Theo báo cáo của UBND tỉnh Kiên Giang, hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân đến nay cơ bản đầy đủ, đã huy động được các nguồn lực tăng thêm để đầu tư phát triển hàng năm. Căn cứ tình hình thực tế, Kiên Giang cũng đã ban hành một số chủ trương, chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân như: chính sách khuyến khích đầu tư khai hoang vùng tứ giác Long Xuyên; giao cấp đất cho hộ nông dân không đất, thiếu đất sản xuất; cho thuê mặt nước, bãi bồi ven biển, ven đảo nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ lãi suất cho vay đối với tổ chức, hộ dân mua máy móc, thiết bị cơ giới; chính sách khuyến khích cán bộ kỹ thuật về công tác ở địa bàn nông thôn; đầu tư phát triển giao thông nông thôn... Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh chủ yếu đầu tư cho nông lâm nghiệp, thủy sản và xây dựng kết cấu hạ tầng KT - XH nông thôn, trong đó, đầu tư cho nông lâm thủy sản chiếm tỷ lệ 21,6% tổng đầu tư (tổng vốn đầu tư phát triển của Kiên Giang giai đoạn 2006 - 2011 đạt hơn 75 nghìn tỷ đồng). Đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn được nâng lên: thu nhập bình quân đầu người năm 2011 đạt 1.686 USD, tăng 2,6 lần so với năm 2005...
Tuy nhiên, UBND tỉnh Kiên Giang cũng cho rằng, trong từng lĩnh vực, một số chính sách chưa đồng bộ, có mặt chưa hợp lý, cơ chế thực hiện còn vướng mắc. Cụ thể, nguồn vốn Nhà nước đầu tư cho thủy lợi, cơ sở hạ tầng thủy sản thấp, chiếm trên dưới 10% tổng chi ngân sách cho đầu tư phát triển nên nhiều công trình kéo dài, phải điều chỉnh bổ sung dự toán nhiều lần. Nhà nước cũng chưa có chính sách phát triển hệ thống điện phục vụ sản xuất trên địa bàn nông thôn. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay mua máy móc thiết bị gặp nhiều khó khăn. Các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phát triển rau an toàn... chưa được cụ thể hóa hoặc khó thực hiện do khó khăn về nguồn vốn tín dụng ưu đãi và nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách. UBND tỉnh Kiên Giang kiến nghị QH nghiên cứu ban hành Luật Đất đai thay thế Luật Đất đai năm 2003; đề nghị Chính phủ cân đối, bố trí vốn đầu tư các chương trình, dự án theo tiến độ thực hiện được phê duyệt; xem xét tăng nguồn tín dụng cho vay phục vụ phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản và điều chỉnh, bổ sung cơ chế bảo đảm tiền vay phù hợp với thực tế, bảo đảm các đối tượng vay tiếp cận dễ dàng nguồn vốn...
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ, năng động của Kiên Giang trong thời gian qua; cho rằng, Kiên giang đã quán triệt và tổ chức thực hiện đầy đủ các chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân; đồng thời ban hành thêm các chính sách đặc thù về lĩnh vực này. Đoàn giám sát ghi nhận những kiến nghị của tỉnh và sẽ nghiên cứu, phản ánh trong báo cáo của Đoàn, dự kiến trình QH giám sát tối cao tại Kỳ họp thứ Ba tới.