Báo cáo của UBND tỉnh An Giang cho biết, giai đoạn 2006 - 2011, tỉnh đã triển khai thực hiện 372 văn bản của Trung ương và UBND tỉnh có liên quan đến đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân; trong đó, UBND tỉnh ban hành 130 văn bản. Cơ chế, chính sách, pháp luật đã được ban hành và triển khai kịp thời, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong tỉnh, tạo hành lang pháp lý và điều kiện để địa phương huy động mọi nguồn lực khai thác tiềm năng, lợi thế nhằm phát triển KT - XH. Cũng trong giai đoạn này, tổng vốn đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân của An Giang đạt 6.150,62 tỷ đồng. Tỉnh đã ưu tiên bố trí ngân sách và huy động xã hội hóa để tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Đến nay, hệ thống giao thông cơ bản nối liền với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, bảo đảm xe 4 bánh lưu thông về đến trung tâm các xã; gần 2.800 công trình kênh thủy lợi được xây dựng, hình thành 516 tiểu vùng bao kiểm soát lũ với tổng diện tích 250 nghìn ha (đạt 93% diện tích canh tác); tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng điện thường xuyên đạt trên 95%. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2011 đạt 16,1 triệu đồng/năm. Chương trình xây dựng nông thôn mới chuyển biến tích cực.
|
Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Nhà máy Chế biến lúa gạo Vĩnh Bình, An Giang |
Điểm nổi bật của An Giang thời gian qua là đã xây dựng và hình thành nhiều mô hình Cánh đồng mẫu lớn. Khảo sát mô hình Cánh đồng mẫu lớn tại xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, Đoàn giám sát đánh giá cao hiệu quả mà mô hình này mang lại thông qua liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Tuy nhiên, tỉnh An Giang cũng cho rằng, vốn đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân vẫn còn rất thấp. Nhiều cơ chế, chính sách cần sớm điều chỉnh, bổ sung để phù hợp thực tế. Một số cơ chế, chính sách chưa đến được với người dân do các bộ, ngành chậm ban hành văn bản hướng dẫn... Tỉnh kiến nghị QH sớm sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 theo hướng nâng mức hạn điền trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản từ 3ha lên 5ha; không giới hạn thời gian sử dụng đất để nông dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất. Đối với Chính phủ, tỉnh đề nghị xem xét tăng cường phân cấp cho các tỉnh làm chủ đầu tư một số công trình giao thông, thủy lợi trọng điểm (theo Quy hoạch được Chính phủ phê duyệt) để tỉnh chủ động triển khai bảo đảm tiến độ; có chính sách khuyến khích, nhân rộng mô hình tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị các sản phẩm nông sản chính của vùng đồng bằng sông Cửu Long như lúa, cá tra - basa, rau màu; ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho hạ tầng sản xuất lúa.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao việc An Giang đã ban hành và tập trung triển khai nhiều chính sách về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, qua đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng KT - XH, thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn, cải thiện đời sống của nông dân. Phó chủ tịch QH bày tỏ vui mừng với sự thành công của mô hình Cánh đồng mẫu lớn ở An Giang; khẳng định Đoàn sẽ tổng hợp, nghiên cứu những đề xuất, kiến nghị của tỉnh và phản ánh trong báo cáo kết quả giám sát trình QH.