Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, từ khi Luật Phòng cháy, chữa cháy có hiệu lực (năm 2001), UBND TP đã có các văn bản, chỉ thị chỉ đạo các sở, ban ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị, cơ sở, doanh nghiệp về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và triển khai thực hiện Luật Phòng cháy, chữa cháy. Thường xuyên chỉ đạo các sở, ban ngành, UBND các quận huyện thị xã tập trung giải quyết các vấn đề nổi cộm, bức xúc trong công tác phòng cháy, chữa cháy tại Thủ đô như: giải pháp phòng cháy, chữa cháy các khu dân cư trong phố cổ; công tác quy hoạch phát triển các làng nghề truyền thống có nguy cơ cháy nổ cao; công tác bảo đảm phòng cháy, chữa cháy tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tuy nhiên, công tác chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy tại một số huyện, xã, phường, đơn vị, cơ sở chưa được quan tâm đúng mức. Các văn bản quy phạm pháp luật quy định về phân công nhiệm vụ, trách nhiệm của lực lượng có liên quan về điều tra, xử lý vi phạm phòng cháy, chữa cháy chưa hợp lý, thống nhất.
UBND TP Hà Nội đề nghị QH nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy và Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật phù hợp với tình hình hiện nay. Có cơ chế để lực lượng cảnh sát thành phố được giữ lại 70% số tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy nhằm đầu tư cho các hoạt động phòng cháy, chữa cháy.
Đoàn giám sát đề nghị Hà Nội cần làm sáng tỏ hơn công tác phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy tại các quận, huyện. Thống kê cụ thể số vụ xử lý vi phạm hành chính và vi phạm hình sự về phòng cháy chữa cháy.
Cùng ngày, Đoàn giám sát đã làm việc với UBND quận Hoàn Kiếm nắm tình hình việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn.