Ủy ban Về các vấn đề xã hội giám sát việc ban hành các văn bản QPPL về y tế

08/08/2012

Sáng 7.8, tại Hà Nội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã làm việc với các bộ, ngành Trung ương, giám sát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn và triển khai thi hành các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực y tế.

Đến thời điểm này, QH đã ban hành 5 đạo luật và 1 Nghị quyết liên quan đến lĩnh vực y tế gồm: Luật Bảo hiểm y tế; Luật Dược; Luật Khám, chữa bệnh; Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Nghị quyết số 18/2008/QH12. Hiện nay, các văn bản hướng dẫn thi hành các đạo luật trên đã được Bộ Y tế ban hành khá đầy đủ, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện các quan điểm, chủ trương và chính sách của Đảng, Nhà nước ta trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Y tế, vẫn còn một số văn bản hướng dẫn chậm được ban hành, mặc dù thời gian Luật có hiệu lực thi hành đã khá dài. Cụ thể, Luật Dược có hiệu lực từ tháng 6.2005, sau 7 năm, vẫn còn 4 văn bản hướng dẫn chưa được ban hành; Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm có hiệu lực từ tháng 7.2008, đến nay vẫn thiếu 6 văn bản hướng dẫn; Luật Bảo hiểm y tế thiếu 2 văn bản hướng dẫn; Luật Khám, chữa bệnh thiếu 7 văn bản hướng dẫn; Luật Phòng, chống bạo lực thiếu 1 văn bản hướng dẫn. Đặc biệt, Nghị quyết số 18 được QH Khóa XII ban hành từ năm 2008 nhưng hiện vẫn còn nhiều nội dung quan trọng đang trong quá trình nghiên cứu, hoàn chỉnh như: cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, trong đó có tiền lương và giá dịch vụ y tế trong các cơ sở công lập; hướng dẫn và quy định cụ thể trường hợp các cơ sở y tế công lập thực hiện góp vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật thành lập các cơ sở hạch toán độc lập hoặc doanh nghiệp, tạo điều kiện phát triển cơ sở y tế ngoài công lập; sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp trực, chống dịch, phẫu thuật, thủ thuật và chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với cán bộ y tế...

Ghi nhận từ thực tiễn của một số thành viên trong Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho thấy, cùng với việc chậm ban hành một số văn bản hướng dẫn, việc tổ chức thực hiện các đạo luật trong lĩnh vực y tế thời gian qua cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế. Ví dụ, chất lượng khám, chữa bệnh chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, nhất là ở tuyến y tế cơ sở và địa bàn các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa; tình trạng khám, chữa bệnh vượt tuyến dẫn đến sự quá tải ở tuyến trên; người dân không hài lòng với việc khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế vì thủ tục phiền hà và chất lượng chưa tương xứng; trong khi đó, công tác y tế dự phòng được coi là biện pháp quan trọng để phòng bệnh thì nguồn nhân lực cho y tế dự phòng lại vừa thiếu về số lượng vừa hạn chế về chất lượng; cơ sở vật chất và trang thiết bị cho y tế dự phòng cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Mặt khác, dư luận thời gian gần đây khá bức xúc về việc các phòng khám tư nhân đang phát triển khá rầm rộ nhưng chất lượng khám, chữa bệnh và hoạt động của các phòng khám này như thế nào thì dường như cơ quan quản lý nhà nước chưa nắm được... Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề nghị Bộ Y tế, cơ quan thống nhất quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế cần khẩn trương hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành các đạo luật có liên quan đến lĩnh vực này; rà soát các quy định hiện hành đã bộc lộ vướng mắc, bất cập để đề xuất việc sửa đổi, hoàn thiện; đồng thời, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về y tế, bảo đảm các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực y tế được thực thi có hiệu quả trong đời sống.

B. Long

(http://daibieunhandan.vn)