thoái vốn tại các doanh nghiệp cấp II, cấp III; thoái vốn/tổ chức lại doanh nghiệp cấp IV. Như vậy, sau khi tái cơ cấu, Tập đoàn sẽ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Theo đó, sẽ chỉ còn Doanh nghiệp cấp I, II, III; doanh nghiệp cấp II sẽ không có công ty liên kết, chỉ PVN có công ty liên kết. Tất cả các đơn vị sau khi tái cơ cấu đều tập trung vào 5 lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn là: thăm dò khai thác dầu khí, công nghiệp khí, công nghiệp điện, lọc – hóa dầu, dịch vụ dầu khí chất lượng cao. Những đơn vị không thuộc các lĩnh vực này, Tập đoàn sẽ thoái vốn theo lộ trình. Tuy nhiên, trong quá trình tái cơ cấu, PVN gặp một số khó khăn như: công tác thoái vốn ngoài ngành mặc dù được triển khai tích cực nhưng hiệu quả chưa cao; một số đơn vị dịch vụ sức cạnh tranh còn yếu, vẫn trông chờ vào sự hỗ trợ của Tập đoàn; các đơn vị kinh doanh thua lỗ, dù đã được tái cơ cấu và được Tập đoàn hỗ trợ những vẫn còn nhiều khó khăn.
Đoàn giám sát đánh giá cao những nỗ lực và kết quả bước đầu của BIDV, VIB, PVN trong việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp. Đoàn giám sát cũng đã yêu cầu BIDV, VIB và PVN cần làm rõ hơn và có báo cáo bổ sung đánh giá cụ thể những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tái cơ cấu; từ thực tiễn của doanh nghiệp mình, đề xuất giải pháp hoặc chính sách để thực hiện hiệu quả hơn nữa việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh.