Đoàn giám sát của UBTVQH làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai

06/07/2012

Chiều 5.7, tại Hà Nội, Đoàn giám sát của UBTVQH về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Trưởng đoàn giám sát của UBTVQH Nguyễn Văn Giàu chủ trì cuộc làm việc.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2005 đến năm 2007, tình hình tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai tăng đột biến, gay gắt và phức tạp ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Số lượng đơn thư vượt cấp gửi đến các cơ quan Trung ương khá lớn; tính chất vụ việc khiếu nại phức tạp, tiềm ẩn sự mất ổn định ở một số vùng, nhất là các thành phố lớn, các đô thị. Từ năm 2008, các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người về đất đai vẫn diễn biến phứác tạp, tập trung vào các nội dung như bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cấp và thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính về đất đai... Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên chủ yếu là do: có sự biến động lớn về chủ sử dụng đất; chính sách, pháp luật về đất đai trong thời gian dài không đồng bộ, thiếu cụ thể và thiếu nhất quán; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng có nhiều bất cập; sự yếu kém trong công tác tổ chức thi hành pháp luật về đất đai và sự thiếu gương mẫu, sa sút về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ công chức, sự thiếu hiểu biết và thiếu ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân.

Nhiều thành viên Đoàn giám sát nhấn mạnh: quản lý đất đai là vấn đề phức tạp, đặc biệt là việc giải quyết những khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai là vấn đề rất nan giải và đã nóng đến mức,  có lẽ không cần phải đi thực tế, không cần phải thanh tra, kiểm tra tại các địa phương vẫn có thể biết được hiện trạng khiếu nại, tố cáo về đất đai phức tạp như thế nào, tập trung vào những nội dung gì và nguyên nhân chủ quan, khách quan khiến khiếu nại, tố cáo về đất đai ngày càng có xu hướng diễn biến phức tạp... Một trong nhữäng mục tiêu của chuyên đề giám sát tối cao của QH về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai lần này là phải đánh giá rõ ràng, cụ thể những quy định nào trong lĩnh vực này không phù hợp với thực tế, không đúng, cả quy định ở tầm luật và quy định tại các nghị định, thông tư của Chính phủ, các bộ, ngành và các văn bản cá biệt của chính quyền các địa phương. Trong bối cảnh QH đang khẩn trương nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và sửa đổi Luật Đất đai, Chính phủ, các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường – cơ quan được giao trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai - phải nghiêm túc rà soát tất cả các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này; phải dọn sạch các quy định mâu thuẫn, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai, cả văn bản quy phạm pháp luật và văn bản cá biệt. Nếu không thực hiện được nhiệm vụ này thì sẽ khó có thể tạo chuyển biến trong khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai.

Liên quan đến việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, một số thành viên Đoàn giám sát cũng đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo làm rõ tình trạng bất hành động của chính quyền một số địa phương đã khiến cho các khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai không được giải quyết kịp thời và dẫn đến những bức xúc, phức tạp không đáng có.

B. Long

(http://daibieunhandan.vn/)